gốm sứ địa phương nhật bản khu vực chubu

Gốm sứ địa phương Nhật Bản – khu vực Chubu

Tọa lạc tại nơi quần đảo Nhật Bản phân chia thành phía Tây và phía Đông, khu vực Chubu còn sở hữu địa hình đặc trưng có nhiều núi cao hiểm trở nhất nhì Nhật Bản. Chubu có nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng giao thoa giữa miền biển và núi. Bên cạnh đó, lịch sử phát triển gốm sứ địa phương của khu vực này cũng rất đặc sắc, mang đến những gam màu rất ấn tượng. Mời bạn đọc cùng theo chân WAppuri khám phá Gốm sứ dịa phương Nhật Bản – khu vực Chubu nhé!

1. Gốm sứ Tokoname (tỉnh Aichi)

Từ thời Trung cổ, Tokoname đã là một trong sáu lò nung cổ lớn nhất của Nhật Bản. Gốm sứ Tokoname là được sản xuất chủ yếu ở thành phố Tokoname trên bán đảo Chita thuộc tỉnh Aichi (Nhật Bản). Nhắc đến Gốm sứ Tokoname, ấn tượng đầu tiên có lẽ là màu đỏ son đặc trưng từ sắt (thường gọi là bùn đỏ) trong thành phần đất sét. Gốm sứ Tokoname nổi tiếng với các sản phẩm như đồ dùng uống trà và ngói, những năm gần đây còn có thêm nhiều sản phẩm bình hoa, tượng,… Đặc biệt, ấm trà Tokoname ngoài màu đỏ son đặc trưng ra còn có kết cấu bề mặt bóng đẹp và tay cầm dễ dàng cầm nắm.

2. Gốm sứ Akazu (tỉnh Aichi)

Gốm sứ Akazu bắt nguồn từ Gốm Sue thời kỳ Nara, được sản xuất ở Thành Phố Seto Tỉnh Aichi (Nhật Bản). Gốm sứ Akazu sử dụng 7 loại men và 12 loại kỹ thuật trang trí khác nhau (các hoa văn được chạm khắc bằng thìa, bằng lược tre hoặc lược vàng,…) rất độc đáo. Các họa tiết đặc trưng của Gốm sứ Akazu là đường kẻ, gợn sóng, đường xoáy và chấm. Đặc biệt các hoa văn như hoa cúc được tạo bằng đất trắng kết hợp hài hòa trên nền màu lông chuột sẫm rất ấn tượng. Ban đầu Gốm sứ Akazu vốn là dòng gốm dành cho trà đạo nên vẻ đẹp mang tính nghệ thuật cao của nó rất thu hút. Kế thừa những kỹ thuật truyền thống và không ngừng sáng tạo mang đến những sản phẩm mới phù hợp với thời đại, Gốm sứ Akazu đã trở thành dòng gốm sứ được ưa chuộng tại Nhật. Các sản phẩm chính của Gốm sứ Akazu bao gồm: Bộ ấm trà, bình hoa, bộ đồ ăn, uống,…

3. Gốm sứ Seto Sometsuke (tỉnh Aichi)

Seto Sometsuke là loại gốm sứ được sản xuất quanh khu vực thành phố Seto và thành phố Owariasahi, tỉnh Aichi (Nhật Bản). “Sometsuke" là một kỹ thuật sơn thường được áp dụng cho đồ sứ, nhưng trong đồ gốm sứ Seto gốm còn được “nhuộm". Đặc điểm của Seto Sometsuke là phần đế màu trắng trong suốt, mềm mại và các bức tranh được nhuộm màu  rất chân thực và tinh tế. Khu vực xung quanh thành phố Seto cũng nổi tiếng là trung tâm sản xuất đất sét gốm, và nguyên liệu thô để làm nền trắng như “Motoyama Kibushi Nendo” và “Motoyama Sanage”. Những bức tranh nhuộm vẽ chủ yếu bằng sơn màu chàm Gosu trên Gốm sứ Seto Sometsuke được ví như một bản sao của thiên nhiên và cảnh vật của Seto. Nguồn gốc của Gốm sứ Seto Sometsuke bắt đầu khi một người thợ gốm từ làng Seto (sau này là thành phố Seto) học được công nghệ sản xuất đồ sứ ở Kyushu và mang về Seto để truyền bá … Sau đó, phương pháp vẽ tranh theo phong cách Trung Quốc mà những người thợ gốm học được từ các họa sĩ khác nhau ghé thăm Seto đã phát triển thành kỹ thuật vẽ gốm sứ trắng xanh của Seto. Ngày nay, ngoài bộ đồ ăn thì các sản phẩm mới như đèn và bình hoa cũng được tập trung sản xuất.

4. Sản phẩm Onigawara Sanshu (tỉnh Aichi)

Onigawara Sanshu là nghề thủ được công nhận là nghề truyền thống quốc gia của thành phố Takahama, tỉnh Aichi từ năm 2017. Sông Yahagi chảy qua vùng núi Okawairi của tỉnh Nagano và tỉnh Gifu mang theo nguồn đất sét dồi dào từ các ngọn núi xuống hạ lưu. Đây cũng điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp liên quan đến đất sét như sản xuất men gốm, ngói lợp,… Các sản phẩm Onigawara Sanshu đã được trưng bày trên mái nhà như một biểu tượng của bùa hộ mệnh, xua đuổi tà ma, mang đến sự thịnh vượng và giàu có, nhưng công dụng của nó dần dần đã thay đổi theo thời gian. Nó cũng được sử dụng như đồ trang trí hàng ngày và bùa may mắn như đồ trang trí ở hốc tường và lối vào. Các sản phẩm Onigawara Sanshu có màu màu bạc đặc trưng nhờ vào kỹ thuật nướng không tráng men và cản oxy. Những năm gần đây, Onigawara Sanshu còn được sư dụng để trùng tu các bảo vật và các công trình văn hóa quốc gia quan trọng.

5. Gốm sứ Mino (tỉnh Gifu)

Gốm sứ Mino có lịch sử phát triển lâu đời, từ thời Heian các xưởng gốm xung quanh khu vực phía Đông Mino (Thành phố Tajimi, Thành phố Toki, Thành phố Mizunami) thuộc tỉnh Gifu đã là các trung tâm sản xuất lớn. Bền bỉ, dễ sử dụng và đa dạng trong các loại mẫu mã Gốm sứ Mino tự hào là thương hiệu có sản lượng gốm sứ lớn nhất ở Nhật Bản và được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình. Kiểu dáng đa dạng và có tính ứng dụng cao nên Gốm sứ Mino rất dễ dàng kết hợp bày biện với bất kỳ món ăn nào.

6. Gốm sứ Kutani (tỉnh Ishikawa)

Nếu là một yêu thích nghệ thuật vẽ tranh ở xứ Phù Tang, chắc chắn bạn không thể bỏ qua Gốm sứ Kutani. Được sản xuất ở vùng Kaga tỉnh Ishikawa, đặc trưng của Gốm sứ Kutani nằm ở các bức tranh vẽ trên lớp sơn dày. 5 màu sơn cơ bản của Nhật Bản bao gồm: xanh lá cây, vàng, đỏ, tím, xanh nước biển được kết hợp tinh tế tạo nên những tuyệt tác có giá trị nghệ thuật cao trên đồ gốm. Từ thời Minh Trị, kỹ thuật có tên là Kinrande (vàng thêu kim tuyến) trên gốm sứ đã trở nên phổ và nổi tiếng trên toàn thế giới với tên gọi “Japan Kutani”. Trải qua bao thăng trầm, Gốm sứ Kutani vẫn khẳng định vị trí vững chắc trong lĩnh vực ngành nghề thủ công truyền thống. Vượt qua ranh giới của sản phẩm thủ công thông thường, Gốm sứ Kutani có giá trị hội họa cao, kết hợp các yếu tố nghệ thuật đương đại. Ngày nay, nhiều người quan tâm và tìm đến Gốm sứ Kutani bởi tính nghệ thuật và giá trị cổ xưa. Người ta cũng hay tìm mua để làm quà lưu niệm đặc biệt.

7. Gốm sứ Echizen (tỉnh Fukui)

Gốm sứ Echizen đã xuất hiện từ cuối thời Heian, các xưởng gốm Echizen lúc bấy giờ đều có quy mô lớn và chuyên sản xuất nồi, cối, chum, vại lớn, chai rượu sake, và chậu Ohaguro,… Gốm sứ Echizen có kết cấu đơn giản, chắc chắn, vừa tận dụng tốt nhất đặc tính của đất Echizen, vừa mang nét đẹp nghệ thuật dân gian với hương vị ấm đất và men tro quen thuộc vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay. Trong những năm gần đây, ngoài họa tiết đơn giản được thể hiện bằng men tự nhiên, phong cách mới được các nghệ sĩ trẻ thổi hồn vào cũng góp phần làm cho Thế giới Gốm sứ Echizen trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Đặc biệt, lễ hội Gốm sứ Echizen được tổ chức vào ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai cuối cùng của tháng 5, là một sự kiện lớn thu hút hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài tỉnh mỗi năm. Nếu bạn muốn săn đồ Gốm Echizen thì đừng bỏ qua dịp lễ hội đặc biệt này nhé, vì các sản phẩm sẽ được bày bán trực tiếp từ lò nên giá thành sẽ rẻ hơn giá thị trường từ 20% đến 30%.

Tổng kết

Dạo quanh một vòng khu vực Chubu, chúng ta đã được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật độc đáo trên Gốm sứ. Gốm sứ địa phương khu vực Chubu không chỉ mang đến những đặc trưng rất riêng mà còn có giá trị nghệ thuật cao. Trong số 7 loại gốm sứ ở khu vực Chubu kể trên, bạn ấn tượng nhất với loại gốm nào nhất?