Ise udon – tiền thân của món cao lầu Việt Nam?!

Những món sợi và nước hấp dẫn của ẩm thực Nhật Bản được chia thành ba loại chính là ramen, sobaudon. Mỗi loại lại phát triển đa dạng, mang hương vị riêng của từng địa phương.

Nhân dịp này, WAppuri xin giới thiệu đến bạn đặc sản Ise udon (伊勢うどん) hơn 400 năm tuổi của thành phố Ise, tỉnh Mie.

Ise udon – đặc sản hơn 400 năm tuổi của thành phố Ise

Ise udon là món mì sợi to, ăn cùng nước dùng màu đen và hành lá bên trên.

Xưa kia, Ise udon chỉ là món ăn dân dã trong vùng, theo thời gian đã nâng lên thành một nét văn hoá ẩm thực, niềm tự hào của mọi thế hệ cư dân nơi đây.

(ảnh: Banzai Hiroaki | Flickr)

伊勢うどんは、雪のように白く、玉のように太く、それに墨のような黒いタマリ醤油をかけて食す。

Ise udon là món ăn có sợi trắng như tuyết, tròn như hạt ngọc, ăn cùng nước tương tamari đen như mực.

(Nakazato Kaizan – tiểu thuyết Daibosatsu Toge 大菩薩峠)

Lần đầu thưởng thức Ise udon, bạn sẽ liên tục đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Đầu tiên chính là sợi mì bên trong bát. So với kích cỡ thông thường thì sợi mì udon xứ Ise to gấp hai đến ba lần.

(ảnh: photoAC)

Theo cư dân địa phương, Ise udon là sáng tạo của những người nông dân và vì mỗi ngày của họ đều rất bận rộn nên việc làm ra sợi mì to như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho một bữa ăn.

Các tín đồ ẩm thực Nhật có lẽ đã quen với hình ảnh một bát udon đầy ắp nước dùng màu vàng nhạt và trong (nước dùng dashi). Nhưng mì udon xứ Ise lại được phục vụ với nước chan xăm xắp và có màu đen sậm.

(ảnh: photoAC)

Màu sắc này là do nước tương tamari – nguyên liệu chủ đạo của nước dùng Ise udon, ngoài ra vị ngọt thơm còn đến từ các loại cá bào katsuobushi.

Nước tương tamari là phần lắng xuống của tương miso và được lên men bằng phương pháp tự nhiên. Chúng có màu sậm hơn, đậm đà hơn và hương thơm hấp dẫn hơn so với nước tương thông thường.

Katsuobushi (かつお節) là tên gọi của món cá ngừ vằn khô, lên men và hun khói kiểu Nhật Bản. Thói quen sử dụng chúng như một loại gia vị đã xuất hiện từ rất lâu tại Nhật, theo thời gian trở thành nét đặc trưng của ẩm thực truyền thống nơi đây.

Katsuobushi – món cá khô truyền thống Nhật Bản và những cách dùng độc đáo | WAppuri

Ise udon truyền thống đơn giản chỉ có sợi mì, nước dùng và hành lá rắc trên mặt.

Chưa bàn đến hương vị, sự tương phản màu sắc giữa các thành phần cũng đủ để món này ghi điểm tuyệt đối với du khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

Bí quyết giúp thưởng thức món mì udon xứ Ise ngon miệng chính là trộn cho đến khi nước dùng thấm đều vào từng sợi mì.

(ảnh: www.shincho-shop.jp)

Và thật bất ngờ, từ đũa mì đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được độ mềm dẻo của sợi udon “quá khổ” và vị ngọt thanh của nước dùng đậm màu.

Được biết riêng việc chế biến sợi mì đã cần hơn một giờ đồng hồ để luộc chín. Chính vì vậy, món mì udon xứ Ise tuy có nguyên liệu đơn giản nhưng cách chế biến lại đòi hỏi nhiều công sức và sự tỉ mỉ.

Ngày nay, các hàng quán tại thành phố Ise và cả tỉnh Mie cũng phục vụ nhiều biến tấu mới lạ của Ise udon bên cạnh phiên bản truyền thống. Bạn có thể thử gọi thêm trứng sống, thêm vài lát thịt hoặc các loại tempura đi kèm.

(ảnh: 伊勢内宮前 おかげ横丁| Facebook)

Liệu Ise udon có phải là tiền thân của món cao lầu Việt Nam?

Tạm rời Nhật Bản, chúng ta dõi theo hành trình vượt biển của các thương nhân Ise xưa đến với Hội An bạn nhé!

Từ thế kỷ 16, nhiều thuyền buôn Nhật đã bắt đầu giao thương hàng hoá tại Hội An. Các nét văn hoá Nhật Bản cũng vì thế mà ít nhiều để lại dấu ấn trong sinh hoạt và tập quán của cư dân địa phương.

Riêng về ẩm thực Hội An, chắc mọi người đều quen thuộc với cao lầu – món đặc sản làm xiêu lòng mọi du khách trong và ngoài nước.

(ảnh: caolautvbhoian.vn)

Sợi cao lầu màu vàng ươm và thơm mùi tro tàu, khi ăn có cảm giác dai dai, sần sật. Để có một tô cao lầu “đúng chuẩn” thì không thể thiếu thịt xá xíu và nước sốt thơm đậm ngũ vị hương. Ngoài ra, món còn đi kèm với những loại rau quen thuộc như xà lách, rau quế, rau đắng.

Cùng là đặc sản địa phương nổi tiếng, cả cao lầuIse udon đều được tạo ra từ những nguyên liệu bình dân nhất.

Nếu đặt hai món này cạnh nhau, chúng ta có thể kể ra ít nhiều điểm tương đồng như kích cỡ sợi mì hay kiểu ăn khô với nước chan đậm màu.

Hiện vẫn còn rất nhiều giả thiết xung quanh nguồn gốc của món đặc sản Hội An nổi tiếng.

Gợi ý du lịch phố cổ Oharai-machi

Bạn có thể thưởng thức Ise udon ở bất kỳ hàng quán nào ở tỉnh Mie. Tuy vậy, hãy để WAppuri gợi ý một điểm đến thú vị có thể trải nghiệm đồng thời cả ẩm thực và văn hoá địa phương. Đó chính là phố cổ Oharai-machi (おはらい町).

(ảnh: ise-kanko.jp)

Phố cổ toạ lạc ở phía trước khu vực Ise-jingu Naiku (Đền Trong) của quần thể Thần cung Ise Jingu. Đây vốn là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong vùng từ thời Edo như lễ trừ tà oharai hay ca múa phục vụ thần linh kagura.

Nằm tại trung tâm khu phố là đoạn đường Okage Yokocho, một không gian mang phong cách hoài cổ (thời Edo Meiji) được hoàn thành vào năm 1993.

Đến đây, ngoài Ise udon, bạn nhớ thử cả món bánh mochi đậu đỏ với tên gọi akafuku (赤福 “màu đỏ hạnh phúc”) và bánh khoai tây korokke nữa nhé!