Nên tập cho trẻ thói quen rửa tay

Tại Nhật Bản, các bệnh như cảm lạnh và cúm rất phổ biến từ tháng 12 đến tháng 2.

Mùa Đông cũng là mùa số trẻ bị nôn mửa và tiêu chảy do nhiễm norovirus và rotavirus tăng cao. Thế nên, tôi xin giới thiệu đến các bạn 1 biện pháp phòng ngừa vẫn đang được thực hiện tại Nhật Bản để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh này. Biện pháp đó chính là… “rửa tay".

Trong “giai đoạn môi" (giai đoạn trẻ thỏa mãn cảm giác sờ bằng cách chạm ngón tay mình vào vùng quanh miệng, thường là đến khi 2 tuổi), rất nhiều trẻ liếm ngón tay hoặc dùng tay nắm lấy đồ vật. Ngay cả khi ngừng mút ngón tay, vẫn có trẻ vẫn tiếp tục liếm tay một cách vô thức dù đã vào tiểu học. Giữ cho bàn tay sạch sẽ là bước đầu tiên để ngăn ngừa bệnh.

Không chỉ sau khi trở về nhà mà có rất nhiều lúc để rửa tay trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, trẻ em có xu hướng sao lãng việc rửa tay vì chúng không biết rửa tay đúng cách hoặc không hiểu tầm quan trọng của việc rửa tay.

Ngoài ra, việc rửa tay khó khăn với trẻ em hơn là người lớn nghĩ vì cơ thể chúng rất nhỏ bé. Chẳng hạn như trẻ khó đưa tay đến dưới vòi nước do chậu rửa quá cao. Dần dần sẽ có những trẻ ghét luôn việc rửa tay.

Nếu trẻ vẫn còn nhỏ, hãy điều chỉnh chiều cao tới chậu rửa bằng ghế thường hoặc ghế đẩu, và bố mẹ hãy nắm lấy tay trẻ (ôm và giữ lấy tay trẻ từ sau lưng) và rửa tay cùng trẻ.

Đầu tiên, làm ướt nhẹ tay bằng nước, chà xát lòng bàn tay bằng xà phòng rửa tay hay xà phòng thường. Trong những năm gần đây, xà phòng rửa tay dạng ấn cổ chai đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản, và giờ đây không chỉ ở nhà mà xà phòng còn dễ dàng được tìm thấy và sử dụng tại bệ rửa tay ở trường học và cơ sở thương mại. Có nhiều loại xà phòng xịt ra dạng bọt nên kể cả trẻ nhỏ cũng dễ dàng sử dụng được.

Tiếp theo, rửa bằng cách chà xát mu bàn tay, duỗi các ngón tay ra, đan hai bàn tay lại với nhau rồi chà xát giữa các ngón tay. Lúc đó rất khó để rửa xung quanh chân ngón tay cái nên hãy bao lấy ngón tay cái bằng tay còn lại và rửa. Rồi tiện thể rửa luôn cổ tay bằng cách bao lấy cổ tay bằng tay còn lại và xoa đều.

Tiếp theo hãy xòe mặt trong một bàn tay ra, hướng lên trên rồi cào móng tay của tay còn lại lên đó. Làm như thế thì các đầu ngón tay (móng tay) cũng sẽ được làm sạch.

Sau đó hãy rửa sạch tay với nước cho đến khi hết cảm giác nhớt của xà phòng. Thường thì người ta sẽ bỏ quên cổ tay nên hãy nhớ rửa hết những nơi có dính bọt xà phòng nhé! Nếu rửa lại tay bằng nước trong bồn thì chẳng khác nào lấy lại những vi khuẩn vừa rửa ra nên hãy nhớ rửa tay dưới vòi nước chảy nhé. Vào mùa Đông, nhiều trẻ em ghét nước lạnh nên nếu có thể, hãy chuẩn bị nước ấm cho trẻ. Làm như thế sẽ giảm được sự miễn cưỡng của trẻ trong việc rửa tay.

Cuối cùng là lau tay bằng khăn sạch. Nhưng nếu có người bệnh trong nhà thì để cho an toàn, hãy lay tay bằng khăn riêng thay vì dùng khăn chung.

Giữ cho cơ thể sạch sẽ không chỉ là phòng ngừa bệnh tật, mà còn là nền tảng của giáo dục đạo đức về việc “coi trọng sinh mệnh" và “coi trọng giá trị cơ thể của bản thân". Những điều này sẽ được dạy ở nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường tiểu học, nhưng bạn cũng nên tập cho trẻ rửa tay tại nhà trước để tạo thói quen rửa tay thường xuyên nhé!