Loài cáo “chữ thập” siêu quý hiếm ở Hokkaido được người Ainu xem như thần
Ngay cả khi được sống giữa bầu trời tri thức, một cái chạm nhẹ là bạn đã có thể nền văn minh nhân loại, hẳn có những giây phút bạn vẫn tự hỏi đâu đó trên hành tinh có còn gì bí ẩn?
Nền văn hoá tộc người Ainu ở Hokkaido hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét nguyên bản, như một viên ngọc ẩn mình giữa lòng Nhật Bản huyền bí.
Trong bài này, WAppuri mời bạn du hành đến vùng đất phương Bắc Nhật Bản nơi sinh trưởng của loài cáo chữ thập siêu quý hiếm, được người bản địa Ainu tôn sùng như thần linh.
Vị thần tai ương…
Nếu đặt câu hỏi loài động vật nào đại diện cho Hokkaido, đa số người sẽ đáp ngay là hươu Ezo hoặc cáo Kita.
Cáo Kita (キタキツネ) xuất hiện nhiều đến nỗi chính quyền tại đây phải đặt biển cảnh báo động vật hoang dã dọc các cung đường chạy qua rừng.
Ít người biết đến một loài cáo khác được tôn thờ như thần trong cộng đồng người Ainu vốn theo thuyết vạn vật hữu linh.
Đó là loài cáo đen đặc biệt quý hiếm và có đặc tính nhạy cảm với con người nên chúng ta rất khó bắt gặp loài cáo này.
Đặc trưng của loài cáo đen này là hoa văn như hình chữ thập trên cơ thể, vì vậy mà chúng gắn với tên cáo chữ thập (十字狐).
Người Ainu từ đời ông bà đến đến thế hệ con cháu vẫn rỉ tai nhau một câu chuyện ly kì về cáo chữ thập
Chuyện kể rằng vào một ngày nọ, có chàng thợ săn bắt gặp chú cáo đen, sau đó anh bèn đuổi theo cáo đến tận núi cao. Chú cáo vẫn giữ một khoảng cách nhất định, nhưng chàng ta vẫn khăng khăng đuổi theo cho bằng được con cáo nọ. Cứ như vậy chàng thợ săn đi mãi đi mãi, đến khi bắt được chú cáo đen cũng là lúc anh nhận ra mình đã lạc trong núi sâu tự khi nào.
Từ đó trong cộng đồng người Ainu xuất hiện lời nguyền hễ đuổi theo cáo đen, vận xấu sẽ tới (黒いキツネを追うと命を奪われる). Họ cho rằng cáo chữ thập chính là điềm báo tai ương sắp đến.
Bộ lông quý hiếm
Nhiều người lần đầu bắt gặp cáo chữ thập thường bị nhầm với giống chó nào đó vì vẻ ngoài của chúng. Bộ lông óng mượt, mềm và dài với màu sắc đặc biệt từng là miếng mồi ngon của giới thợ săn.
Lông cáo chữ thập được lấy làm áo choàng, vật trang trí. Càng sậm màu và đường vân chữ thập càng rõ nét thì giá càng cao và ngược lại. Theo giới thợ săn, lông cáo chữ thập thường cao hơn cáo đỏ nhưng không giá trị bằng cáo bạc.
Tuyển tập thần thoại Ainu アイヌ 神謡集 của Yukie Chiri đã không ngớt lời xưng tụng Hắc Cáo, vị thần trông coi tấm áo choàng cho thần Misaki.
Chỉ bấy nhiêu đủ thấy sức hấp dẫn của bộ lông cáo chữ thập. Sắc đen pha lẫn chút cam đỏ điểm hình chữ thập từ vai kéo dài trên lưng không phải đem đến vận rủi cho con người, mà thật sự lại là vận rủi cho chính loài cáo này.
Mãi sau này, độ sậm của lông cáo lai không còn giữ được, sức hút của lông cáo giảm dần kéo theo các trang trại cáo cũng giảm đi. Cáo chữ thập từ đó được thả về môi trường tự nhiên với mong mỏi sẽ sinh trưởng mạnh mẽ hơn.
Tập quán của cáo chữ thập
Cáo chữ thập thực chất là cá thể lai giữa loài cáo bạc và cáo đỏ, hoặc đôi khi hai cáo bạc cũng có thể cho ra đời một cáo chữ thập.
Như vậy màu lông đặc biệt của cáo chữ thập là hệ quả của việc biến đổi sắc tố melanin trong màu lông.
Cáo chữ thập thích sống ở vùng lạnh giá, nhiều tuyết. Vì vậy vùng quanh năm giá lạnh như Hokkaido là nơi sinh trưởng lý tưởng của loài cáo đặc biệt này.
Cáo chữ thập có tập tính đào hang để cất trữ những vật dụng nhỏ thu thập được nhưng bản thân chúng lại ngủ bên ngoài trong các cánh rừng hay khu vực nhiều cây cối.
Cáo chữ thập có tuổi thọ tương đương cáo đỏ là 4 đến 6 năm trong môi trường tự nhiên hay 14 năm trong điều kiện nuôi nhốt.
Mặc dù việc bắt gặp cáo lai trong môi trường tự nhiên là rất khó, khách du lịch vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp và khám phá tập quán sinh trưởng của loài cáo này tại trang trại cáo Kitakitsune. Nơi đây hiện đang nuôi nhiều loại cáo khác nhau, thậm chí cho lai tạo các giống cáo mới.
Trang chủ: https://kitakitsune-farm.com/
Cáo là loài vật luôn có vị trí nhất định trong văn hoá Nhật Bản, và với cộng đồng người Ainu lại càng có một thân phận đặc biệt hơn. Những con cáo lém lỉnh, xinh đẹp ẩn chứa nguồn năng lượng bí ẩn luôn thu hút chúng ta trên những vùng đất, nẻo đường xứ sở Phù Tang.