Để con tiếp cận với giáo dục giới tính một cách tự nhiên
Để mẹ kể con nghe một câu chuyện…
Năm ngoái, khu vực tôi ở mất điện một đêm vì bão. Thường thì nhà tôi xem ti vi hay chơi game từ chiều tối đến lúc đi ngủ. Nên bữa đó tự dưng nhà tôi lại được một bữa tối rảnh rỗi không có gì làm. Thế là sau khi ăn tối xongi, tôi liền cùng con lên giường và bắt đầu một bài giảng về chủ đề “Trước khi con được sinh ra” và “Từ khi con được sinh ra đến nay”.
Vị thính giả duy nhất là con trai tôi. Cu cậu đã mê mẩn lắng nghe vì lúc còn trong bụng mẹ và lúc mới sinh ra thì đã nhớ được gì đâu.
Thực trạng giáo dục giới tính ở Nhật Bản
Trong các quốc gia phát triển, Nhật Bản được cho là tụt hậu về giáo dục giới tính. Hiện tại, theo hướng dẫn học bộ môn “Sức khỏe” thì kiến thức về việc xuất tinh hay kì kinh nguyệt đầu tiên sẽ được dạy từ lớp 4 tiểu học. Nhưng về chương trình giảng dạy sau đó, vẫn có tranh cãi về việc có cần thiết phải dạy về quan hệ tình dục hay cách mang bao cao su ở bậc trung học hay không.
Ở Nhật Bản, chủ đề tình dục được xem là cấm kỵ trong một thời gian dài. Thế nên có những trường hợp mà chính những giáo viên giảng dạy lại không được giáo dục giới tính lúc còn là học sinh. Mà số ca tội phạm nhắm vào trẻ em và số ca mang thai ngoài ý muốn ở giới trẻ đang tăng lên và có những trường hợp trẻ em phải chịu những bất lợi không thể khắc phục do không có kiến thức về tình dục. Thế nên việc thăm dò và thảo luận đang được tiếp tục tại các trường học.
Nắm bắt cơ hội bổ sung kiến thức cho con
Hồi con tôi từ khoảng 1 tuổi, cu cậu đã theo tôi vào cả nhà vệ sinh. Vào khoảng đó, đứa nhỏ nào cũng “bám gót” bố mẹ rồi tập tành bắt chước hành động đấy mà. Thằng bé đã thốt lên “Ôi, mẹ ơi, mẹ bị chảy máu kìa!”. Thế là tôi may mắn có cơ hội dạy bé về kinh nguyệt một cách tự nhiên trong cuộc sống thường nhật luôn. “Lúc con còn nằm trong bụng, con ngủ trên một chiếc giường trong bụng mẹ đó. Để chiếc giường đó luôn mềm mại thì nó phải được thay thế. Những lúc thay thế như vậy thì máu chảy ra. Nhưng máu này không giống máu chảy lúc bị thương đâu nên mẹ chẳng thấy đau gì cả. Mẹ không sao con nhé”. Nghe giải thích xong, thằng bé lộ vẻ nhẹ nhõm và có vẻ hiểu được điều mẹ nói.
Sau này, lúc học lớp 2 vào giờ học môn đạo đức, khi đối diện với câu hỏi “Cái gì cũng bình đẳng thì có tốt không?”, cu cậu đã phát biểu rằng “Bởi vì các bạn nữ có một thân thể rất quan trọng để sinh em bé trong tương lai nên mình phải hết sức trân trọng từ khi các bạn còn nhỏ”.
Khi nói về “giáo dục giới tính”, thì người ta nghĩ ngay đến việc dạy cho trẻ biết về những đặc điểm cơ thể thay đổi khi đến tuổi dậy thì hay giao hợp và kiến thức tránh thai, nhưng tôi lại nghĩ những điều cơ bản chính là “sự quý giá của sinh mệnh”, hay “nuôi dưỡng ý thức tự khẳng định”, hay “tôn trọng người khác”. Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội mà dạy trẻ bằng những từ ngữ mà chúng có thể hiểu khi chúng có những nghi vấn như “Em bé đến từ đâu?”, “Tại sao ngực của mẹ to mà ngực của con lại bé?”.
Ở đoạn trên, tôi có nói về việc kể cho con nghe chuyện từ lúc con còn trong bụng mẹ cho đến hôm nay. Cũng không phải là kể hết trong một lần đâu. Khi trẻ lớn dần lên thì trẻ cũng sẽ lý giải được nhiều từ ngữ, nội dung và cảm xúc hơn. Thế nên, có cơ hội là tôi muốn con biết rằng “Mẹ đã rất chật vật ngay cả trước và sau khi con được sinh ra, nhưng mẹ rất vui vì con sinh ra là con của mẹ!”.