Hoa anh đào (1) – Người Nhật và nguồn gốc hoa anh đào

Tiết trời tháng ba ngày một ấm lên. Trong vòng chưa đầy một tháng nữa, nước Nhật sẽ lại đón mùa hoa anh đào (sakura) nở. Hiện tại ở Nhật, hoa mơ vẫn đang khoe sắc thắm, báo hiệu xuân chóng đến, nhưng chỉ khi hoa anh đào nở hoa rực rỡ mới là lúc người Nhật cảm nhận được trọn vẹn mùa Xuân.

Hoa anh đào không chỉ đơn thuần báo hiệu sự chuyển giao giữa các mùa. Loài hoa này còn khích lệ và làm sáng bừng trái tim người Nhật mà không một từ ngữ nào có thể diễn tả được. Trên đất nước Nhật Bản, hoa anh đào bắt đầu trổ bông từ vùng Kyushuu ở phía Nam rồi từng chút một lan rộng lên các vùng phía Bắc. Đây được gọi là “tuyến đường hoa anh đào nở“. Vào thời điểm này, mục dự báo thời tiết của các chương trình thời sự sẽ đưa tin ngày hoa nở dự kiến. Theo dự báo hoa nở vào thời điểm hiện tại thì vào năm 2022, hoa anh đào dự kiến sẽ nở lần lượt vào ngày 17/3 tại Kyushuu, 20/3 tại Tokyo, 23/3 tại Osaka, 08/4 tại Niigata và Sendai, 25/4 tại Sapporo.

 

Càng gần thời điểm hoa anh đào nở, người Nhật lại càng bồn chồn. Ngày ngày, mọi người đều dõi theo dự báo ngày hoa nở. Tiết trời đầu xuân ấm áp báo hiệu hoa sắp nở khiến ai nấy đều vui vẻ. 

Mùa hoa anh đào – Mùa lòng người nở hoa

Cứ mỗi năm, khi hoa anh đào đã nở khắp các góc phố Nhật Bản, người Nhật lại đến các địa điểm ngắm hoa nổi tiếng cùng gia đình hoặc bạn bè. Dạo bước giữa những hàng cây anh đào, ngước nhìn những bông hoa nhuộm sắc hồng nhạt nở bông rực rỡ, bình lặng để mặc thời gian trôi là trải nghiệm phải thử một lần khi đến Nhật Bản. Cứ thế, trái tim như được lấp đầy, được xoa dịu trong sắc hoa anh đào. 

Người ta cho rằng ở Nhật Bản hiện nay có khoảng hơn 200 loài hoa anh đào, gồm cả chủng loại anh đào hoang dã (gọi là Yamazakura – anh đào núi) và anh đào nuôi trồng (Satozakura). Hoa anh đào đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt và thế giới tinh thần của người Nhật, và cũng không quá lời khi nói rằng loài hoa này là “một phần không thể thiếu để tạo nên người Nhật Bản’. Vậy thì làm sao hoa anh đào có thể bén rễ vào đời sống người Nhật như vậy? “Cảm quan về hoa anh đào" của người Nhật cũng đã thay đổi như thế nào theo thời gian? Cùng theo dõi trong bài viết dưới đây của WAppuri nhé!

Các loài hoa anh đào tiêu biểu của Nhật Bản

Sự xuất hiện của hoa anh đào

Hoa anh đào đã mọc tự nhiên ở Nhật Bản từ thời xa xưa. Trong thời kỳ thần thoại cổ đại, hoa anh đàobiểu tượng của vụ mùa tốt tươi hoặc tượng trưng cho vị thần mang lại mùa màng bội thu“.

Từ xưa, người Nhật đã có niềm tin mãnh liệt rằng thần linh tồn tại ở vạn vật trong thế giới tự nhiên. Trong số đó, họ tôn thờ vị thần núi và thần nông hơn cả, gọi là Thần Sa, vì tin rằng vị thần này sẽ mang đến mùa màng bội thu.

Người ta tin rằng Thần Sa sẽ xuống núi hạ phàm, rồi trấn toạ ở một gốc cây, giúp đỡ người nông dân từ lúc bắt đầu gieo lúa cho đến lúc thu hoạch. Cái cây mà Thần Sa trấn toạ chính được gọi là cây Sakura, trong đó kura nghĩa là nơi thần linh an toạ.

Những người nông dân tin vào Thần Sa đem dâng đồ cúng cho cây Sakura, thành tâm cầu nguyện mùa vụ bội thu, và mở bữa tiệc cảm tạ Thần Sa khi kết thúc mùa gặt. Người ta cho rằng, những hành động này đã ăn sâu vào tiềm thức người Nhật, truyền lại qua bao thế hệ, và đó là một trong những lý do khiến người Nhật yêu mến hoa sakura vô điều kiện.

Sakura thời Nhật Bản cổ đại

Lịch sử cổ đại Nhật Bản bắt đầu từ thời AsukaNara và kéo dài đến hết thời Heian (khoảng từ năm 593 đến năm 1185). Đặc trưng của thời kỳ này là bước đầu xây dựng quốc gia Nhật Bản bằng việc hoàn thiện vô số thể chế và pháp luật, thiết lập nên một nền chính trị ổn định. 

Thời kỳ này, văn hóa Nhật Bản cũng rất phát triển. Nhiều kiệt tác đã ra đời trong thời kỳ này, đặc biệt phải kể đến như Kojiki (Cổ sự ký), Nihonshoki (Nhật Bản Thư Kỷ), hay các tác phẩm văn học như các tuyển tập thơ Waka: Manyoshu (Vạn Diệp Tập), Kokinwakashu (Cổ Kim Hoà Ca Tập); và Tosa Nikki (Nhật Ký Tosa), Makura no Soshi (Chẩm thảo tử), Genji Monogatari (Chuyện chàng Genji)… vẫn mang giá trị to lớn cho đến tận bây giờ. Sakura đã xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm văn học kể trên. Có thể nói rằng nền tảng của “cảm quan về hoa sakura" của người Nhật đã khai sinh vào thời kỳ này.

Nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản – Thơ Waka

“Cảm quan về hoa sakura” thời kỳ này có thể được tóm lược thành hai dạng: (1) biểu tượng của thịnh vượng quốc gia có được nhờ chế độ vương quyền ổn định, và (2) biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ cho ra đời những sinh mệnh mới. 

Có thể thấy rõ điều này qua một bài thơ Waka thời này:

桜花 今盛りなり 難波の海 押し照る宮に 聞こしめすなへ – Hoa sakura rực rỡ, lắng nghe cung điện tràn ngập ánh sáng nơi biển Naniwa

Nghĩa là hoa sakura nở rộ, như thể đang chúc phúc cho ngôi vị Thiên hoàng trong cung điện sáng chói nhìn ra biển Naniwa (nay là Osaka). Đây đúng là một bài thơ Waka so sánh sự thịnh vượng của chế độ vương quyền với loài hoa sakura đang trổ bông rực rỡ.

ふる里と なりにし奈良の 都にも 色はかはらず 花は咲きけり – Bỏ lại Nara xưa, nhưng sakura vẫn nở rộ không đổi sắc

Nghĩa là “Thủ đô của Nhật Bản dời về Kyoto, bỏ lại thủ đô Nara xưa cũ, dù vậy dường như là bất biến, cứ mỗi độ xuân về, hoa sakura vẫn kiêu hãnh nở hoa”. Ta có thể hiểu ra rằng vào cái thời Nara còn là thủ đô, hoa anh đào là biểu tượng của vùng đất này.

春霞 たなびく山の 桜花 見れどもあかぬ 君にもあるかな – Là sakura bị giấu trong mây mờ mùa xuân, hay phải chăng là nàng

“Nàng đẹp như cây hoa anh đào núi được phủ trong đám mây mờ mùa xuân, dù có ngắm nhìn bao nhiêu lần ta vẫn không thấy chán”. Đây là bài thơ Waka tiêu biểu khi so sánh vẻ đẹp của người phụ nữ với vẻ đẹp của hoa anh đào núi được phủ trong đám mây mùa xuân.

山桜 霞の間より ほのかにも 見てし人こそ 恋しかりけれ – Chỉ một thoáng nhìn đã thương nhớ vẻ đẹp tựa hoa anh đào núi thấp thoáng trong làn sương

“Chỉ một ánh nhìn thôi, trái tim ta đã lay động vì vẻ đẹp của nàng. Nàng đẹp như cây hoa anh đào núi thấp thoáng trong làn sương". Đây là bài thơ Waka đã gửi gắm tình yêu cháy bỏng với người phụ nữ mà tác giả yêu từ cái nhìn đầu tiên vào bông hoa sakura.

Hoa anh đào thời Trung đại

Chùa vàng (Kim Các Tự) được xây dựng vào thời Muromachi
Chùa vàng (Kim Các Tự) được xây dựng vào thời Muromachi

Thuật ngữ “Nhật Bản thời Trung đại" dùng để chỉ hai khoảng thời gian từ thời Kamakura đến thời Muromachi (1185 – 1573) và từ thời Azuchi Momoyama đến thời Edo (1573 – 1868).

Đặc trưng của thời kỳ này là sự chuyển giao thực quyền chính trị từ Thiên hoàng và giới quý tộc thành giới quân nhân (hay còn gọi là võ sĩ). Thế nhưng, giới võ sĩ thượng lưu từ thời Trung đại đến Cận đại vẫn luôn đề cao các giá trị văn học, nghệ thuật, họ yêu mến và mang niềm kính trọng đặc biệt đối với loài hoa sakura. Thời đại này tiếp tục kế thừa tư tưởng về loài hoa sakura: là “tượng trưng cho sự thịnh vượng của quốc gia" và “tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ sáng ngời sức sống“.

Cụ thể hơn, ở thành phố Kamakura, trung tâm chính trị thời kỳ Kamakura, người dân đã điểm tô cả thị trấn với cây sakura, những cây sakura được trồng vào thời đó vẫn nở hoa đến tận bây giờ. Ngoài ra, Ashikaga Yoshimitsu, vị tướng quân xây dựng nên thời đại Muromachi thịnh vượng bậc nhất, đã trồng loài hoa tượng trung cho sự phồn vinh đó trong khắp dinh thự của người. Đến mức, dinh thự này đã từng được người đời gọi là Cung điện sakura.

Nửa sau thời kỳ Muromachi thời Chiến quốc – thời kỳ người người lầm lạc trong các cuộc nội chiến. Tuy nhiên, Oda Nobunaga và hậu duệ Toyotomi Hideyoshi đã anh dũng chấm dứt thời kỳ chiến quốc kéo dài khoảng 100 năm đó và tái thống nhất toàn nước Nhật. Hideyoshi, người thống nhất Nhật Bản, đã tạo nên một hoạt động văn hoá mang tên ngắm hoa anh đào (hanami). Có ghi chép rằng vào năm 1594, đã có đến 1000 cây sakura đã được trồng ở Yoshino tỉnh Nara, và 5000 người được mời đến ngắm hoa anh đào. Có lẽ, Hideyoshi đã tổ chức dịp ngắm hoa hoành tráng đó nhằm kỷ niệm kết thúc thời chiến loạn, để đón chào một xã hội thái bình thịnh trị.

ngắm hoa anh đào ở Yoshino, Nara
Bức bình phong vẽ cảnh ngắm hoa anh đào ở Yoshino thời bấy giờ

Tiếp nối thời kỳ trước, thời Edo mở ra, Nhật Bản tận hưởng một thời đại thái bình kéo dài trong suốt 270 năm. Khoảng giữa thời Edo, sakura có sự thay đổi về ý nghĩa, từ “tượng trưng cho sự thịnh vượng và vẻ đẹp của người phụ nữ" sang “tượng trưng cho sự hi sinh anh dũng" hay “loài hoa của cái chết“.

Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của nghệ thuật kịch Kabuki. Người võ sĩ, nhân vật chính của vở kịch Kabuki nổi tiếng nọ, đã dùng hình ảnh hoa sakura tuôn rơi để trình diễn cảnh tuyệt mệnh ở màn kết thúc. Một câu nói xuất hiện trong vở kịch đó cũng vô cùng nổi tiếng thời bấy giờ là “Hana wa sakuragi, hito ha bushi" (“花は桜木、人は武士". Tạm dịch: Nếu là hoa, tôi nguyện làm đoá anh đào. Nếu là người, tôi nguyện làm võ sĩ). Câu nói này có nghĩa rằng “Trong các loài hoa, loài hoa rơi thuần khiết và đẹp nhất là loài hoa anh đào, người võ sĩ chân chính, như loài hoa anh đào kia, nếu cần thiết sẽ phải tự kết liễu cuộc đời mình để giữ thanh danh trong sạch. Và thế là hoa anh đào tuôn rơi đã trở thành “loài hoa của cái chết" trong các vở kịch Kabuki.

Cảnh ngắm hoa anh đào thời Edo
Cảnh ngắm hoa thời Edo

Hoa anh đào thời Nhật Bản Cận đại

ngam hoa anh dao thoi minh tri
Cảnh ngắm hoa thời Minh Trị

Thời cận đại của Nhật Bản bắt đầu từ thời Minh Trị đến cuối Thế chiến II (1868 – 1945). Đất nước Nhật Bản trong giai đoạn Edo trước đó đã hưởng một nền thái bình thịnh trị kéo dài, nhưng cũng là thời đại cực kỳ hạn chế giao lưu tiếp xúc với ngoại quốc. Trong khi đó, ở châu Âu phía bên kia đại dương đã diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp, càng làm tăng khoảng cách về thế mạnh quốc gia giữa Nhật Bản với châu Âu và Hoa Kỳ. Chính phủ Minh Trị đã nhận thấy được điều đó, từng bước một tiếp tục thực hiện các chính sách nâng cao sức mạnh quốc gia Nhật Bản và tăng cường tiềm lực quân sự. Nhật Bản trong tiến trình đó đã trở thành kẻ địch của Hoa Kỳ, tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai và cuối cùng thì chiến bại.

Thần xã Yasukuni
Thần xã Yasukuni tượng trưng cho chiến tranh cùng với hoa anh đào

Quốc gia thời chiến phải đốc thúc người dân nỗ lực và quyết tử cho đất nước. Phương cách mà nhà nước sử dụng lại chính là hoa sakura. Họ đã “tẩy não” người dân bằng rất nhiều khẩu hiệu, quân ca với nội dung là “Đã là chiến sĩ của Nhật Bản thì phải hi sinh anh dũng cho đất nước, giống như loài hoa Sakura luôn hiên ngang rời cành khi kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình“. Từ đó, hoa sakura đã trở thành loài hoa của chủ nghĩa quân phiệt, loài hoa của thần xã Yasukuni, loài hoa để trang trí trên các ngôi mộ của những người đã hi sinh trong thế chiến.

Hoa anh đào thời Nhật Bản hiện đại

Sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản bước vào thời hiện đại. Nhật Bản đã trỗi dậy mạnh mẽ từ đống tro tàn thời chiến, đưa cuộc sống người dân trở lại thời kỳ thịnh vượng. Hơn 70 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, những người thuộc “thế hệ không biết đến chiến tranh" dần chiếm đa số. Cùng với đó, hoa anh đào, từ loài hoa tượng trưng cho cái chết đã quay trở lại là hình ảnh biểu trưng cho sự thịnh vượng và ấm no ngày trước.

Hoa anh đào và Tháp Tokyo Sky Tree
Tháp Tokyo Sky Tree và hoa anh đào nở rộ

 

Qua suốt tiến trình lịch sử, hình ảnh của hoa sakura đã có nhiều thay đổi, từ biểu tượng của sự đầm ấm, thịnh vượng; đến vẻ đẹp của người phụ nữ, rồi cái chết,… Tuy nhiên, trên thực tế, bản chất của hoa anh đào vốn không hề thay đổi. Thứ thay đổi chính là lòng người, là lịch sử. Tất cả những ý nghĩa được gán lên hoa anh đào đều do con người. Hoa anh đào đã đón nhận tất cả, cả sự khôn ngoan và khờ dại của con người, để mỗi khi xuân đến hoa lại trổ bông rựa rỡ, xoa dịu và khích lệ trái tim của người chiêm ngưỡng.

Cuối tháng ba nào, hoa sakura cũng sẽ nở mặc cho thế gian có đổi thay. Ngắm nhìn những đoá hoa sakura với dáng vẻ điềm tĩnh và đáng yêu như thế, người Nhật chúng tôi sẽ lại đón nhận nguồn sức mạnh mới, và cất giữ tình cảm mến yêu không thể thành lời đối với loài hoa này.