Nhật Bản, thật đáng kinh ngạc! (2) Hệ thống giao thông tối tân

Tiếp nối đề tài môi trường và rác thải ở kỳ 1, hôm nay mình sẽ chia sẻ cùng các bạn về hệ thống giao thông tối tân của Nhật Bản: điều đã làm mình sửng sốt lúc mới đặt chân đến nơi đây.

Giao thông Nhật Bản hẳn sẽ khiến những bạn lần đầu đến Nhật Bản sinh sống và làm việc không khỏi bỡ ngỡ. Đầu tiên là chuyện đi về phía bên trái, ngược lại hoàn toàn với Việt Nam. Rồi hệ thống giao thông hiện đại và tối tân có lẽ sẽ khiến không ít người bối rối khi lần đầu sử dụng.

Mình cũng đã mất một thời gian mới có thể thích ứng với hệ thống giao thông và cách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật.

Giao thông ở các đô thị lớn

Ở các đô thị lớn, đặc biệt trong các khu trung tâm, khá khó tìm chỗ đậu xe ô tô, hơn nữa phí cũng không rẻ, mà khả năng bị tắc đường lại cao nữa.

Omotesando

Bạn không thể cứ tấp xe vào lề đậu bừa rồi vào cửa hàng mua sắm hay dùng bữa được, sẽ bị phạt ngay. Có lần mình mất hơn 30 phút chạy lòng vòng Shinjuku chỉ để tìm một bãi giữ xe còn trống thôi đó!

Do vậy, phương tiện công cộng rất được ưa chuộng nhờ tính tiện lợi của nó. Người dân Nhật Bản ở các đô thị lớn thường hay dùng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện để di chuyển.

Sự tiện lợi của hệ thống tàu điện

Hồi ở Tokyo, như hầu hết những người khác, mình thường xuyên sử dụng tàu điện để đi học, đi làm. Tàu điện thật sự rất tiện lợi, đúng giờ, tốc độ cực nhanh giúp hành khách di chuyển các quãng đường dài một cách nhanh chóng.

Phổ biến và được sử dụng nhiều nhất là tàu điện và tàu điện ngầm.

Vào mùa đông bên trong tàu điện có hệ thống sưởi rất ấm áp, đứng trong ga đợi tàu mà chỉ mong tàu tới thật nhanh để chui vào trốn cái lạnh âm độ ngoài trời thôi.

Một đoàn tàu điện chạy trong tuyết

Thẻ tàu điện đa năng

Để đi tàu, bạn chỉ cần làm thẻ Pasmo hoặc thẻ đi tàu Suica.

Thẻ Pasmo thường được sử dụng cho hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Mình thì hay dùng thẻ Suica vì hay đi tàu của hệ thống JR, mỗi tháng chỉ cần nạp tiền vào để đi (trường hợp điểm đi và điểm đến cố định).

Hơn nữa bạn có thể nạp tiền vào sẵn để di chuyển đến những nơi không nằm trong cự ly in trên thẻ. Cả hai loại thẻ trên còn có thể dùng để đi xe buýt, mua vé ở một số máy bán hàng tự động, quán ăn, cửa hàng tiện lợi, v.v.. nhìn chung rất tiện.

Thẻ Suica

Thẻ tàu điện có thể tích hợp vào điện thoại, đồng hồ thông minh

Mang theo nhiều thẻ trong ví thì thật bất tiện, khiến ví dày cộp lên.

Vậy nên một điểm cộng của thẻ đi tàu là có thể tích hợp vào điện thoại, đồng hồ thông minh nên bạn không cần phải đem chiếc thẻ theo cũng không sao.

Khi đến cổng đập thẻ hoặc khi thanh toán, thay vì rút thẻ từ ví ra để chạm thì bạn có thể dùng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh chạm, cực kỳ nhanh chóng và tiện dụng.

Tích hợp thẻ và chạm bằng điện thoại

Bạn có thể mua thẻ tàu điện tại máy bán vé tự động. Ngoài ra, nếu chưa quen sử dụng máy, các bạn hoàn toàn có thể nhờ nhân viên nhà ga hướng dẫn cách mua vé bằng máy. Họ luôn sẵn lòng hỗ trợ hành khách đó.

Máy bán vé tự động

Một vài bất cập của tàu điện

Tuy nhanh chóng và tiện lợi, tàu điện cũng có những bất cập nhất định. Đôi khi có những sự cố như tuyết rơi dày, động đất hoặc tai nạn khiến tàu điện đình trệ dẫn tới việc hành khách bị trễ giờ.

Mạng lưới tàu điện chằng chịt giúp cho việc di chuyển dễ dàng hơn nhưng cũng gây rối trí lắm. Bên cạnh đó, trừ các tuyến tàu ở trung tâm thì hầu như các tuyến tàu thông thường không có tiếng Anh nên những người nước ngoài mới đến Nhật sẽ khó theo dõi hành trình, ga cần đến.

Mạng lưới tàu điện

Mình thường dùng các app chỉ đường như Google Maps, Norikae, v.v. để dễ định hướng và theo dõi hơn. Mặc dù vậy khi mới sang Nhật mình vẫn lạc trong các ga lớn như ga Shinjuku và xuống nhầm bến như cơm bữa, có lần còn nhầm tàu thường với tàu cao tốc nên đi lạc cả tiếng do tàu cao tốc bỏ ga nữa.😅

Vào giờ cao điểm như giờ đi làm hay giờ tan tầm, chuyến tàu cuối luôn đông đúc, đặc biệt vào các dịp lễ hội thì nhà ga luôn kín người, di chuyển trong khoảng thời gian này khá vất vả nên nếu có thể thì mình luôn đi sớm hơn một tí.

Chuyến tàu vào giờ cao điểm

Dù có một vài bất cập nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, bãi đậu xe ô tô công cộng cũng như bãi đậu xe chung cư khá ít thì tàu điện vẫn là một lựa chọn tối ưu khi sống tại một thành phố lớn và đắt đỏ như Tokyo.

Giao thông ở các vùng nông thôn

Ô tô là phương tiện thông dụng

Khác với các đô thị lớn, ở vùng nông thôn nhà cửa cách xa nhau, mật độ siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng ít hơn các đô thị lớn, các tuyến tàu điện và nhà ga cũng ít hẳn và thưa thớt. Mặc dù có xe buýt nhưng thời gian chờ cũng lâu và ít chuyến. Lại khó đi bộ vì khoảng cách giữa các nơi khá xa.

Một nhà ga ở vùng nông thôn
Một đoàn tàu địa phương
Một đoàn tàu ở vùng núi

Vì vậy ô tô cá nhân trở thành phương tiện di chuyển phổ biến hơn. Mỗi gia đình có vài chiếc ô tô cũng là chuyện bình thường, vì mỗi người dùng một chiếc để di chuyển.

Ô tô cá nhân được ưa chuộng

Nhật Bản quy định xe chạy về phía tay trái, nên nếu các bạn có ý định sinh sống và làm việc ở Nhật thì có thể sẽ cần học và làm quen với việc lái xe về phía bên trái đó.

Ô tô là phương tiện di chuyển phổ biến

Không như các đô thị lớn đất chật người đông, ở vùng nông thôn, các siêu thị, cửa hàng, cửa hàng tiện lợi, v.v. hầu hết đều có bãi giữ xe ô tô rộng rãi phục vụ nhu cầu của khách hàng. Rất dễ dàng và thuận tiện nếu di chuyển bằng ô tô.

Bãi giữ xe trước một cửa hàng tiện lợi

Nếu đã có bằng lái xe ô tô từ trước ở Việt Nam, bạn có thể chuyển đổi sang bằng lái xe Nhật Bản, không cần phải học từ đầu rồi mới thi.

Những cung đường có phát nhạc

Nhật Bản có nhiều cung đường phát nhạc khi xe chạy qua, đặc biệt ở các vùng núi, đường đèo. Các đoạn nhạc hay sẽ khiến cho hành trình của các tài xế bớt nhàm chán hơn.

Đoạn đường phát nhạc ở tỉnh Gunma

Hơn thế nữa, những đoạn nhạc được phát khi tài xế chạy qua còn giúp tài xế giữ tỉnh táo, không ngủ gật trên đường. Đây quả là một giải pháp hay các bạn nhỉ.

Giao thông liên tỉnh

Nói về giao thông, Nhật Bản có hệ thống giao thông cực kỳ tiện lợi và hiện đại. Nếu phải di chuyển liên tỉnh thì ngoài các sự lựa chọn như ô tô cá nhân, xe buýt liên tỉnh, máy bay thì nhanh chóng và nổi bật nhất chính là tàu siêu tốc Shinkansen ở Nhật.

Tàu siêu tốc

Tàu siêu tốc có hình dáng như đầu viên đạn, thông thường đạt tốc độ trên 200km/h, một số loại tàu đạt vận tốc trên 300km/h, hoặc tàu siêu tốc chạy trên đệm từ trường có thể đạt vận tốc lên đến 581km/h!

Tốc độ cao của tàu siêu tốc Shinkansen giúp rút ngắn các quãng đường dài từ tỉnh này sang tỉnh khác một cách đáng kể.

Tàu siêu tốc không chỉ đi siêu nhanh, nội thất sạch đẹp mà khi dùng tàu siêu tốc, chúng ta không cần phải mất thời gian đến trước để chờ làm các thủ tục check-in như ở sân bay, và còn có thể ngắm phong cảnh bên ngoài trong lúc đi tàu nữa.

Hệ thống tàu siêu tốc Shinkansen trên toàn quốc

Ngoại hình của tàu siêu tốc Shinkansen lại cực kỳ ngầu, nhìn phát mê luôn.

Lần đầu mình đi tàu siêu tốc Shinkansen là từ Tokyo đến Kyoto. Đáng tiếc là tàu chạy vừa nhanh vừa êm ru nên mình đã ngủ khò một mạch đến Kyoto mà chẳng ngắm cảnh được xíu nào. 🤣

Tàu siêu tốc Shinkansen tuyến từ Kyoto đến Tokyo (ảnh: Ishikawa Yoko)
Lần đầu mình đi tàu siêu tốc Shinkansen

Nếu có dịp các bạn hãy đi tàu siêu tốc Shinkansen thay vì đi máy bay để được ngắm cảnh thỏa thuê nhé, có lúc còn nhìn thấy cả núi Phú Sĩ đẹp như tranh nữa đó.

Tàu siêu tốc Shinkansen chạy ngang núi Phú Sĩ

Kết

Hệ thống giao thông tối tân cùng cơ sở hạ tầng hiện đại đã giúp cho người dân Nhật Bản di chuyển một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Dù đôi khi hệ thống giao thông này mang lại những khó khăn với những người lần đầu sang Nhật Bản, song khi đã quen rồi thì không thể phủ nhận rằng với hệ thống giao thông tân tiến, cuộc sống của chúng ta đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.