Trẻ em và dinh dưỡng (giai đoạn tuổi dậy thì)
Thời kỳ phát triển ổn định
Ở Nhật giai đoạn từ những năm cuối tiểu học đến trung học phổ thông (10 đến 18 tuổi) được gọi là giai đoạn “tuổi dậy thì”, là giai đoạn mà thể chất lẫn tinh thần của trẻ phát triển nhanh chóng. Sự phát triển vượt bậc được thể hiện qua việc chiều cao của bé trai tăng 31,6 cm và bé gái tăng 17,6 cm trong giai đoạn từ 10 đến 18 tuổi. Cân nặng cũng sẽ tăng 28,2 kg đối với bé trai và 18,8 kg đối với bé gái và cơ thể chính thức phát triển thành người lớn.
Một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng là điều không thể thiếu để hỗ trợ sự phát triển vượt bậc này. Có nhiều điểm cần lưu ý liên quan đến dinh dưỡng ở tuổi vị thành niên nhưng không cụ thể do có sự khác biệt lớn giữa từng cá nhân mỗi trẻ.
Trẻ có vận động
Trường hợp của bạn A sinh hoạt trong câu lạc bộ bóng đá từ thời trung học cơ sở và tập luyện trước khi tiết học đầu tiên trong ngày bắt đầu (thường được gọi là “Asaren-Rèn luyện buổi sáng“). Trong quá trình trưởng thành, bạn dành nhiều thời gian để vận động nên bạn thường rất mau đói bụng. Ngay cả khi đã ăn sáng ở nhà, bạn vẫn cảm thấy đói sau giờ rèn luyện buổi sáng nên bạn thường ăn nửa phần cơm hộp trước khi bắt đầu giờ học. Trong giờ nghỉ trưa, bạn ăn một nửa phần còn lại của hộp cơm và bánh mì mua ở canteen, Sau khi tan học, bạn thường ghé vào cửa hàng tiện lợi với bạn bè để mua bánh kẹo ăn vặt sau đó về nhà và ăn bữa tối. Một đứa trẻ vận động nhiều như bạn A cần nguồn dinh dưỡng phù hợp cho quá trình tập luyện bên cạnh các chất dinh dưỡng hỗ trợ tăng trưởng.
Trẻ ăn kiêng
Trường hợp của bạn B. Em luôn ước mong được trở thành thần tượng hay người mẫu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Và bạn cũng bắt đầu ăn kiêng vì muốn có thân hình mảnh mai. Đôi khi bạn bỏ bữa sáng, tối thì ăn chỉ rau hay có khi không ăn các bữa ăn do gia đình chuẩn bị. Từ khi sinh ra đến nay, cha mẹ có thể quản lý dinh dưỡng cần thiết cho con, nhưng bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên trẻ có thể tự chọn món ăn và lượng ăn tuỳ theo ý mình. Nói cách khác, trường hợp này là tình huống trong đó dinh dưỡng cần thiết không được cung cấp đầy đủ.
Trẻ tự ăn một mình
Trường hợp của bạn C. Do sự rối loạn cảm xúc của tuổi mới lớn, bạn dần cảm thấy thật phiền phức khi phải dành thời gian cho gia đình. Ngay cả khi gia đình đã tốn công chuẩn bị bữa ăn cho bạn, bạn hoặc là ăn khác giờ, hoặc mang lên phòng ăn một mình và không có ý định chia sẻ sự ngon miệng với bất kỳ ai trong gia đình. Cũng có khi bạn vừa ăn vừa xem điện thoại hay vừa ăn vừa nhắn tin cho bạn bè, không tập trung ăn. Đối với trẻ em, bàn ăn là nơi giao tiếp chính, chúng còn bổ sung “dinh dưỡng tinh thần” trong khi ăn. Tuy nhiên giai đoạn tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ thường xa cách với gia đình và chú trọng kết nối với những người bên ngoài gia đình. Là bậc cha mẹ, chúng ta không thể không lo lắng nhưng chỉ có thể hỗ trợ con về mặt dinh dưỡng tốt nhất có thể và phần còn lại hãy để trẻ tự lo cho mình.
Trẻ được tự do trong ăn uống
Trường hợp bạn D. Khoảng 80% các bà mẹ sẽ quay trở lại làm việc khi con của họ phần lớn thời gian ở trường hay chúng có thể tự ở nhà một mình. Mẹ của bạn D khi bắt đầu đi làm và về muộn, bạn được mẹ cho tiền và ăn những món mình thích. Bạn có thể dễ dàng giải quyết cơn đói của mình bằng cách mua bánh mì hamburger tại cửa hàng thức ăn nhanh hoặc ăn những đồ ăn liền mẹ mua để sẵn. Ngoài ra, vào những ngày bạn đi học thêm, bạn sẽ ăn tối sau khi lớp học thêm kết thúc nên sẽ là một bữa ăn muộn sau 20:00. Từ đó cân bằng dinh dưỡng và nhịp sống có xu hướng bị xáo trộn.
Như vậy các bạn chắc phần nào cũng đã thấy được sự khác biệt của mỗi trẻ mặc dù sự khác biệt đó không thể hiện nhiều trong bữa ăn giai đoạn tiểu học đến đầu trung học cơ sở (6-9 tuổi). Khi trẻ lớn hơn, chúng có nhiều quyền tự do hơn trong việc chọn lựa loại thực phẩm và cách chúng ăn. Do vậy chúng ta cần quan tâm hơn đến “dinh dưỡng" hỗ trợ sự phát triển và sức khỏe của trẻ.