Tái chế thuỷ tinh tại Nhật Bản

Những năm gần đây, các sản phẩm thuỷ tinh tái chế thân thiện với môi trường rất được quan tâm và yêu thích tại Nhật Bản. Bạn có biết rằng từ những tấm kính xe ô tô cũ phế liệu có thể được hô biến thành những bộ chén, đĩa, cốc thuỷ tinh mới toanh với độ bền tuyệt vời không? Hãy cùng khám phá xem cách người Nhật tái chế thuỷ tinh như thế nào nhé!

Tái chế thuỷ tinh

Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phân loại rác thải và có công nghệ xử lý hiệu quả. Bên cạnh việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về phân toại và đổ rác, Nhật Bản cũng tập trung phát triển các sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường nhằm cắt giảm lượng rác thải khó phân huỷ thải ra hằng ngày. Tái chế thủy tinh không chỉ giúp hạn chế việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà quá trình sản xuất còn tiêu tốn ít năng lượng hơn do thuỷ tinh tái chế có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn so với nguyên liệu thủy tinh thô ban đầu. Ngoài ra, theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên WWF, việc sử dụng thuỷ tinh tái chế cũng góp phần giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 20% ​​và cắt giảm tới 50% lượng nước sử dụng. Thuỷ tinh có thể tái sử dụng nhiều lần bằng cách nấu chảy mà không bị giảm chất lượng nên hoàn toàn thích hợp cho việc tái chế và tái sử dụng. Tái chế thuỷ tinh không phải quá xa lạ với chúng ta, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng, kể cả ở Việt Nam. Thế nhưng tái chế như thế nào để có thể tận dụng triệt để các phế phẩm thuỷ tinh thải ra hằng ngày một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường mới là điều đáng nói. Hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), các doanh nghiệp sản xuất thuỷ tinh tại Nhật Bản đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ phế phẩm thuỷ tinh, thân thiện với môi trường và có tính bền vững cao. Ngoài nguồn phế phẩm thuỷ tinh đã qua sử dụng từ chai, lọ, v.v. vứt đi, người ta còn tận dụng cả kính ô tô từ những chiếc xe phế liệu.

SDGs viết tắt của “Sustainable Development Goals” (các mục tiêu phát triển bền vững) đã được 193 quốc gia thành viên của Hội đồng Liên hợp quốc thống nhất và đưa vào sử dụng tại hội nghị phát triển bền vững tổ chức năm 2015.

Những ý tưởng tái chế thuỷ tinh này rất sáng tạo và có tính lan toả cao về thông điệp tiết kiệm nguồn tài nguyên môi trường nên nhận được rất nhiều sự quan tâm tại Nhật.

Sản phẩm tái chế thuỷ tinh tiêu biểu

Không giống với các sản phẩm thuỷ tinh công nghiệp được sản xuất hàng loạt và có độ đồng nhất tuyệt đối, thuỷ tinh tái chế được làm từ hỗn hợp phế phẩm thuỷ tinh nên sẽ có những bong bóng nhỏ và cũng rất khó để tạo ra màu thuỷ tinh trong suốt tinh khiết như thuỷ tinh mới.

(ảnh: SHISEI)

Các sản phẩm thuỷ tinh tái chế tại Nhật không chỉ có độ bền cao, thân thiện với môi trường mà còn mang lại sự ấm áp, giản đơn nhưng không kém phần độc đáo và thu hút. Dưới đây là một số sản phẩm tái chế thuỷ tinh tiêu biểu được ưa chuộng gần đây tại Nhật.

Ryuzu Glass của SHISEI

Ryuzu Glass (リューズガラス) là dòng sản phẩm thuỷ tinh tái chế được làm thủ công hoàn toàn của thương hiệu SHISEI. Ryuzu Glass cũng áp dụng kỹ thuật đúc thổi khuôn, các sản phẩm của thương hiệu này có kết cấu mỏng, nhẹ.

Lọ hoa Ryūzu Glass với kiểu dáng vô cùng bắt bắt

Các sản phẩm Ryuzu Glass được tái chế từ nguồn thuỷ tinh đã qua sử dụng kết hợp với tinh chất độc quyền của SHISEI. Trải qua nhiều quá trình thử nghiệm và sai sót, SHISEI đã xây dựng nên công thức độc đáo cho sản phẩm của mình để cho ra màu xanh nhạt đặc trưng. Tên gọi Ryuzu Glass vốn bắt nguồn từ reuse glass hay recycle glass trong tiếng Anh. Nhưng theo thời gian cái tên này đã thay đổi thành Ryuzu Glass có phần dễ phát âm hơn trong tiếng Nhật và mang lại cảm giác gần gũi với khách hàng.

Bóng đèn Ryuzu Glass được làm thủ công từ thuỷ tinh tái chế

Những số sản phẩm thương hiệu SHISEI được yêu thích tại Nhật và nước ngoài gồm có bộ đồ ăn, bóng đèn và bình cắm hoa (lọ). Bạn có thể tham khảo thêm nhiều sản phẩm Ryuzu Glass tại đây.

Otaru Glass của Tomi Glass và Fukagawa Glass Kogei

Otaru Glass là dòng sản phẩm thuỷ tinh tái chế được hợp tác sản xuất bởi hai doanh nghiệp Tomi Glass và Fukagawa Glass Kogei Nhật Bản. Otaru Glass tập trung sản xuất những dụng cụ đồ ăn bằng thuỷ tinh tái chế tại thành phố Otaru, Hokkaido, Nhật Bản. Các sản phẩm tái chế này được làm từ kính của những chiếc xe phế liệu tập trung tại khu xử lý rác thải công nghiệp thành phố Ishikari, Hokkaido. Hằng năm có khoảng 3,5 triệu chiếc ô tô đã qua sử dụng bị thải ra ở Nhật Bản. Trong đó, nhiều bộ phận ô tô được tái chế dưới dạng tài nguyên như kim loại, tỷ lệ tái chế khoảng là 95%.

(anh: fukagawaglass)

Các bộ phận kính xe ngoài việc được tái sử dụng làm vật liệu cách nhiệt ra thì còn lại là bụi vụn do quá trình nghiền nát nên đa số cũng bị vứt đi. Chính vì vậy, các công đoạn xử lý tháo kính được thao tác hoàn toàn bằng tay và rất tốn kém. Một điều đặc biệt trong công nghệ tái chế thuỷ tinh Otaru là hệ thống kỹ thuật tích hợp tận dụng nguồn nước mưa và nước băng tan thay cho nước sạch hằng ngày để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Vì để sản xuất thuỷ tinh, công đoạn làm nguội khuôn sẽ cần một khối lượng lớn nước. Cốc thuỷ tinh Otaru có đặc trưng về kết cấu mỏng (khoảng 2mm), ở phần thành miệng rất hợp dùng để uống bia và đồ uống chua. Màu của thuỷ tinh Otaru khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí của cửa kính sửa dụng. Cửa kính trước của ô tô cho ra màu xanh lá cây nhẹ kết hợp với màu phao thuỷ tinh sử dụng đánh bắt cá. Cửa kính sau cho ra màu thuỷ tinh khói đục. Hãy cùng xem cách người ta tạo ra những chiếc cốc thuỷ tinh tái chế Otaru xinh xắn như thế nào nhé!

Giá thành của một cốc thuỷ tinh tái chế Otaru hiện dao động từ 2.200 – 4.200 Yên. Bạn có thể mua trực tuyến tại: tomi-glass.online

Tổng kết

Niềm vui của những người thợ Nhật Bản khi tái chế thuỷ tinh là một bàn ăn vui nhộn với bộ đồ ăn bằng thuỷ tinh tái chế. Tưởng chừng như rất đơn giản lại là công việc đòi hỏi kỹ thuật khéo léo và trí óc sáng tạo cao.

Tái chế thuỷ tinh tại Nhật ngày càng mang đến nhiều màu sắc mới lạ với những ý tưởng độc đáo và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh rác thải thuỷ tinh hằng ngày đang trở thành mối hiểm hoạ với môi trường không thua kém rác thải nhựa thì những ý tưởng tái chế thuỷ tinh như tại Nhật Bản rất đáng để học hỏi và áp dụng.