Dinh dưỡng cho con (tuổi dậy thì) – Đối với trẻ có chơi thể thao
Ngất xỉu khi đang tập luyện
Tôi đang là giáo viên dạy tiếng Nhật bán thời gian ở một trường trung học phổ thông. A là một trong những học sinh của tôi. Em tham gia câu lạc bộ Kendo. Một ngày nọ, em bị ngất trong lúc luyện tập và được đưa vào phòng y tế. Nguyên nhân là “Em đang kiêng bớt cơm”. Em ấy đã tự hạn chế lượng tiêu thụ dinh dưỡng của mình với sự ngộ nhận rằng để khỏe thì phải ăn nhiều rau và hạn chế thức ăn có carbohydrate.
Nguồn năng lượng cần thiết khi vận động
Đối với môn thể thao nào cũng vậy, việc không bổ sung các loại thực phẩm để tạo nguồn năng lượng hoạt động thể chất có thể dẫn đến mất khả năng chịu đựng và mất tập trung. Thức ăn chứa carbohydrate như cơm và bánh mì là không thể thiếu cho hoạt động thể chất. Carbohydrate được chuyển hóa thành các chất gọi là “glycogen" trong cơ thể và được lưu trữ trong cơ và gan để làm nguồn năng lượng cho quá trình tập luyện. Tuy nhiên, glycogen không thể được lưu trữ với số lượng lớn và phải được bổ sung từng chút một. Đó là lý do tại sao món chính của ba bữa trong ngày phải là cơm, bánh mì hay bún, mì.
Em A được nhắc đến ở đầu bài viết đã không biết điều này và tập luyện cao độ mà không bổ sung carbohydrate và kết quả là em ấy không thể tiếp tục do thiếu glycogen. Không chỉ có cô bé A mà mà các vận động viên tuổi học sinh đều thiếu kiến thức về mối quan hệ giữa dinh dưỡng và thành tích. Ngay cả khi không tập luyện thể thao thì tuổi dậy thì vốn là một giai đoạn phát triển chuyển tiếp và cần một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng hơn các lứa tuổi khác rồi. Luyện tập thể thao là một phần quan trọng trong cuộc sống của các con và chúng cần có một chế độ ăn uống chu đáo hơn.
Đồ uống có ga thì ngon đấy nhưng mà…
Một số huấn luyện viên của các câu lạc bộ thể thao hướng dẫn rằng “Không nên uống đồ uống có ga cho đến khi các em đã ngưng hoạt động ở câu lạc bộ." Các em thường có khuynh hướng cẩn trọng với thức ăn nhưng lơ là với đồ uống. Các em thường uống nước trái cây có ga vì nghĩ rằng nó cũng giống như nước uống thể thao thôi.
Phốt pho có trong đồ uống có ga có ảnh hưởng cản trở sự hấp thụ canxi. Ở Nhật Bản, học sinh ăn trưa ở trường cho đến hết cấp hai và hằng ngày đều có sữa trong bữa ăn nên các em vẫn nhận được một lượng canxi nhất định. Tuy nhiên, khi lên đến cấp ba, các em sẽ mang theo hộp cơm trưa tự nấu ở nhà. Thế nên nếu không có sự để ý kết hợp các sản phẩm từ sữa và cá nhỏ vào mỗi bữa ăn, các em sẽ bị thiếu canxi.
Tôi dạy khoảng 60-150 học sinh cấp ba mỗi năm. Và năm nào cũng có vài em bị gãy xương. Tất nhiên, nguyên nhân khiến xương của các em yếu đi không thể chỉ có đồ uống có ga. Tuy nhiên, nước trái cây có ga là thức uống quen thuộc được bán phổ biến ở các máy bán hàng tự động. Các em rất thích cảm giác ngon miệng của nước uống có ga cũng như sự đang dạng về hương vị của chúng. Xương của trẻ có vận động chịu nhiều gánh nặng hơn so với trẻ không tập thể dục. Giống như ví dụ về thiếu hụt glycogen nêu trên, người lớn cần phải có sự tư vấn và hỗ trợ thích hợp về chế độ dinh dưỡng cho các con.
Các bậc cha mẹ hãy hỗ trợ các con về mặt dinh dưỡng để những em có đam mê thể thao của chúng ta có tập luyện chỉnh chu và đạt kết quả tốt.