Di sản thế giới của Nhật Bản – “Mái vòm bom nguyên tử” với lời nhắn nhủ nhói lòng
Di sản thế giới có di sản thiên nhiên và di sản văn hóa về sự phát triển của nhân loại, nhưng trong đó còn có cả “Di sản tội lỗi của thế giới", truyền tải tới hiện tại sự tàn khốc mà con người đã gây ra, để không xảy ra thêm một lần nào nữa.
“Di sản tội lỗi của thế giới" tại Nhật Bản chính là Mái vòm bom nguyên tử tại tỉnh Hiroshima.
Mái vòm bom nguyên tử là gì ?
Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản giao chiến với Mỹ. Và rồi vào lúc 8:15 sáng ngày 6/8/1945, Mỹ dội bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, tỉnh Hiroshima.
Mục tiêu Mỹ nhắm đến chính là cầu Aioi, cây cầu có hình chữ T khá hiếm thấy nằm ở trung tâm thành phố Hiroshima. Mái vòm bom nguyên tử nằm ở phía Đông của cây cầu, trong khu vực “Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Hiroshima". Đây là một tòa nhà có kiến trúc phương Tây, chuyên tổ chức trưng bày, buôn bán sản vật của tỉnh Hiroshima, cũng như đóng vai trò là viện bảo tàng, viện mỹ thuật.
Khi bị bom công phá, hầu hết tòa nhà bị thổi bay, chỉ riêng phần mái vòm và bức tường bao là chịu đựng được và còn sót lại. Sau đó phần này bị cháy, chỉ còn lại tường gạch và khung sắt thép bên trong.
Chiến tranh qua đi, vòm sắt đứng sừng sững trong đống tro tàn, và rồi không biết tự khi nào người dân Hiroshima gọi nơi đây là “Mái vòm bom nguyên tử".
Sau đó, để mọi người không quên “Sự khủng khiếp của bom nguyên tử", Mái vòm bom nguyên tử được bảo tồn, và 50 năm sau đợt dội bom, tức năm 1995, nơi đây được chọn làm di tích lịch sử quốc gia, và năm sau đó thì được công nhận là di sản thế giới.
Lý do nơi đây được chọn là di sản thế giới
Ngay sau khi Nhật Bản chấp nhận các điều kiện của di sản thế giới, người dân đã có các hoạt động để đăng ký Mái vòm bom nguyên tử trở thành di sản thế giới, nhưng chính phủ Nhật Bản khi đó đưa ra lý do “lịch sử còn ngắn" và tỏ vẻ không tán thành.
Người ta cho rằng phía sau đó là sự dè chừng trong mối quan hệ ngoại giao chính trị với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc (sự thực là điều này bị Mỹ và Trung Quốc kịch liệt phản đối trong buổi họp bàn.)
Tuy nhiên, nơi đây cuối cùng cũng được chọn vì mang thông điệp mạnh mẽ “Biểu tượng cho sự tàn khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân", “lời cảnh tỉnh cho nhân loại".
Ngoài ra, để bảo tồn cho thông điệp đó, nơi đây được bảo lưu và trùng tu một cách rất đặc biệt, đó là “giữ lại nguyên trạng thái sau thảm họa". Tòa nhà được giữ nguyên trạng thái tồi tàn, vừa được tu sửa để chống động đất và mưa gió.
Hãy đi dạo trong Công viên tưởng niệm Hòa Bình nữa nhé !
Chúng ta không thể vào bên trong Mái vòm nguyên tử mà chỉ có thể quan sát từ bên ngoài.
Phía bên ngoài là “Công viên tưởng niệm Hòa Bình" với bảo tàng, viện mỹ thuật, cùng với những bức tượng cầu mong hòa bình, hay đài tưởng niệm những người đã khuất.
Trong đó có Khu tưởng niệm hòa bình về nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima, là nơi tưởng nhớ đến những người xấu số đã tử vong trong vụ ném bom, trên bức tường của không gian cầu nguyện có khắc tên của từng người, từng người đã hy sinh. Trong các tài liệu thường được ghi một cách chung chung là “khoảng vài chục vạn người hy sinh", nhưng mỗi người trong số đó đều có tên cả, và nơi đây khiến chúng ta một lần nữa nhận ra rằng tất cả họ đã từng sống trên cõi đời này.
Ngoài ra, tại Bảo tàng tư liệu kỷ niệm hòa bình Hiroshima có trưng bày và lưu giữ kỷ vật của những người đã thiệt mạng trong vụ ném bom. Bảo tàng được tái khai trương vào ngày 25/4/2019. Nơi đây được tái khai trương với mục đích để mọi người suy nghĩ sâu sắc hơn về sự đáng sợ, tính vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân.
Khi đến với Mái vòm bom nguyên tử Hiroshima, một lần nữa ta lại có cơ hội suy ngẫm xem “Hòa bình Thế giới là gì?", “Phải làm sao để chiến tranh không còn nữa?".
Tên gọi | Mái vòm bom nguyên tử (原爆ドーム) |
Website | https://www.city.hiroshima.lg.jp/site/atomicbomb-peace/163434.html |
Địa chỉ | 1−10 Otemachi, Naka-ku, thành phố Hiroshima, tỉnh Hiroshima |
Bản đồ |
|