Ba tác phẩm văn học nhà trường Nhật Bản được yêu thích nhất

Nhật Bản là quốc gia có văn hoá đọc rất phát triển. Người Nhật đọc sách ở mọi nơi, từ quán cà phê đến các nhà ga hay trên xe điện. Có lẽ thói quen đọc sách của họ được hình thành từ rất sớm thông qua bộ môn Quốc ngữ được giảng dạy trong các trường học.

Vậy trong số các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa Nhật Bản, đâu là danh tác được yêu thích nhất? Nhóm khảo sát NLab (ITmedia) đã tiến hành khảo sát và chọn ra Ba tác phẩm văn học nhà trường Nhật Bản được yêu thích nhất, chúng ta hãy cùng xem nhé!

1. Botchan – Natsume Soseki

Natsume Soseki (1867 – 1916), tên thật Natsume Kinnosuke, là một trong ba đại văn hào trụ cột của nền văn học Nhật Bản. Ông sinh trưởng vào lúc thời thế biến động mạnh sau cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân. Các tác phẩm của Natsume Soseki ra đời trong bối cảnh văn hóa phương Tây xâm nhập và đối kháng mạnh mẽ với nền văn hóa truyền thống lâu đời của Nhật Bản.

Đại văn hào Natsume Soseki

Tác phẩm Botchan được Natsume Soseki chấp bút vào năm 1906, xoay quanh nhân vật chính là một giáo viên trung học tính tình bộc trực, ghét sự giả tạo. Trong lúc làm việc tại một tỉnh nhỏ xa nhà, một mặt Botchan phải đối phó với những học sinh láu cá, mặt khác lại phải đương đầu với cấp trên đạo đức giả, để rồi bị đẩy vào muôn vàn rắc rối.

Tác phẩm “Botchan” phiên bản tiếng Anh

Bằng cách viết mộc mạc, dí dỏm, Natsume Soseki đã mang đến cho độc giả một nhân vật cậu ấm rất đời, có ưu điểm và cũng đầy khuyết điểm, khiến độc giả yêu mến không thôi. Tác phẩm này cũng đã được xuất bản ở Việt Nam qua các bản dịch Cậu ấm ngây thơCuộc nổi loạn ngoạn mục, các bạn có thể tìm đọc một cách dễ dàng.

Bìa sách “Botchan” xuất bản ở Việt Nam

Không chỉ dừng lại trong phạm vi nhà trường, Botchan còn được yêu thích rộng rãi trên khắp nước Nhật. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim truyền hình với nhân vật Botchan do nam thần tượng của nhóm nhạc Arashi Kazunari Ninomiya thủ vai.

Thành phố Matsuyama (tỉnh Ehime), bối cảnh chính trong Botchan, đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng với những địa danh gắn liền với tên Botchan như sân vận động Botchan, nhà hát Botchan, tàu lửa Botchan, v.v..

Tàu lửa “Botchan”

Những độc giả yêu thích hoặc quan tâm đến tác phẩm Botchan, nếu có dịp hãy thử một lần trải nghiệm chuyến tàu mà Botchan đã từng đi ở Matsuyama nhé.

Địa chỉ Dogomachi 1, Matsuyama, Ehime
Thời gian hoạt động 9:00 – 15:00
Ngày nghỉ không
¥800
Trang chủ https://www.iyotetsu.co.jp/botchan/annai/
Phương tiện công cộng Tuyến Iyotetsu, ga Matsuyamashi, ga JR Matsuyama, ga Dogo Onsen, ga Ookaido, ga Furuimachi
Ghi chú Thời gian hoạt động thay đổi theo mùa

2. Chạy đi, Melos – Dazai Osamu

Quả là thiếu sót nếu nói đến các tác gia tiêu biểu của thế kỷ XX mà không nhắc tới Dazai Osamu. Dazai Osamu (1909 – 1948) tên thật là Tsushima Shuji, xuất thân từ một gia đình địa chủ đông con, có cha là chính trị gia. Ông từng bị gia đình từ bỏ, tự tử nhiều lần bất thành. Các tác phẩm của Dazai cũng nhuốm màu bi quan và ảm đạm như chính cuộc đời ông.

Nhà văn Dazai Osamu

Tuy vậy, truyện ngắn Chạy đi, Melos được đưa vào sách giáo khoa lại mang một màu sắc khác hẳn sự bi quan thường thấy trong tác phẩm của Dazai Osamu. Truyện đề cao lòng tin và tình bạn vững bền giữa hai người bạn Melos và Seli. Cớ sự xảy ra khi Seli bị phán phải chết thay cho Melos nếu Melos không quay về đúng hẹn với đức vua. Thế là, cuộc hành trình chạy đua với thời gian của Melos bắt đầu.

Tác phẩm “Chạy đi, Melos” bản tiếng Nhật

Điểm đặc sắc của tác phẩm này là Dazai Osamu đã khắc hoạ diễn biến tâm lý đa chiều của nhân vật một cách cực kỳ sống động và tinh tế, khiến người đọc phải hồi hộp dõi theo từng diễn tiến trong câu chuyện. Hẳn đây là lý do tạo nên sự lôi cuốn của tác phẩm.

Vượt ra ngoài phạm vi nhà trường, câu chuyện trở nên phổ quát và được mến mộ ở Nhật đến nỗi trở thành nguồn cảm hứng cho các bài hát Con đường của Melos (AKB48), Melos no you ni, Lonely way (anime Blue Comet SPT Layzner), v.v..

Thậm chí ở Kanagi, quê hương của Dazai, còn có hẳn một đoàn tàu của tuyến đường sắt Tsugaru mang biệt danh Hashire Merosu (Chạy đi, Melos).

Đoàn tàu mang biệt danh Hashire Merosu

Một tác phẩm được sự yêu mến đến như vậy, thật đáng tiếc nếu bỏ qua phải không các bạn?

3. Hoá thân – Franz Kafka

Franz Kafka (1883 – 1924) là một nhà văn người Bohemia nói tiếng Đức. Ông là nhà văn tiêu biểu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền văn học châu Âu vào thế kỷ 20. Các tác phẩm của Franz Kafka thuộc dòng văn học hư cấu, trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác gia khác trên thế giới, Haruki Murakami là một trong số đó.

Nhà văn Franz Kafka

Xuất bản vào năm 1915, Hoá thân của Kafka là một tác phẩm điển hình của dòng văn học hư cấu. Tác phẩm được giảng dạy và tham khảo ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Vì sao Hóa thân – một tác phẩm văn học châu Âu lại trở thành tác phẩm nhà trường Nhật Bản được yêu thích nhất?

Tác phẩm “Hoá thân” phiên bản tiếng Anh

Nói về Hóa thân, không thể không nhắc tới chủ nghĩa phi lý hiện hữu trong tác phẩm. Nhân vật chính của tác phẩm là Gregor, một người bỗng dưng biến thành một con bọ. Sau khi biến thành bọ, anh bị cả gia đình ghê tởm và vứt bỏ vì hình thù kỳ dị cũng như không còn khả năng lao động kiếm tiền nữa.

Những điều phi lý trong tác phẩm được chấp nhận một cách hiển nhiên như mặt trời mọc ở đằng Đông. Có thể nói tính phi lý của chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo (magical realism) chính là sức hút khiến cho Hóa thân trở thành một trong ba tác phẩm văn học nhà trường được yêu thích nhất ở Nhật.

Tác phẩm này cũng đã được xuất bản tại rộng rãi tại Việt Nam, còn chần chừ gì mà không tìm đọc ngay các bạn nhỉ?

Tác phẩm “Hoá thân” bản dịch tiếng Việt

Qua ba tác phẩm văn học nhà trường được yêu thích nhất tại Nhật mà WAppuri đã giới thiệu ở trên, liệu các bạn có đặc biệt quan tâm đến tác phẩm nào không? Hãy chia sẻ cảm nhận cùng Wappuri và đón xem những bài viết khác nhé!