Văn hoá truyền thống Nhật Bản – Ngày cuối năm Omisoka
Ở Nhật, người ta gọi ngày cuối cùng của tháng là “misoka", và ngày cuối cùng của một năm, tức 31/12, là “Omisoka".
Vào ngày Omisoka, có người thì đi sự kiện đếm ngược đón năm mới cùng bạn bè, người yêu hoặc tổ chức tiệc tùng, nhưng đa phần người Nhật dành ngày này ở bên gia đình.
Vào ngày Giáng Sinh người ta cũng phải đi làm nhưng vào ngày Omisoka thì rất nhiều người sẽ nghỉ việc để về quê.
Cho đến ngày Omisoka, thường người Nhật trước đó sẽ hoàn tất việc dọn dẹp nhà cửa, hoạt động này gọi là “Osouji" (những người ngày thường hay lười dọn dẹp thì sẽ tốn rất nhiều thời gian và mãi đến ngày Omisoka mới xong!).
Về “Osouji”, mời các bạn xem bài viết này.
https://vi.wappuri.com/nhat-ban-do-day/van-hoa-truyen-thong-nhat-ban-tong-don-ve-sinh-cuoi-nam-osouji/
Dọn dẹp xong rồi thì thong thả đến hết ngày cuối năm thôi nhỉ? Không đâu, sai rồi nha!
Làm cỗ “Osechi"
“Osechi" là cỗ thức ăn thết đãi vào đầu năm mới. Người ta thường làm một set khá nhiều đến mức có thể ăn trong khoảng 3 ngày trời.
Bởi vì ngày xưa, người vợ trong nhà sẽ làm một phần osechi thật nhiều để không cần phải nấu ăn vào 3 ngày đầu năm mới. Vì lượng thức ăn rất nhiều nên thường là gia đình hoặc người thân sẽ cùng nhau bắt tay vào làm.
Thành phần của một phần “Osechi" sẽ khác nhau tuỳ từng vùng miền. Tên của từng món sẽ có cách chơi chữ để cầu mong những điều tốt lành.
Ví dụ, con cá hồng trong tiếng Nhật gọi là “Tai", giống với chữ “medetai" để chỉ sự chúc mừng, loại tảo biển “konbu" lại có liên quan tới chữ “Hỉ – yorokobu" cũng có nghĩa là hạnh phúc.
Những món ăn này được xếp thành từng hộp chồng nhiều tầng lên nhau gọi là “Jubako", khi ăn thì lấy từng hộp ra để lên bàn.
Thời nay, nhiều gia đình mà cả vợ và chồng đều đi làm, và gia đình có ít người chiếm phần lớn, nên không có thời gian và nhân lực để làm osechi, thế là nhiều gia đình chọn cách đặt món osechi do nhà hàng làm và giao tận nhà.
Ăn món mì “Toshikoshi soba"
Vào ngày Omisoka, người Nhật ăn mì “soba" để cầu may mắn. Vì mì soba dễ đứt hơn so với các loại mì khác, nên người ta ăn soba để cầu mong “cắt đứt những cái xui từ năm trước".
Lắng nghe tiếng chuông Joya đêm cuối năm
Tiếng chuông đêm cuối năm là một nghi thức của Phật giáo Nhật Bản. Khi đêm muộn đến, các ngôi chùa ở Nhật sẽ gõ chuông 108 lần. Người ta nói rằng khi nghe tiếng chuông này, 108 dục vọng trong 1 năm qua sẽ được loại bỏ và có thể đón năm mới với một trái tim thanh khiết nhất.
Tuỳ vào nhà chùa mà có những nơi sẽ cho người đi viếng gõ chuông 1 cái, và khi lắng nghe tiếng chuông này họ sẽ cảm nhận rõ rệt sự kết thúc của một năm.
Nếu như bạn có dịp đón năm mới ở Nhật, nhất định hãy nhớ về tiếng chuông này nhé!