Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) và cách phòng ngừa

Bạn có biết “Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh" (“Sudden Infant Death Syndrome", viết tắt là “SIDS") không?

Trước khi sinh con, các nữ hộ sinh tại bệnh viện tôi khám định kỳ đã mở “lớp học dành cho mẹ". Đó là lần đầu tiên tôi biết rằng SIDS là một trong những điều cần phải lưu tâm khi chăm sóc em bé.

SIDS là gì?

SIDS là “một hội chứng gây ra sự tử vong đột ngột ở trẻ em dưới 1 tuổi mà không thể dự đoán được dựa trên tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý của trẻ, và nguyên nhân không thể được xác định bằng các cuộc điều tra về tình trạng tử vong và giải phẫu". Cái chết đột ngột không có dấu hiệu thật đáng sợ phải không nào.

Theo dữ liệu năm 2018, có khoảng 60 trẻ sơ sinh tử vong vì SIDS ở Nhật Bản, đứng thứ tư trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh (đứng đầu là dị tật bẩm sinh, thứ hai là rối loạn hô hấp, thứ ba là tai nạn). Không có phương pháp phòng ngừa đáng tin cậy nào vì đó là những cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân. Nhưng tại Nhật Bản, có ba điều sau được lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Cách phòng ngừa SIDS

Cho bé nằm ngửa đến 1 tuổi (không cho bé nằm sấp)

Có vẻ như SIDS xuất hiện ở cả tư thế nằm sấp và nằm ngửa, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ bị SIDS cao hơn khi nằm sấp. Từ lâu rồi người ta vẫn hay nói “Cho em bé nằm ngửa thì đầu sẽ bị bẹp đầu như vách đá". “Bẹp đầu như vách đá" là cách nói so sánh vùng chẩm đầu phía sau không phình tròn ra mà bằng phẳng như là vách đá vậy. Để tránh tình trạng này, một số cha mẹ cố tình cho con nằm sấp.

Tuy nhiên, hiện nay việc nằm sấp không được khuyến khích do rủi ro cao. Hãy để bé nằm ngửa trừ khi bác sĩ chuyên khoa chỉ định nên nằm sấp vì một lý do nào đó. Bằng cách cho bé nằm ngửa, chúng ta có thể ngăn ngừa việc nghẹt thở trong khi ngủ của trẻ.

Cho con bú sữa mẹ hết mức có thể

Ai cũng biết nuôi con bằng sữa mẹ được biết là có nhiều lợi ích về dinh dưỡng và tinh thần cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, trẻ bú mẹ có tỷ lệ SIDS thấp hơn. Hãy chuẩn bị môi trường để có thể nuôi con bằng sữa mẹ càng nhiều càng tốt.

Không hút thuốc

Thuốc lá là một yếu tố rủi ro chính dẫn đến SIDS. Nếu người mẹ hút thuốc trong khi mang thai, em bé trong bụng sẽ khó tăng cân. Ngoài ra, nhiều chất độc hại trong thuốc lá có ảnh hưởng xấu đến trung tâm hô hấp của thai nhi.

Ngay cả khi thai phụ không hút thuốc mà trong gia đình có người hút thuốc thì sẽ xảy ra tình trạng hít khói thuốc thụ động. Và điều này chẳng tốt cho em bé trong bụng tí nào.

Cũng đừng hút thuốc lá gần em bé sau khi sinh. Điều quan trọng là làm cho mọi người xung quanh biết được mối liên hệ giữa SIDS và thuốc lá và yêu cầu người hút thuốc hợp tác.

Tổng kết

Chúng ta không thể hoàn toàn tránh được nguy cơ SIDS. Nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ khiến điều đó xảy ra. Khó khăn lắm đứa trẻ mới đến với chúng ta. Người lớn chúng ta luôn muốn tìm hiểu những điều cần phải lưu tâm để giúp trẻ em luôn phát triển khỏe mạnh và đưa ra những hỗ trợ phù hợp, phải không nào!