Nghệ thuật nhuộm truyền thống Nhật Bản
Nhật Bản vốn nổi tiếng với các nghệ thuật thủ công truyền thống đặc sắc. Bên cạnh các nghệ thuật dây bện, gốm sứ, in hoa văn giấy, làm thùng gỗ, v.v, nhuộm truyền thống cũng được biết đến như một nét văn hoá đặc trưng đầy lôi cuốn. Vậy nghệ thuật nhuộm truyền thống kiểu Nhật có gì thu hút?
Cùng WAppuri tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
1. Nghệ thuật nhuộm truyền thống Nhật Bản
Nhuộm là một trong những kỹ thuật không thể thiếu đối với kimono.
Kimono là nét văn hoá truyền thống độc đáo của Nhật Bản, để bảo tồn kimono thì nghệ thuật nhuộm là cũng một nét văn hoá mà người Nhật muốn duy trì, phát triển.
Khi nói về nhuộm, trong tiếng Nhật sử dụng chủ yếu hai thuật ngữ senshoku (染色) và somemono (染物). Dù cùng nói về nhuộm, nhưng hai thuật ngữ này lại mang ý nghĩa khác nhau.
Senshoku (染色) là kỹ thuật hay phương pháp tẩm thuốc nhuộm vào các loại vải như sợi chỉ, bông hay vải lanh, v.v.. Màu sắc tạo ra thay đổi tùy theo phương pháp nhuộm, chẳng hạn như nhuộm trơn, nhuộm hoa văn hoặc nhuộm tay.
Trong khi đó, somemono (染物) là thuật ngữ chỉ các loại vải đã được nhuộm. Thông thường là vải dệt. Phổ biến nhất là vải may kimono được nhuộm bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.
Có rất nhiều kiểu nhuộm kimono như nhuộm yuzen, nhuộm sáp, nhuộm katame, ép kim, v.v.. Khi được may thành kimono, giá sẽ chênh lệch nhau rất nhiều.
2. Lịch sử nghệ thuật nhuộm Nhật Bản
Kỹ thuật nhuộm ở Nhật Bản đã xuất hiện từ thời Jomon và được duy trì cho đến hiện tại.
Nhuộm nguyên thủy (thời kỳ Jomon – Yayoi)
Vào những năm 300 đến năm 250 trước Công nguyên, tức thời kỳ Jomon – Yayoi của Nhật Bản, nhuộm được thực hiện bằng phương pháp gọi là nhuộm chà xát.
Trong suốt quá trình, người ta sử dụng các loại thực vật, hoa, đất, v.v chà xát lên vải để tạo màu sắc.
Cũng có giả thuyết cho rằng người ta từng sử dụng thành phần thu được từ ốc sên để tạo màu thuốc nhuộm.
Nhuộm cổ đại (thời kỳ Kofun – Heian)
Từ năm 250 đến năm 710 Công nguyên, tức thời kỳ Kofun đến thời Asuka, bên cạnh nhuộm chà xát, người Nhật sử dụng kỹ thuật nhuộm nhúng.
Bằng cách nhúng chỉ, vải vào dung dịch nhuộm, nhuộm nhúng cho ra màu sắc bền và đẹp hơn so với nhuộm chà xát. Vì vậy, kỹ thuật này đã trở thành xu hướng chủ đạo thời bấy giờ.
Sang thời Nara (710 – 794), xuất hiện một kỹ thuật nhuộm gọi là tenpyo no sankechi (天平の三纈) du nhập từ Trung Quốc.
Sankechi là thuật ngữ chung cho ba kiểu nhuộm: roukechi (﨟纈), kyoukechi (夾纈) và koukechi (纐纈).
Roukechi là kỹ thuật bôi sáp, kyoukechi là kỹ thuật kẹp vải bằng bảng, và koukechi là kỹ thuật dùng sợi chỉ, v.v để tạo hoa văn trên vải rồi ngâm vào thuốc nhuộm.
Với các kỹ thuật nhuộm này, nhuộm đã bắt đầu phát triển chính thức ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, đến thời kỳ Heian (794 – 1185), ngành dệt may trở nên quan trọng hơn so với nhuộm. Trong số ba phương pháp trên, dường như chỉ còn kỹ thuật koukechi tiếp tục được sử dụng.
Nhuộm trung đại đến đầu cận đại (đến thời Edo)
Phương pháp nhuộm tsujigahana some (辻が花染め) được biết đến từ thời của các samurai.
Sang đến thời Edo, sau khi Nhật Bản thống nhất, thế sự ổn định, kỹ thuật nhuộm phát triển vượt bậc.
Đặc biệt, với sự ra đời của phương pháp noribousen (糊防染), thợ nhuộm đã có thể chế tác thêm nhiều mẫu rất đẹp.
Ngoài ra, kỹ thuật nhuộm yuzen (友禅染) ứng dụng phương pháp noribousen vẫn nổi tiếng và phát triển đến ngày nay.
Bên cạnh đó, kỹ thuật nhuộm giấy hoa văn katazome (型染), có thể sản xuất hàng loạt cùng một mẫu, cũng được thực hiện vào thời Edo, đáp ứng được một số lượng lớn những khách hàng yêu thích cái đẹp thời trang lúc bấy giờ.
Nhuộm thời cận – hiện đại
Sang thời Minh Trị (1868 – 1912), thuốc nhuộm hoá học bắt đầu được nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài, điển hình là Anh. Sự phổ biến của thuốc nhuộm hoá học với nhiều màu sắc sặc sỡ đã tác động rất lớn đến ngành công nghiệp nhuộm.
So với thuốc nhuộm chiết xuất từ thực vật cho đến thời điểm đó, thuốc nhuộm hóa học với đặc tính khó bay màu hơn, chất lượng không đổi và có thể sản xuất hàng loạt, đã trở thành dòng thuốc nhuộm chính.
Ngoài ra, người Nhật đã kết hợp thuốc nhuộm hoá học với phương pháp nhuộm yuzen, phát triển thêm các kỹ thuật như nhuộm mờ.
3. Hai loại thuốc nhuộm
Thuốc nhuộm tự nhiên
Thuốc nhuộm tự nhiên sử dụng ba loại thành phần chính từ gốc thực vật, gốc khoáng và gốc động vật.
Nguyên liệu nhuộm tự nhiên an toàn cho cơ thể, có màu sắc đặc trưng chỉ có thể có được từ những thành phần thiên nhiên. Chính vì vậy, giá thành của các thước vải nhuộm bằng phương pháp này rất cao.
Một loại thuốc nhuộm thực vật điển hình là chàm và kỹ thuật nhuộm chàm đặc trưng rất phổ biến. Những bộ kimono với ấn tượng trang nhã, thanh lịch của màu chàm đậm được xem là một mặt hàng xa xỉ có giá trị cao.
Chiết xuất từ hệ động vật, người thợ sẽ chế tạo thuốc nhuộm từ tuyến tía của ốc sên và cho ra thành phẩm màu đỏ tía.
Đối với khoáng chất, người Nhật sử dụng kỹ thuật nhuộm bùn với màu sắc nâu trầm và xám nổi tiếng có được nhờ bùn từ thiên nhiên. Một dòng sản phẩm nhuộm bùn điển hình là Oshima Tsumugi ở đảo Amami.
Thuốc nhuộm hoá học
Thuốc nhuộm hoá học được nhập khẩu từ nước ngoài và có ưu điểm là chi phí sản xuất thấp, dễ dàng sản xuất hàng loạt. Màu sắc có thể điều chỉnh và thành phẩm không có hiện tượng không đều màu.
Màu sắc của thuốc nhuộm tự nhiên có thể được điều chỉnh tuỳ ý bởi người thợ. Nhưng với thuốc nhuộm hóa học điều này khó khăn hơn vì chúng phải được sử dụng với lượng cố định.
4. Sự khác biệt trong các phương pháp nhuộm
Có hai phương pháp nhuộm điển hình là katazome và tegakizome.
Katazome
Katazome (型染め) là kỹ thuật nhuộm bằng cách sử dụng giấy hoa văn katagami.
Có nhiều cách thức khác nhau chẳng hạn đặt giấy hoa văn lên vải để thêm màu hoặc bôi keo để nhuộm.
Mẫu giấy katagami có thể sử dụng nhiều lần và cùng một mẫu có thể làm nhiều lần, dễ dàng sản xuất hàng loạt.
Điểm đặc biệt của phương pháp này là bằng cách thay đổi màu sắc, bầu không khí của toàn bộ kimono sẽ thay đổi muôn vẻ ngay cả với cùng một mẫu.
Kích thước của mẫu giấy được chia thành loại nhỏ, loại trung bình và loại lớn.
Tuỳ theo mục đích tạo mẫu trang trí hoa văn mà sử dụng các loại giấy mẫu khác nhau.
Mẫu giấy hoa văn đẹp và nổi tiếng nhất là Ise katagami ở tỉnh Mie.
Tegakizome
Như tên gọi, tegakizome (手描き染め) là kỹ thuật tạo ra các hoa văn nhuộm đều bằng tay.
Người Nhật sử dụng cọ vẽ thoải mái thể hiện màu sắc, tạo ra những bức tranh tinh tế như ý.
Bằng cách điều chỉnh các đường cong và sử dụng màu sắc, tác phẩm được các nghệ nhân tạo ra là độc nhất, không thể tái hiện.
Tổng kết
Chính nhờ sự giữ gìn và phát huy nghệ thuật nhuộm truyền thống mà nét đẹp kimono cũng được phát triển.
Thời gian gần đây, ngoài những dịp lễ, giới trẻ lại tìm đến với kimono một cách ngẫu hứng.
Những bộ kimono muôn màu muôn vẻ toả sáng trong ảnh chính là kết tinh của nghệ thuật nhuộm truyền thống – một nét đẹp văn hoá gắn liền với kimono Nhật Bản.