Khi nào nên cho trẻ ngủ riêng một mình?

1. Cho con ngủ một mình ở phòng riêng

Theo khảo sát năm 2015 của một doanh nghiệp tư nhân, hầu hết các bố mẹ đều để cho con mình bắt đầu ngủ một mình từ năm 7 tuổi (thời điểm trẻ bắt đầu vào tiểu học) đến 9 tuổi. Có 36% phụ huynh trong 100 hộ gia đình làm như thế. Giai đoạn bắt đầu bước vào tiểu học là một “cột mốc quan trọng" đối với cả cha mẹ và trẻ nhỏ. Đây là thời điểm phù hợp để cha mẹ cho trẻ ngủ một mình trong phòng riêng. Đây cũng là thời kỳ mà trẻ dần hình thành những cảm xúc, suy nghĩ một cách tự nhiên và muốn thử được ngủ trong một căn phòng khác với phòng của bố mẹ.

Thế mà, con trai tôi đến tận năm lớp 4 (10 tuổi) cũng chưa từng nói muốn ngủ một mình. Trong tiếng Nhật có một chữ Hán viết là 川 (Xuyên, nghĩa là “dòng sông"), và vì hình dạng của chữ này trông giống như “tư thế cha mẹ nằm ngủ có đứa con kẹp ở giữa", cho nên người ta ví von việc cha mẹ và con cái ngủ chung trong một phòng, hoặc cùng nằm ngủ trên một chiếc giường hay tấm đệm futon, là “nằm ngủ theo hình chữ Xuyên".

Gia đình tôi đúng là đang ngủ theo hình chữ Xuyên luôn. Và hình như con tôi thấy yên tâm, thoải mái khi nằm ngủ mà vẫn cảm nhận được hơi ấm của bố mẹ nằm cạnh bên. Cũng chính vì thế, con tôi mãi mà vẫn chưa thể tự ngủ một mình. Nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn một căn phòng cho con để con có thể tách ra ngủ một mình bất cứ lúc nào.

2. Vì sao nên cho trẻ sơ sinh ngủ riêng?

2.1 Phòng chống nguy cơ đột tử do ngủ chung

Từ lúc lọt lòng đến khi được một tuổi, con đã được cho ngủ trong một chiếc cũi cho trẻ sơ sinh đặt trong phòng ngủ của bố mẹ và ba mẹ thì ngủ trên một chiếc đệm khác.

Ngủ cùng với trẻ nhỏ là một trong những cách để cho bạn biết bạn hạnh phúc như thế nào khi được làm mẹ, nhưng việc đó lại chứa đựng nguy cơ gây ra tai nạn tử vong cho bé.

Cụ thể là trường hợp bố hoặc mẹ vì quá kiệt sức do chưa quen với việc chăm con đến mức ngủ thiếp đi mà không còn ý thức được rằng đứa bé vẫn đang nằm ngủ bên cạnh mình. Nếu giường được đặt sát tường, người lớn sẽ có thể đẩy em bé vào tường theo quán tính khi trở mình trong lúc ngủ. Hơn nữa, người ta cũng nhận thấy rằng có những trường hợp đứa trẻ bị kẹp vào giữa tấm đệm. Một cách vô thức, đứa trẻ phải chịu sức ép và có thể dẫn đến tai nạn thương tâm.

Không những vậy, vì chăn đệm bông dành cho người lớn quá nặng và quá to đối với em bé nên có trường hợp xảy ra tình trạng che lấp mũi và miệng của trẻ và gây khó thở. Lúc ấy, nếu người lớn nằm ngủ bên cạnh em bé bị rơi vào trạng thái quá say giấc, họ sẽ không nhận ra được rằng đứa bé đang đau đớn khó chịu.

Vốn dĩ, chăn ga gối đệm mềm mại và ấm áp cho người lớn rất khó bảo đảm tính an toàn và sự thoải mái cho trẻ nhỏ, bởi vì cơ thể của trẻ có thể bị vùi lấp quá mức và bị kẹt vào dưới lớp chăn đệm, hoặc gây ra tình trạng nóng quá mức đối với những trẻ dễ ra mồ hôi vì thân nhiệt cao.

Những chiếc cũi em bé có hàng rào cao ở các phía để ngăn việc trẻ té ngã, nhưng nhiều chiếc giường dành cho người lớn lại không có hàng rào. Do đó cũng có những tai nạn xảy ra khi trẻ nhỏ trở mình lúc ngủ và bị người lớn nằm bên cạnh đẩy ra khiến trẻ rơi khỏi giường.

2.2 Cho con ngủ chung vào thời điểm thích hợp

Nhưng cũng thật vất vả khi cứ mỗi lần cho con bú, tôi phải hạ cũi xuống và bế con lên trong khi vẫn còn ngái ngủ, rồi lại phải bế con trở lại cũi sau khi hoàn tất việc săn sóc con. Đặc biệt là vào mùa Đông, chỗ ngủ của con sẽ bị lạnh khi tôi đang cho con bú và điều này khiến tôi lo lắng liệu rằng con có bị lạnh hay không. Do đó, khi con được một tuổi, tôi để con nằm ngủ bên cạnh mình trên giường người lớn luôn. Sau khi cho con bú xong, cả tôi và con có thể cùng ngủ ngay lập tức, và việc này kéo dài đến hiện tại.

3. Lời kết

Dù con tôi có vẻ là một đứa trẻ được cưng chiều, nhưng có lẽ con sẽ ngỏ lời với tôi rằng “con sẽ ngủ một mình" khi con bước vào tuổi dậy thì. Lúc đó chắc tôi sẽ vừa cảm thấy vui vừa hơi cô đơn nhỉ…