Quy tắc về việc đi trễ, về sớm và vắng mặt đối với nhân viên tại Nhật
Là nhân viên của một công ty tức là bạn đã là một phần của một tổ chức. Khi một người vắng mặt hoặc về sớm thì những người khác sẽ phải làm thay công việc của người đó. Điều này sẽ gây phiền hà đến các đồng nghiệp và cấp trên, vì vậy mà tôi luôn cố gắng tránh việc đi trễ, về sớm và vắng mặt. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bất khả kháng như là tàu điện đến trễ hay là bị ốm. Vậy làm thế nào để trong những trường hợp đó, chúng ta có thể giảm thiểu sự bất tiện cho đồng nghiệp và thiệt hại cho doanh nghiệp?
Không được đến trễ mà không báo trước
Trong bất kỳ trường hợp nào thì việc đi trễ hoặc vắng mặt mà không báo trước luôn là điều cấm kỵ. Hãy liên hệ với sếp để thông báo về tình hình hiện tại của bạn. Nếu như không có quá nhiều vấn đề phức tạp thì tốt hơn là đừng liên lạc bằng email. Tốt nhất là gọi điện thoại và giải thích lý do cụ thể, rõ ràng.
Trên điện thoại, hãy trao đổi về những công việc có thể bị ảnh hưởng khi bạn đến trễ hoặc vắng mặt. Đặc biệt, hãy hỗ trợ những công việc khẩn cấp phải hoàn thành trong ngày hôm đó. Ngoài ra, nếu có lịch hẹn gặp đối tác, khách hàng, bạn hãy liên lạc với họ nữa nhé.
Nếu bạn bị muộn giờ do tàu trễ, hãy liên hệ với cấp trên ngay khi bạn nhận thấy điều đó. Hãy báo với cấp trên bạn sẽ đến trễ khoảng bao lâu, và thời gian dự kiến mà bạn sẽ đến, chẳng hạn như “Tôi sẽ có mặt ở công ty vào khoảng ○○ giờ". Có một số công ty sẽ không ghi nhận trường hợp này là đi làm trễ nếu bạn nộp giấy chứng nhận tàu bị trì hoãn do công ty đường sắt cấp. Đừng quên lấy nó ở nhà ga nhé!
Nếu bạn đến muộn vì lỗi của chính mình, như là ngủ dậy muộn chẳng hạn, thì bạn cũng không nên nói dối. Ngay cả khi bạn được tin tưởng vào thời điểm đó, thì lời nói dối ấy cũng sẽ bị lộ vào một ngày nào đó mà thôi. Dù cấp trên sẽ tức giận thì cách tốt nhất vẫn là chia sẻ lý do thật sự. Trong trường hợp bị bệnh, bạn sẽ được cấp trên chấp thuận khi trình bày những chẩn đoán của bác sĩ và tình trạng của bạn.
Về sớm cũng như vậy. Bạn hãy trình bày tình trạng của bản thân thật rõ ràng và mong sự thông cảm từ đồng nghiệp và cấp trên. Trường hợp về sớm hoặc có dự định vắng mặt hôm nào đấy thì bạn nên xác nhận lại lịch trình của mình trước nhé!
Khi gặp vấn đề bất khả kháng phải vắng mặt thì xử lý như thế nào?
Thay vì vắng mặt mà không xin phép, hãy liên lạc với cấp trên ít nhất là 10 phút trước giờ làm việc. Và điều quan trọng nhất là dù bạn có vắng mặt vì lý do bất khả kháng như là bị ốm, thì vẫn phải có thái độ xin lỗi với cấp trên.
Cũng giống như trường hợp đi trễ, hãy trao đổi với cấp trên về biện pháp xử lý đối với các công việc khẩn cấp, chẳng hạn như là nhờ người khác làm giúp. Và nhớ phải liên hệ và xin lỗi đối tác, khách hàng nữa.
Và vào ngày mà bạn đi làm trở lại, đừng quên cảm ơn và xin lỗi cấp trên và đồng nghiệp của bạn, có thể nói những câu như: “Xin lỗi vì đã làm phiền anh/chị!", “Cảm ơn anh/chị đã giải quyết công việc giúp tôi!", …
Nếu bạn muốn xin nghỉ trước, đi công tác hay đám cưới,… hãy báo trước với cấp trên để hị có thể sắp xếp công việc.
Và tất nhiên là bạn nên cân nhắc đến việc mua quà lưu niệm cho cấp trên và đồng nghiệp nếu bạn đi xa. Và tinh thần giúp đỡ lễn nhau cũng rất quan trọng, hãy giúp hoàn thành công việc của người khác khi họ vắng mặt nhé.
Hãy luôn cố gắng dự trù thời gian hợp lý để không dẫn đến việc đi trễ, về sớm và vắng mặt. Và việc chú ý chăm sóc sửa khỏe để không bị bệnh cũng rất quan trọng đấy.
Tôi cũng khuyên bạn nên xem xét đến các lộ trình khác để phòng trường hợp tàu đến trễ. Bạn có thể sử dụng xe buýt hoặc đi bộ đến một ga khác để lên tuyến đường sắt khác,…
Là con người nên tất nhiên sẽ không tránh khỏi những trường hợp phải vắng mặt ở công ty. Vào những trường hợp đó, hãy nhớ liên lạc với cấp trên và chú ý đến cảm giác của những người xung quanh, đó chính là quy tắc của những người làm việc trong doanh nghiệp.