Các biểu tượng địa phương Nhật Bản – khu vực Kansai (1)

Kansai là vùng đất thường được nhắc đến với một phong cách riêng biệt qua những nét văn hoá truyền thống Kyoto, cuộc sống thương mại nhộn nhịp của Osaka, bề dày lịch sử của Nara hay phong cách quốc tế của Kobe. Về ẩm thực, mì udon, takoyaki, bò Kobe và rượu sake là nét đặc trưng của vùng đất này. Thế nhưng, đố các bạn biết các biểu tượng đặc trưng của khu vực này có gì độc đáo? Sao không thử cùng vi vu một chuyến đến đây và khám phá ngay nhỉ? Chúng ta bắt đầu với Mie, Shiga, KyōtōŌsaka nhé!

1. Tỉnh Mie

Cờ hiệu

Lấy cảm hứng thiết kế từ chữ (mi) trong tên tỉnh, biểu tượng cho tinh thần mạnh mẽ, anh hùng của người dân trong tỉnh và tượng trưng cho nghề nuôi cấy ngọc trai nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, chữ hướng lên về bên phải thể hiện bước tiến nhảy vọt của tỉnh trong tương lai. Cờ hiệu được quyết định vào năm 1964.

Hoa

Diên vĩ Nhật Bản (hanashōbu) thường nở vào đầu mùa hè, có nhiều màu như trắng, tím, đỏ nhạt. Tại các địa điểm như công viên Kyuka ở thành phố Kuwana, Saio no Mori ở thị trấn Meiwa, hay Ao Magatama ở Ise Jingu, người ta dễ dàng bắt gặp loài hoa này nở rộ tạo nên một khung cảnh xinh đẹp. Hanashōbu được chọn là loài hoa biểu tượng của tỉnh vào năm 1969.

Cây

Từ xa xưa, tuyết tùng jingū đã đi vào nhiều tập thơ bởi dáng vẻ trang nghiêm của chúng. Ngày nay những hàng cây khổng lồ cao từ 40 mét trở lên với các tán cây rậm rạp, tỏa bóng mát thường được thấy ở Thần cung Ise và Takiharanomiya. Năm 1966, tuyết tùng jingū đã được quyết định là loài cây biểu tượng của tỉnh Mie.

Chim

Trên bờ biển từ thị trấn Kisosaki đến thị trấn Futami, choi choi cổ khoang (shirochidori) thường xuất hiện với số lượng đáng kể. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng shirochidori đã giảm dần và mọi người đang kêu gọi bảo vệ loài chim này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Shirochidori được chỉ định là loài chim biểu tượng của tỉnh Mie vào năm 1972.

Tại tỉnh Mie, tôm rồng (iseebi) chủ yếu được nuôi trên bán đảo Shima. Sản lượng tôm của tỉnh chiếm 10% tổng sản lượng quốc gia và đứng vị trí lớn thứ ba trên cả nước. Iseebi được quyết định là sinh vật biển biểu tượng của tỉnh vào năm 1990.

Thú

Người dân Mie thường bắt gặp những chú tỳ linh (kamoshika) trong rừng, núi đá hay các vách đá ở khu vực núi cao trong tỉnh. Loài thú này được chỉ định là di sản thiên nhiên đặc biệt cấp quốc gia, được chọn là loài thú biểu tượng của tỉnh Mie vào năm 1964.

2. Tỉnh Shiga

Cờ hiệu

Thiết kế biểu tượng của tỉnh Shiga là lấy cảm hứng từ chữ シ (shi) và chữ ガ (ga) trong tên tỉnh được sắp xếp ở bên trái và bên phải, hình ảnh trung tâm mô phỏng hồ Biwa. Toàn bộ hình tròn và hai cánh phía trên được sắp xếp với ngụ ý mong muốn về cuộc sống hòa bình và sự phát triển vượt bậc của tỉnh. Ngày 3 tháng 5 năm 1957, thiết kế đã được lựa chọn làm biểu tượng cờ hiệu của tỉnh Shiga.

Hoa

Thông qua cuộc trưng cầu dân ý do NHK tổ chức, đỗ quyên shakunage đã được lựa chọn là loài hoa biểu tượng của tỉnh vào tháng 2 năm 1954.

Cây

Vào tháng 10 năm 1966, thông qua cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến người dân địa phương, phong đỏ (kōyō) đã được quyết định là cây biểu tượng của Shiga. Khi nhắc đến loài phong kōyō, mọi người dân đều xem là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc tại nhiều địa điểm nổi tiếng trong tỉnh gồm đền Eigenji.

Chim

Chim kaitsuburi thường tập trung sinh sống ở hồ Biwa và cũng có tên gọi khác là nio, đã được quyết định là loài chim biểu tượng của Shiga vào tháng 7 năm 1965.

3. Phủ Kyoto

Cờ hiệu

Cờ hiệu của Phủ Kyōtō được thiết kế theo hình sáu chiếc lá thể hiện thế đất tráng lệ của cố đô, bao quanh chữ (kyō) ở chính giữa cách điệu như hình người, toàn thể có ý nghĩa là sự liên hệ, đoàn kết của người dân trong phủ. Ngày 2 tháng 11 năm 1976, hình ảnh được lựa chọn là cờ hiệu của phủ thông qua sự biểu quyết của các công dân cố đô.

Hoa

Giống như một tên gọi khác là itozakura, anh đào shidare zakura với sự mềm mại uyển chuyển và vẻ đẹp của những bông hoa màu hồng phớt tựa như chính bầu không khí của Kyoto vậy. Tuy có vẻ mỏng manh yếu ớt, loài hoa này vẫn có một sức mạnh không thể khuất phục ngay cả trước gió tuyết. Hệt như khí chất người Kyoto vậy. Shidare zakura đã được chọn là loài hoa biểu tượng của Kyoto vào ngày 22 tháng 3 năm 1954.

Cúc Saga (Saga giku) có nguồn gốc từ vùng đất Saga, Kyōtō. Tên của loài cúc này tượng trưng cho vùng đất Kyoto. Là một loài cây lâu năm thuộc họ Cúc, hoa có nhiều màu sắc như đỏ sẫm, hồng, trắng, vàng, thường nở từ tháng 10 đến tháng 11. Ngày 6 tháng 3 năm 1990, Saga giku đã được quyết định là loài hoa biểu tượng của cố đô Kyōtō.

Cẩm chướng (nadeshiko) thường được miêu tả trong các tác phẩm kinh điển và hình ảnh kawaranadeshiko mọc tự nhiên bên bờ sông Kamogawa được người dân trong tỉnh yêu thích từ xưa đến nay. Nadeshiko là một cây lâu năm thuộc họ Caryophyllaceae, thường nở từ tháng 3 đến tháng 11 và có màu sắc đỏ tươi, hồng, tím hồng hoặc trắng. Cùng với cúc Saga giku, Kyōtō cũng đã quyết định cẩm chướng nadeshiko là loài hoa biểu tượng của phủ vào ngày 6 tháng 3 năm 1990.

Cây

Thường được sản xuất ở khu vực quận Kita của Kyōtō, gỗ của loài tuyết tùng Kitayama sugi được gọi là gỗ Kitayama. Vẻ đẹp của rừng tuyết tùng cũng như vẻ đẹp của những cây gỗ được đánh bóng đều ẩn chứa hương sắc riêng. Hình ảnh những rừng cây hướng thẳng đứng lên trời chính là biểu tượng của một Kyōtō đang phát triển. Chính vì vậy, Kitayama sugi đã được quyết định lựa chọn là cây biểu tượng của Kyōtō vào ngày 16 tháng 9 năm 1966.

Chim

Từ tháng 2 đến tháng 11 ở Kanmurijima thuộc thành phố Maizuru, người dân trong phủ thường thấy loài chim di cư oomizunagidori đến sinh sống với số lượng ước tính khoảng 200.000 con. Tuy là loài chim biển, oomizunagidori lại thích leo cây và cất cánh bay từ đó. Những người thợ săn ở địa phương rất quý mến loài chim này vì chúng thường cho họ biết vị trí của khu vực có luồng cá. Cũng chính vì vậy, họ còn trân trọng gọi chúng là sabatori (chim cá thu). Ngày 10 tháng 5 năm 1965, Kyōtō quyết định chọn chim oomizunagidori là loài chim biểu tượng của khu vực.

4. Phủ Osaka

Cờ hiệu

Thiết kế dạng quả bầu chụm lại của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi và các hình tròn ấy cảm hứng từ chữ O của Osaka, tượng trưng cho sự hy vọng, thịnh vượng và hòa hợp của Osaka. Chính vì vậy, hình ảnh đã được lựa chọn làm cờ hiệu của phủ.

Hoa

Hoa mơ (ume) được biết đến là loài hoa có liên quan mật thiết với Ōsaka. Trong tuyển tập thơ cổ Kokin Wakashū, chúng còn được nhắc đến là loài hoa nở trong Naniwazu…. Chính vì sự gắn bó và quen thuộc từ xa xưa mà ume đã được chọn là loài hoa biểu tượng của phủ Ōsaka.

Hoa anh thảo Nhật Bản (sakurasou) được biết đến là loài thực vật mọc và sinh trưởng tự nhiên, thường thấy dưới chân núi Kongo của tỉnh Ōsaka. Sakurasou đã trở nên gắn bó và thân thuộc với người dân nơi đây. Loài hoa này cũng được xem như một loài hoa bản địa và được lựa chọn là loài hoa biểu tượng của phủ Ōsaka.

Cây

Đến Ōsaka, chạy qua trung tâm thành phố, nhìn thấy hàng cây bạch quả (ichō) ở Midosuji chính là nhìn thấy cảnh quan tiêu biểu của Ōsaka. Những cây ichō này cũng đã được quyết định là loài cây biểu tượng của phủ.

Chim

Trong cổ văn Nihon Shoki có ghi chép rằng khi lăng mộ Thiên hoàng Nintoku tại Sakai thuộc Ōsaka được xây dựng, chim mozu đã bay ra khỏi tai của một con nai vừa bị ngã xuống, vì vậy nơi này được chỉ định là Hyakutobori Mimihara, và cũng từ đó, loài chim bách thanh mozu cũng được xem là loài chim đặc biệt, trở thành loài chim biểu tượng của khu vực.

Như vậy, một phần thú vị về các biểu tượng đặc trưng của khu vực Kansai đã được hé mở thông qua bốn địa phương là Mie, Shiga, Kyōtō và Ōsaka. Vẫn còn rất nhiều điều hấp dẫn về các tỉnh thành khác của khu vực này chờ đón các bạn cùng tìm hiểu tại chuyên mục Tham quan du lịch Nhật Bản đó đây. Các bạn đừng quên chúng ta có hẹn tại chuyến “du ngoạn” tiếp theo để cùng khám phá thêm vùng đất hiền hòa này nha! 😉