Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (8) – Thời đại Insei
Trong “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 7)“, tôi đã giới thiệu về Abe no Nakamaro, người Nhật Bản đầu tiên có thời gian sinh sống tại Việt Nam.
Vào thời gian đó, ở Nhật Bản, Phật giáo trở nên phổ biến ở kinh thành Heijo, kinh đô Nara xưa, những người theo đạo Phật cũng có tiếng nói trong các vấn đề về chính trị. Bên cạnh đó, trong số những người anh em của Thiên Hoàng Tenji và Thiên Hoàng Tenmu mà tôi đã giới thiệu ở bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 6)“, phía họ hàng của Thiên Hoàng Tenmu đã có được ngôi vị Thiên Hoàng trong một thời gian, tuy vậy nhưng những người trong cùng dòng tộc vẫn tự đấu đá tiêu diệt nhau.
Dời đô từ Nara đến Kyoto
Đã rất lâu mới có một người thuộc dòng tộc Thiên Hoàng Tenji lên ngôi Thiên Hoàng, đó chính là Thiên Hoàng thứ 50 Kanmu. Để tránh khỏi những tăng ni, Phật tử hay lên tiếng về chính trị, ông đã dời đô đến Kyoto và cho xây dựng kinh thành Heian tại đây. Để biết thêm về kinh thành Heian, mời các bạn tham khảo thêm ở “Xoay quanh lịch sử Kyoto (phần 1) – Thành phố cổ Heian-kyo" nhé!
Thời gian từ năm 794 khi kinh đô dời về thành Heian cho đến thế kỷ 12, khi mà quyền lực chính trị được chuyển cho giai cấp võ sỹ, được gọi là Thời Heian. Heian là thời đại mà nền văn hóa riêng của Nhật Bản khai sắc rực rỡ. Bên cạnh đó, về mặt chính trị, một cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Thiên Hoàng và giới quý tộc đã nổ ra.
Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Thiên Hoàng và giới quý tộc
Vào thời gian đó, phía nắm quyền lực lại là gia tộc Fujiwara. Họ là hậu duệ của Nakatomi no Kamatari, người thân cận của Thiên Hoàng Tenji, đã được đề cập đến trong “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 4)" và bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 5)“. Gia tộc Fujiwara tích cực đưa con gái của mình trở thành vợ Thiên Hoàng, khiến họ trở thành hoàng thân quốc thích và thâu tóm quyền lực trong tay.
Dĩ nhiên Thiên Hoàng đã có động thái phản đối việc này. Ngay khi vị Hoàng tử bé vừa chào đời, ông đã nhường ngôi Thiên Hoàng lại cho Hoàng tử và nắm quyền như một người giám hộ. Điều này có vẻ cũng tương tự như việc giao vị trí Giám đốc lại cho con hoặc cháu đang còn nhỏ tuổi, còn mình thì trở thành Chủ tịch và điều hành công ty. Thiên Hoàng sau khi từ ngôi như thế này sẽ được gọi là “Thái Thượng Thiên Hoàng", hay gọi ngắn gọn là “Thượng Hoàng". Và vì tôn xưng của Thượng Hoàng là “In" (Viện) nên chính quyền mà Thượng Hoàng nắm quyền lực được gọi là Insei.
Còn hiện tại, thì vào ngày 1/5/2019 (năm nay), Thiên Hoàng đương nhiệm sẽ từ ngôi và truyền lại ngôi vị cho Hoàng Thái Tử. Theo cách gọi từ trước đến nay thì Thiên Hoàng đã từ ngôi được gọi là Thượng Hoàng. Cho tới nay thì vị Thượng Hoàng cuối cùng là từ năm 1817, tức là sắp tới chúng ta sẽ có vị Thượng Hoàng mới sau khoảng 200 năm.
Nhân tiện thì từ tiếng Anh chính thức dùng để gọi Thiên Hoàng là “His Majesty the Emperor", nhưng không có từ tiếng Anh chính thức nào dùng để gọi Thượng Hoàng. Vì vậy mà cơ quan nội vụ Nhật Bản đã đưa ra đề xuất về tên gọi tiếng Anh cho Thượng Hoàng vào ngày 25/2/2019. Tên gọi đó chính là “His Majesty the Emperor Emeritus", có nghĩa là “vị Thiên Hoàng đã từ chức một cách danh giá".
Xem tiếp tại “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 9)“.