Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh (SBS) và cách ngăn ngừa

Vào tháng 2/2020, tòa án đã phán trắng án trong một phiên tòa ở Nhật Bản.

Bị cáo trong phiên tòa là một người cha đã rung lắc con gái đầu lòng 1 tháng tuổi của mình dẫn đến cái chết của cô bé do bị tổn thương nặng.

Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh (SBS) là gì?

Bộ não của em bé vẫn rất mềm và dễ bị tổn thương hơn người lớn nghĩ. Hơn nữa, đầu của em bé khá to so với cơ thể. Nếu bị giữ thẳng đứng so với mặt đất và lắc mạnh qua lại sẽ khiến cổ em bé giống như một cây roi và áp một lực quay lớn lên não bộ của bé. Làm như vậy có thể làm rách các mạch máu và dây thần kinh xung quanh não nên rất nguy hiểm.

Năm 1971, một bác sĩ người Anh đã đặt tên cho việc làm em bé bị rung lắc dữ dội và gây tổn thương nghiêm trọng cho não là “Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh" (Shaken Baby Syndrome, viết tắt là “SBS").

SBS được chẩn đoán khi có ba triệu chứng trên đầu em bé là tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết võng mạc và phù não, trừ khi trẻ rơi xuống từ độ cao 3 mét trở lên hay gặp tai nạn giao thông.

Các biện pháp chống SBS của Nhật Bản

Bên trong đầu em bé rất mỏng manh vì đang trong tình trạng phát triển qua từng ngày. Lắc mạnh có thể để lại những di chứng nghiêm trọng như suy giảm ngôn ngữ, khuyết tật học tập, đi lại khó khăn và mù lòa, và trong trường hợp xấu nhất là tử vong. Do đó, Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ em bé khỏi bị rung lắc.

Vào năm 2013, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã đăng tải một video dễ hiểu về cơ chế phát sinh cùng ảnh hưởng và cách chăm sóc trẻ sơ sinh để ngăn ngừa SBS.

Ngoài ra, SBS đã được đề cập trong những cuốn Sổ tay mẹ và bé (母子手帳) và các tờ bướm dành cho phụ huynh được làm ra để nâng cao nhận thức về nó.

Đọc đến đây, chắc sẽ có các vị phụ huynh nghĩ rằng “Vậy là không được đung đưa để dỗ em bé rồi" hay “Vậy thì mình sẽ không chơi trò “Bay cao, bay cao" (cho tay vào nách trẻ sơ sinh đã giữ vững cổ và trẻ nhỏ rồi bồng xốc lên cao) với con nữa", đúng không nào!

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các chuyển động như “ôm và lắc nhẹ" và “ngồi xe hơi (có rung lắc)" không dẫn đến tổn thương não của trẻ sơ sinh.

Vậy, khi nào biết được đó là SBS? Thường thì đó là các trường hợp lắc mạnh em bé theo hướng ra trước và sau trong khi cố gắng làm em bé nín khóc do bực mình và tức giận vì em không ngừng khóc. Nói cách khác, đa số các trường hợp này đều có nghi vấn về việc ngược đãi.

Tổng kết

Trên thực tế, trong vụ xét xử đã đề cập ở đầu bài viết, ban đầu người ta cho rằng “rất có thể thể đó là hành vi bạo lực của người cha". Nhưng cơ quan tư pháp đã tha bổng người cha vì thiếu bằng chứng thuyết phục rằng tổn thương não của bé gái đã chết là do bị người cha rung lắc.

Giống như vụ này, đã có những trường hợp đau đớn khi em bé khép lại một cuộc đời ngắn ngủi dù không bị lạm dụng hay hành hung. Không chỉ những người làm cha, làm mẹ như chúng ta, mà tất cả những người tham gia chăm sóc trẻ phải hiểu biết về đặc điểm của trẻ sơ sinh để bảo vệ được những sinh mệnh nhỏ bé không thể thay thế này.