Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Gohanshiki đầu tháng 4 tại chùa Rinnoji, Nikko, tỉnh Tochigi

Đất nước hoa anh đào là thiên đường lễ hội với hơn 200.000 lễ hội quy mô lớn nhỏ được tổ chức hàng năm. Những lễ hội này đã tạo nên nét muôn màu muôn vẻ trong nền văn hoá xứ Phù Tang, đồng thời là điểm thu hút du khách đến nơi đây.

Mời bạn cùng WAppuri tiếp tục hành trình ghé thăm các lễ hội trên khắp Nhật Bản, trong kỳ này với Lễ hội Gohanshiki được tổ chức thường niên vào đầu tháng 4 tại chùa Rinnoji, thành phố Nikko, tỉnh Tochigi.

Nikko là điểm đến hàng đầu với du khách trong và ngoài nước với quần thể di sản đền chùa Nikko (bao gồm chùa Rinnoji). Đến đây, mọi người được trầm mình vào không gian tự nhiên, thưởng thức nét đẹp cổ xưa còn lưu giữ khá nguyên vẹn từ các đền thờ, mái chùa.

Di sản thế giới của Nhật Bản – Đền chùa Nikko

Chùa Rinnoji

Chùa Rinnoji (輪王寺 Luân Vương Tự) là tu viện Phật giáo theo hệ phái Thiên Thai Tông, xây dựng vào năm 766 (thời Nara). Lúc đầu có tên là Manganji (満願寺 Mãn Nguyện Tự), đến năm 1655 (thời Edo) được Thượng hoàng Mizuo đổi thành Rinnoji và sử dụng tên này cho đến ngày nay.

Khu vực chánh điện theo lối kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất vùng Đông Nhật Bản là di sản trọng yếu quốc gia. Chánh điện được đề tên Tam Phật Đường, thờ ba vị bổn tôn sơn mài thiếp vàng cỡ đại là Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật A Di Đà, Mã Đầu Quán Âm.

Tam Phật Đường còn thờ đại sư Từ Nhãn, người có công trong việc chấn hưng ngôi chùa vào đầu thời Edo. Bên ngoài là tẩm lăng Taiyuin thờ tướng quân Tokugawa, người đã xây dựng lại chùa thời bấy giờ.

Đến với chùa Rinnoji, du khách không những được tìm hiểu và chiêm bái Phật giáo Thiên Thai Tông mà còn được ngắm nhìn công trình kiến trúc cổ tráng lệ nép mình giữa không gian thiên nhiên xanh tươi. Và đặc biệt, nếu đến vào đầu tháng 4, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm Lễ hội Gohanshiki.

Địa chỉ 2300 Sannai, thành phố Nikko, tỉnh Tochigi
Thời gian mở cửa Tháng 4 – tháng 10: 08:00 – 17:00
Tháng 11 – tháng 3: 08:00 – 16:00
URL https://www.rinnoji.or.jp/
Phí tham quan miễn phí (trừ chính điện 400 JPY, lăng Taiyuin 550 JPY)
Đường đi Từ ga Tobu Nikko (東武日光駅) đi xe buýt đến trạm Shodoshoninzomae (勝道上人像前)

Lễ hội Gohanshiki

Lễ hội Gohanshiki (強飯式 Cường phạn thức) thành phố Nikko được tổ chức vào ngày 2 tháng 4 hàng năm là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất trong năm. Lễ hội này ra đời từ thời Nara và được thực hiện theo nghi thức Shugendo.

Nghe tên, có lẽ các bạn đều biết được, Gohanshiki là lễ hội đốc thúc mọi người ăn nhiều cơm.

Ngày xưa, các lãnh chúa khi đi chiêm bái đã bị những nhà sư tu hành phái khổ hạnh bắt ăn một lượng lớn thức ăn chất thành núi. Lễ Gohanshiki cũng từ đó mà xuất hiện. Có giả thuyết khác cho rằng nguồn gốc Lễ Gohanshiki là các nhà sư tu hành trên núi cao phân chia lễ vật cúng dường các bổn tôn trong núi cho Phật Tử và người trong vùng.

Vào thời Edo, lễ hội vinh hạnh được các lãnh chúa tài ba, có tiếng tăm thuộc dòng dõi Tokugawaphát nguyện làm người tiếp nhận nghi lễ, tức người ăn phần cơm được phát trong quá trình lễ diễn ra.

Tóm lại, Gohanshiki là một sự kiện có từ lâu đời, cũng là dịp để các nhà sư, người tham gia đón nhận lộc từ thần phật, cụ thể là ba vị Hộ pháp Đại Hắc Thiên Mahakala, Biện Tài Thiên Nữ, Tỳ Sa Môn Thiên. Người ta tin rằng khi ăn phần cơm trong nghi lễ sẽ được thanh tẩy tạp uế, ban phước lành trong cuộc sống.

Nghi lễ

Lễ Gohanshiki được tiến hành qua 3 giai đoạn:

Santengougyoku (三天合行供) / Saitoudaigomaku (採灯大護摩供)

Đúng với tinh thần bí pháp, nghi thức này yêu cầu độ 20 người bao gồm tăng đoàn, nhà sư, người tiếp nhận nghi lễ, tiến hành một cách chánh niệm trong chánh đường. Tất cả cửa ngõ phải đóng, đèn đều phải tắt, chỉ thắp một ngọn nến duy nhất. Lúc này, các vị sư đốt cây hộ ma rồi niệm chú, đọc kinh. Múa gagaku cũng được biểu diễn trong không khí trang nghiêm.

Gohanchoudai no gi (強飯頂戴の儀)

Khi phần lễ trên kết thúc, đèn đóm trong chánh đường được bật lên là lúc gohanshiki đến thời khắc quan trọng:

Các vị sư khấn các lời nguyện cầu như mua may bán đắt, tiêu trừ bệnh tật.

Người thụ lễ sau khi uống cạn chén rượu cúng omiki từ tay nhà sư tiếp tục bị bắt ép ăn một bát cơm đầy (tầm 5kg!) cao hơn đầu người. Các nhà sư sẽ liên tục thúc giục người thụ lễ ăn đi, ăn hết 75 bát, không được để thừa, v.v..

Tiếp đó, các món mỹ vị, đặc sản của Nikko được bày lên khay rồi dâng lên.

Đến khi người thụ lễ đặt cơm lên đầu, nói xin tha cho tôi thì nghi lễ kết thúc. Mỗi người đội mũ rơm lên đi ra ngoài, thực hiện giai đoạn cuối của nghi thức.

Garamaki (がらまき)

Khi nghi lễ kết thúc, người thụ lễ không giữ cho riêng mình mà ra ngoài và phát những lá bùa, vật may mắn như tagachizuchi, fukushamoji cho khách đến viếng chùa để san sẻ phần phúc nhận được trong buổi lễ.

Gohanshiki là nghi lễ cầu phúc nên từ xưa đã các lãnh chúa đã tranh nhau để tham dự. Hiện tại gohanshiki mở cửa tự do, ai cũng có thể tham gia nghi thức với chi phí 3.000 JPY (giá năm 2019). Tuy nhiên vì sự kiện một năm một lần lại giới hạn số người tham dự nên phải đăng ký sớm theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì được ưu tiên tham dự trước.

Thời gian tổ chức nghi lễ khoảng 50 phút/lần vào 11 giờ sáng và 2 giờ chiều. Sau nghi thức, người tham gia được nhận một muỗng gỗ xúc cơm và một phần fukumai (gạo may mắn). Đem phần gạo này về nấu ăn cho cả nhà ăn thì cả nhà cũng được nhận phước lành tương tự.

Phước nhận được khi tham dự Gohanshiki

Chắc hẳn bạn đã từng đọc qua ở đâu đó câu thất nạn tức diệt, thất phúc tức sinh. Gohanshiki là dịp để chúng ta xua tan vận rủi, tiêu trừ bệnh tật, tai kiếp, giải hạn, cầu mọi sự lành, gia đạo bình an, làm ăn thuận lợi, sự nghiệp hưng thịnh, v.v..

Gohanshiki phiên bản nhí

Bên cạnh gohanshiki cho người lớn, chùa Rinnoji cũng tổ chức nghi lễ phiên bản nhí dành riêng cho các em thiếu nhi vào một ngày khác. Phần nghi thức cũng diễn ra theo trình tự nhưng các bé không ăn phần cơm lễ lớn như thường lệ mà được đong bát nhỏ hơn kèm với khoai môn.

Gohanshiki là nghi thức cổ xưa không kém phần độc đáo lẫn thú vị. Bạn đã từng tham gia nghi thức nào mà bản thân được ăn lộc nhưng liên tục bị rầy la thúc ép tương tự chưa?

Hãy xem thêm những lễ hội Nhật Bản khác trên WAppuri để biết thêm về văn hoá lễ hội muôn màu muôn vẻ của đất nước hoa anh đào các bạn nhé.