Ba mẹ nên biết về rào cản của bé ở giai đoạn lớp 4 tiểu học
Tôi từng là một nhân viên hỗ trợ giáo dục đặc biệt tại một trường tiểu học công lập. Đó là công việc theo dõi một kèm một với những đứa trẻ chậm học với tư cách là người hỗ trợ lớp học. Thông qua việc quan sát các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, tôi cảm thấy lớp 4 là một bước ngoặt cho những nỗ lực học tập của các em sau này.
Ở Nhật Bản, việc này thường được gọi là “bức tường năm lớp 4", nhằm chỉ thời kỳ bước vào tuổi dậy thì. Đây là thời kỳ các em thường xuyên có những va chạm với cha mẹ và bạn bè khi mà những khó khăn trong học tập và sinh hoạt tăng lên.
Tôi từng có cơ hội tiếp xúc với em Y, con thứ hai trong ba anh chị em trong một gia đình có bố và mẹ đều đi làm. Em đã không học tốt từ khi học lớp 2. Kể cả việc viết chữ cũng khiến em phải mất nhiều thời gian.
Em ghét phải nhớ chữ Hán, không làm bài tập về nhà và không sửa lỗi bài tập chữ Hán. Kể cả bài tập “đọc sách" (bài tập đọc của môn Quốc ngữ ), em cũng tự mãn rằng “Không đọc sách ở nhà thì em cũng đọc tiếng Nhật trôi chảy được mà?!" rồi cuối cùng không làm bài tập luôn. Tôi đã nghĩ rằng “Cứ như thế này thì sớm hay muộn gì em cũng sẽ không theo kịp chương trình học mất thôi!".
Khi em lên lớp 3, lớp 4 thì nỗi lo lắng của tôi trở thành hiện thực. Không kể đến môn quốc ngữ mà em vốn không học tốt, ngay cả môn toán yêu thích của mình mà em cũng không thể theo kịp lớp nữa. Về môn toán, em không thể làm toán chia. Điều này là do em đã không tiếp thu đầy đủ khi học về phép nhân ở năm lớp 2. Tất nhiên, trường học rất coi trọng phép nhân nên dù học sinh không thể làm phép nhân trực tiếp trong giờ học thì cũng được giao bài tập về nhà với dạng bài luyện tập hay toán đố về phép nhân. Thế nhưng em Y đã bỏ qua những bài tập đó.
Bố mẹ em thì quá bận rộn đi làm và chăm sóc đứa con út nên đã không thể quan tâm sâu sát khi em Y làm bài tập. Mà không chỉ có chuyện làm bài tập, có vẻ như họ phó thác hết mọi chuyện ở trường cho thằng bé. Đến lúc vào lớp 4, em không thể chia con số 3 chữ số cho số 2 chữ số nên chép luôn vở của bạn nào giải toán xong nhanh hơn rồi đem nộp. Quá bất ngờ, tôi đã ngăn Y lại, ghi ra một bài toán trên sổ tay và bảo em làm tại chỗ. Em đã nổi giận và nói “Em không làm được!". Lúc đó tôi mới hỏi thăm và biết được tình hình học tập và tình cảnh nhà em.
Chỉ cần lưu tâm kết nối với Y và chậm rãi luyện tập chung với em thì sẽ giúp em cải thiện được cả môn toán nhân hay môn chữ Hán tự hoặc cả những điểm yếu kém của mình. Tuy nhiên, đó lại là vai trò của bố mẹ em. Nếu em không học được thì lớp học sẽ dần trở nên nhàm chán. Và để giải tỏa căng thẳng của mình, Y bắt đầu giễu cợt giáo viên trong giờ học, tự ý rời khỏi bàn học rồi trêu chọc bạn bè. Cứ như thế, em tự cô lập mình trong lớp học khi trở thành “học sinh cá biệt".
Đến chừng độ tuổi lớp 4, trẻ đã có thể ở nhà một mình hay đi chơi với bạn bè sau giờ học. Việc phải chăm sóc trẻ mọi lúc mọi nơi có thể được tạm ngừng. Bố mẹ sẽ lại có thể làm việc như trước khi sinh con, chẳng hạn như đồng ý kéo dài thời gian làm việc tại sở làm. Tuy nhiên, thời kỳ lớp 4 tiểu học lại có thể làm cho cuộc sống của trẻ trở nên tồi tệ khi không thể theo kịp lớp do đã bỏ lỡ nội dung học tập, cũng giống như em Y vậy.
Khoảng thời gian trẻ học lớp 1 cũng vậy, việc vừa nuôi dạy con cái và làm việc thật sự là một vấn đề đau đầu. Thế nhưng trẻ sẽ phát triển về tinh thần và vô cùng trông đợi vào sự hiện diện của bố mẹ vào năm học lớp 4. Chính vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm hơn nhiều về cách đối xử với trẻ.