Lí do bạn nên trở thành một người biết lắng nghe và lợi ích của việc diễn đạt được ý định của người nói

Không mấy ai có thể tự hào rằng mình có kĩ năng giao tiếp tốt. Kĩ năng giao tiếp vốn là nền tảng của các mối quan hệ giữa người với người. Nó không chỉ hữu ích trong các tình huống riêng tư mà còn cả trong các tình huống kinh doanh.

Hoàn toàn khác với các mối quan hệ cá nhân được xây dựng dựa trên nền tảng là sự tin tưởng lẫn nhau thì môi trường kinh doanh là nơi ta phải nắm bắt được mục đích, ý định của khách hàng trong một khoảng thời gian ngắn đồng thời cũng phải đáp ứng được lợi nhuận cho công ty mình. Trong môi trường đó, cái quan trọng hơn cả “khả năng nói" – bày tỏ chủ trương của mình chính là khả năng “lắng nghe" người khác. Vậy thì tại sao khả năng “lắng nghe" lại được đánh giá cao đến như vậy nhỉ?

5 lợi ích chỉ người biết lắng nghe mới có được

Khi nghe nói đến kĩ năng giao tiếp tốt, bạn có đang tưởng tượng ngay đến đó chính là “khả năng nói" tốt không? Trên thực tế, “khả năng lắng nghe" chính là nhân tố quan trọng giúp nắm bắt được ý định thực sự của đối phương. Và nếu bạn là một người biết lắng nghe, bạn sẽ nhận được những lợi ích sau.

 

1. Có thể lay động lòng người và diễn đạt ý định thực sự của họ

Thật khó để nói chuyện cởi mở khi bạn mới gặp nhau lần đầu tiên. Điều này đặc biệt đúng trong kinh doanh. Môi trường kinh doanh bao hàm cả những nguyên tắc xã giao, ẩn ý trong giao tiếp cho nên người nói không phải lúc nào cũng có thể nói thẳng hết ý đồ của mình.

Đồng cảm và gắn kết với đối phương là yếu tố căn bản của việc “lắng nghe". Đặt bản thân vào vị trí của người nói để nghe câu chuyện của họ, bạn sẽ khiến cho đối phương thư giãn và giãi bày mọi tâm sự với mình. Có thể nói, người biết lắng nghe là người có thể lôi kéo được cảm xúc của người nói bởi vì họ có khả năng khiến cho người nói cảm thấy gần gũi khi tâm sự với mình. Những hành động đó chính là mấu chốt khiến cho người nói mở cửa trái tim, bày tỏ tâm ý của mình.

2. Trở thành một con người đáng tin cậy và quan trọng

Như đã đề cập ở phần 1, người biết lắng nghe sẽ có được cảm giác thỏa mãn nơi người nói. Họ khiến cho người nói muốn nói chuyện với mình nhiều hơn và để lại ấn tượng tốt trong lòng người nói. Trong giao tiếp thông thường thì họ còn được gọi là “có duyên", và khả năng đó cũng được đánh giá cao trong môi trường kinh doanh.

3. Có thể giảm bớt lo lắng và căng thẳng cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân

Những lo lắng hàng ngày của chúng ta phần lớn bắt nguồn từ các mối quan hệ giữa con người với nhau. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng thì vẫn có khả năng bạn sẽ vướng mắc phải những hiểu lầm nho nhỏ trong những cuộc hội thoại đó. Trong một số trường hợp, chỉ một sự sai lệch nhỏ trong giao tiếp thôi cũng sẽ khiến cho cuộc hội thoại đi chệch hướng và gây ra những vấn đề khó khăn.

Bằng cách cải thiện kỹ năng lắng nghe của mình, bạn có thể đọc được ý định thực sự của đối phương, giúp giảm thiểu hiểu lầm trong giao tiếp. Nhờ đó, bạn sẽ giải tỏa được những lo lắng và căng thẳng trong các mối quan hệ.

4. Tự tin vào bản thân

Những người biết lắng nghe thường sẽ có nhiều bạn bè xung quanh. Ngoài ra, nếu bạn thể hiện được khả năng lắng nghe của mình trong công việc, bạn còn được công nhận và thăng tiến trong sự nghiệp. Bạn sẽ cảm thấy giá trị của bản thân cao hơn và tự tin hơn vào bản thân nhiều hơn.

5. Có thể trở thành một người có khả năng giao tiếp tốt

Để cải thiện khả năng lắng nghe của bạn, điều quan trọng là phải biết lắng nghe cẩn thận câu chuyện của người khác. Bạn sẽ có thể tiếp thu thông tin và kiến ​​thức của nhiều người, góp phần giúp cho khả năng giao tiếp của bản thân trở nên tốt hơn.

Bí quyết để trở thành người biết lắng nghe

Chỉ đơn thuần nghe chuyện của người khác không giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp. Trên tất cả, điều quan trọng nhất là bạn phải đặt mình vào vị trí của người nói, biết quan tâm và tạo cho người nói cảm giác mình đang “lắng nghe" họ. Hãy nhớ rõ những điều dưới đây khi bắt đầu nghe câu chuyện từ một người khác nhé!

  • Thấu hiểu cảm xúc của người nói và lắng nghe câu chuyện dưới góc nhìn của họ
  • Lắng nghe câu chuyện với thái độ tích cực
  • Đồng cảm và quan tâm tới đối phương như thể đó là câu chuyện của chính bản thân mình
  • Nhìn vào mắt đối phương và cảm nhận câu chuyện
  • Trong một số trường hợp, hãy sử dụng thêm những cử chỉ như gật đầu v.v… tạo cho người nói cảm giác hứng khởi

Trước hết, hãy thu hẹp khoảng cách, từng chút một xích lại gần đối phương hơn.

Một người biết lắng nghe là người có thể đặt mình vào vị trí của người nói để lắng nghe câu chuyện của họ. Tuy nhiên, dù người nghe có giỏi đến đâu thì việc đột ngột rút ngắn khoảng cách vẫn là không nên. Thay vào đó, bạn hãy từ từ từng chút một xích lại gần với cảm xúc của họ hơn.