Nghề nghiệp (1) Tổng quan về các nhóm nghề

Khi nghĩ về “mình muốn làm một công việc như thế nào", hay “mình muốn làm gì", thì ắt hẳn điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến sẽ là các nhóm nghề phải không nào.

Đến hiện tại, chúng mình đã có nhiều bài viết về tác phong làm việc (business manner) rồi, bên cạnh đó, việc hiểu được có bao nhiêu nhóm công việc trong môi trường kinh doanh cũng như bản thân mình có thể làm được công việc như thế nào cũng là điều quan trọng không kém. Vì vậy, chúng mình quyết định làm một series về nghề nghiệp, trong đó sẽ giải thích chi tiết về nội dung cụ thể của nhóm nghề. Hi vọng bạn có thể xem series này như một bài tham khảo trong việc lựa chọn nghề nghiệp hay thăng tiến trong công việc của mình nhé!

4 nhóm nghề tiêu biểu là những nghề nào?

Dựa theo nội dung, công việc trong môi trường kinh doanh được chia thành 4 nhóm lớn.

1. Nhóm nghề kinh doanh
Đây là công việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng để hưởng hoa hồng. Người làm trong nghề này cần có năng lực giao tiếp nhằm nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và có kỹ năng đối ứng kịp thời, xác đáng. Riêng với mảng kinh doanh chuyên về bán hàng đôi lúc còn được gọi là “sales".

●Bán hàng cho doanh nghiệp, bán hàng cho cá nhân
●Bán hàng khác (không bán trực tiếp tại cửa hàng, không có cửa hàng hoặc bán hàng tận nhà v.v…)
●MR (trình dược viên – phổ biến thông tin về dược phẩm hiện có của công ty và công dụng của chúng đến các bác sĩ, dược sĩ tại các phòng khám và bệnh viên – cũng được xem là công việc kinh doanh theo nghĩa rộng)
●Sales engineer (nhân viên kinh doanh mảng kỹ thuật)

Ngoài ra còn có các công việc liên quan đến kinh doanh khác, tuỳ thuộc vào lĩnh vực hoạt động của công ty mà nội dung công việc sẽ có sự khác biệt.

2. Nhóm nghề hành chính
Các công việc như soạn thảo văn bản, tạo biểu mẫu, đối ứng với khách hàng, tiếp nhận và xử lý thông tin, lưu trữ hồ sơ, nhập liệu v.v… đều là những công việc “vô hình" khó có thể thấy được bằng mắt, nhưng là nhóm công việc không thể thiếu để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp, gọi chung là nghề hành chính. Nội dung cụ thể của loại công việc này rất rộng và bao hàm nhiều đầu việc, từ soạn thảo tài liệu kinh doanh cho đến lập dự toán ngân sách, tuy nhiên nội chung chính vẫn là nhằm hỗ trợ các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp.

Thông thường, các vị trí nhân sự, tổng vụ, pháp chế, marketing, xúc tiến thương mại, kế toán, tài chính v.v… là những công việc không liên quan đến bán hàng hay đối ứng với khách hàng, vì vậy thỉnh thoảng chúng cũng được gọi chung là công việc hành chính, hay backoffice.

3. Nhóm nghề kỹ thuật
Nói một cách tóm gọn, nội dung chính của nhóm nghề này là chế tạo, bao hàm cả việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các vị trí trong mảng công việc này có thể bao gồm: kỹ sư hệ thống (system engineer), kỹ sư mạng (network engineer), lập trình viên (programmer), kỹ sư hỗ trợ khách hàng (customer engineer), quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, quản lý thi công/tích hợp/đo lường/thiết kế/công nghệ sản xuất, nghiên cứu cơ bản/nghiên cứu ứng dụng v.v… Đây cũng là nhóm nghề cần vận dụng nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật.

4. Nhóm nghề chuyên môn
Nhóm nghề này yêu cầu kiến thức và kỹ thuật đặc thù, đòi hỏi người làm phải có bằng cấp, chứng chỉ về vị trí mà họ đảm nhiệm. Chẳng hạn như giáo viên, kiến trúc sư, luật sư, kế toán, cố vấn thuế v.v… đều là những vị trí cần có chứng chỉ hành nghề mới được phép làm việc.

Bên cạnh đó, nhóm nghề này còn bao gồm các vị trí yêu cầu kỹ năng đặc thù như thư ký, tiếp viên hàng không, quan hệ công chúng-truyền thông, nhà thiết kế v.v… Khi đã trang bị cho bản thân các kỹ năng chuyên môn cần thiết của nghề, những người làm trong mảng công việc này có thể hoạt động độc lập (không cần làm việc cho doanh nghiệp, tổ chức nào), hoặc trở thành người làm việc tự do (freelancer).

Phân biệt giữa ngành và nghề

Các bạn đã biết về sự khác nhau giữa ngành và nghề chưa? Như chúng mình đã trình bày từ đầu bài viết, “nghề" là một nhóm công việc có điểm chung về nội dung công việc, Trong khi đó, “ngành" lại được dùng để phân loại doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân. Nói cách khác, “ngành" chính là lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đó.

Dựa trên phân loại ngành tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ và Truyền thông, cơ quan có chức năng xác định và phân loại các ngành công nghiệp ở Nhật Bản, các ngành công nghiệp được phân thành nhóm như sau.

A: Nông lâm nghiệp
B: Ngư nghiệp
C: Công nghiệp khai khoáng, khai thác đá, thu gom cát sỏi
D: Xây dựng
E: Sản xuất, chế tạo
F: Năng lượng (cung cấp điện/nước/nhiệt lượng/khí đốt)
G: Thông tin và truyền thông
H: Vận tải, bưu chính
I: Bán buôn, bán lẻ
J: Kinh doanh tài chính, bảo hiểm
K: Kinh doanh bất động sản, cho thuê
L: Nghiên cứu học thuật, kinh doanh dịch vụ kỹ thuật-chuyên môn
M: Kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực
N: Kinh doanh dịch vụ sinh hoạt, giải trí
O: Giáo dục và các hoạt động hỗ trợ giáo dục
P: Y tế và phúc lợi
Q: Kinh doanh dịch vụ phức hợp
R: Dịch vụ (không bao gồm ngành đã thuộc phân loại khác)
S: Công vụ (không bao gồm ngành đã thuộc phân loại khác)
T: Các ngành khác

Hơn 20 nhóm ngành công nghiệp lớn này lại tiếp tục được chia thành các nhóm trung bình và nhỏ. Chẳng hạn như trong nhóm ngành E – sản xuất và chế tạo, lại bao gồm các ngành sản xuất đa dạng như thực phẩm, dệt may, hóa chất, v.v…

Hay như nhóm ngành J – kinh doanh tài chính và bảo hiểm, cũng bao gồm nhiều ngành khác nhau từ ngân hàng cho đến các tổ chức tín dụng, tín dụng không ký quỹ, v.v…

Nội dung công việc khác biệt khi cùng nghề nhưng khác ngành

Nói cách khác, cùng là nghề kinh doanh, nhưng nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất sẽ có hàng hoá và dịch vụ bán ra khác với nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Không ít trường hợp cùng một vị trí nhưng nội dung công việc lại có nhiều điểm khác biệt giữa các ngành.

Vì vậy khi nghĩ về công việc bản thân mong muốn được làm, bạn nên cân nhắc đến cả hai yếu tố nghề và ngành để có được một chọn lựa phù hợp, hơn là chỉ tập trung vào một trong hai thôi nhé!