Bố mẹ sẽ làm gì khi trẻ khóc và nói mình bị đau chân? Có mối liên hệ nào giữa tâm trí và cơ thể?
Bạn có biết về “Tâm thân tương quan" không? Nếu bạn phân tích từng chữ Hán của thành ngữ bốn chữ này thì có thể thấy nó có nghĩa là “tâm trí và cơ thể có liên quan đến nhau". Tôi đã học được về câu này trong một khóa đào tạo giáo viên ở đại học.
Người ta bịt mắt những người bị dị ứng bởi nhựa cây Urushi (“cây sơn ta" trong tiếng Việt), nói với họ rằng “Giờ tôi sẽ bôi nhựa cây Urushi vào người bạn, thứ mà trước đây từng làm bạn bị nổi mẩn và ngứa", rồi dùng một cây bút bi chạm vào họ. Những người bị bịt mắt không thấy được rằng thứ chạm vào họ không phải là cây Urushi, mà là cây bút nên họ hoàn toàn nghĩ rằng chính cây Urushi đã chạm vào họ. Và bạn biết chuyện gì đã xảy ra không? Mặc dù không bị nhựa cây Urushi chạm vào nhưng vùng da tiếp xúc lại đỏ lên và có có triệu chứng dị ứng.
Vậy là khi tâm trí tin tưởng mạnh mẽ rằng “Da mình từng bị đỏ lên rồi ngứa dữ dội khi bị dị ứng nhựa vây Urushi" thì chỉ với suy nghĩ đó, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách gây ra dị ứng. Thật đáng ngạc nhiên phải không nào?
Thế thì đặt trường hợp có một đứa trẻ nói với bạn rằng “Chân con đau!", thì bạn sẽ làm gì?
Trước tiên, bạn sẽ kiểm tra vết thương ngoài và nếu không tìm ra bất kỳ vết thương có thể nhìn thấy nào thì bạn sẽ cho trẻ đi khám bác sỹ vì nghĩ rằng có thể có tổn thương ở xương hoặc cơ bắp phải không nào? Tuy nhiên, nếu vẫn không tìm thấy bất thường nào kể cả sau khi chụp X-quang thì sao? Nếu ai không biết về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể thì hẳn sẽ nói trẻ rằng “Con tưởng tượng thôi phải không?", hay “Sẽ sớm hết đau thôi mà!" và làm ngơ cơn đau của trẻ.
Tuy nhiên, nếu biết về mối liên hệ này thì bạn có thể sẽ hiểu rằng “Có khi nào nguyên nhân của cơn đau không nằm ở chân mà là ở tâm trí của bé?", hoặc “Có thể đó là tín hiệu SOS từ trẻ khi trẻ không thể dễ dàng thể hiện những bất ổn trong tâm trí mình?". Như vậy là bạn đã có một cách khác để suy nghĩ chiều hướng vấn đề rồi. Trên thực tế, đã từng có trẻ nói mình bị đau bụng và đi khám bác sỹ nhi khoa, và sự thật là đứa trẻ đó đã bị bắt nạt ở trường.
Tất nhiên, trẻ vẫn có thể khóc vì đau chân thật. Việc chữa trị y tế được thực hiện bởi con người, nên đương nhiên cũng không thể hoàn hảo được. Có thể có một nguyên nhân khác gây đau chân mà không thể thấy được bằng tia X.
Liên quan đến những cơn đau trên cơ thể thì có rất nhiều trẻ phàn nàn về những cơn đau ở chân. Khi trẻ nói mình bị đau chân vào sáng sớm hay từ chiều tối đến đêm (trong lúc ngủ), hoặc không phải đau suốt mà đau một cách không đều đặn như là 1~2 lần/tháng, hay 1~2 lần/tuần thì có thể đó là chứng “đau trưởng thành". Điều này bắt đầu từ lúc trẻ khoảng 3 tuổi và tiếp tục cho đến khoảng 12 tuổi – khi chân đã phát triển đầy đủ.
Nếu cơ bắp trẻ bị mệt và cảm thấy đau và khó chịu vì ban ngày trẻ đi bộ hay chạy nhiều, bạn có thể xoa bóp hay mát-xa chân cho trẻ. Ngoài ra, cho trẻ nằm ngửa với gối kê cao ở chân cũng sẽ giúp trẻ giảm đau.
Và điều quan trọng là, không có căn cứ y học nào cho hiện tượng “đau cơ do sự phát triển của xương và cơ bắp". Các bác sỹ ngoại khoa chỉnh hình cũng nhận thấy đây có thể là cơn đau do tâm lý (cơn đau âm ỉ). Nếu đó là bệnh do tâm lý thì ngoại khoa không phải là chuyên khoa đúng để chữa trị.
Vậy thì, bác sỹ tốt nhất cho một đứa trẻ khóc do bị đau chân chính là bố mẹ trẻ đấy. Hãy tỏ ra gần gũi với cơn đau của trẻ bằng cách nói những câu như “Đau như vậy con khó chịu lắm đúng không?", “Bố/mẹ không biết tại sao con bị đau nhưng rồi sẽ hết đau thôi. Không sao đâu con!", hay “Cơn đau kia, mau biến đi nào!"; bạn cũng nên thỉnh thoảng chạm vào con, nhẹ nhàng vỗ về với hy vọng làm dịu cơn đau chẳng hạn. Vì tâm trí và cơ thể luôn được kết nối với nhau nên khi trái tim của trẻ được chữa lành thì “cơn đau" cũng có thể tự nhiên biến mất.