Giáo viên phụ đạo theo chương trình giáo dục đặc biệt ở Nhật
“Con tôi hay mất bình tĩnh nên cháu rất buồn bã. Dù ở lớp mẫu giáo hay trong bất kỳ tập thể nào cháu cũng tách ra chơi một mình. Tôi lo không biết cháu đi học rồi sẽ thế nào…". Đây chắc hẳn là nỗi muộn phiền của không ít vị phụ huynh. Con trẻ không hòa nhập được với mọi người trong chuyện học tập thật sự là điều rất đáng lo ngại.
Ở Nhật, hình thức “Giáo viên phụ đạo" theo một hệ thống giáo dục đặc biệt đã được triển khai từ học kỳ xuân (học kỳ 1) năm 2007.
Trong trường tiểu học ở Nhật, những giáo viên chủ nhiệm sẽ một mình đảm nhận tất cả các môn học cơ bản. Con trai của tôi học tiểu học ở trường công lập lớn nhất của địa phương, mỗi lớp học có trung bình 31 em. Như đầu chuyên mục đã đề cập, ở đó cũng có nhiều em khó hòa nhập với hoạt động tập thể hoặc những em có quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp này, một mình giáo viên chủ nhiệm rất khó quán xuyến hết việc dạy và hỗ trợ các em, có nhiều khi giáo viên không để mắt tới hết được. Hình thức giáo viên phụ đạo theo hệ thống giáo dục đặc biệt được áp dụng chính là để cải thiện tình trạng này.
Bản thân tôi cũng từng đảm nhận công việc giáo viên phụ đạo trong thời gian 3 năm (từ năm 2013) ở một trường tiểu học trong khu vực. Công việc chính là hỗ trợ những trường hợp đặc biệt trong giờ học, chẳng hạn như hướng dẫn riêng một em chép vào vở nội dung trên bảng từ chỗ chép đến nội dung cần chép, hoặc nhắc lại thật chậm rãi yêu cầu của hoạt động tiếp theo trong lớp. Có khi là chuẩn bị và dọn dẹp dụng cụ sử dụng trong tiết học như cầu ngựa. Đối với những em không thích hoạt động tập thể, một khi các em khóc hoặc nổi nóng thì tinh thần sẽ bất ổn, do vậy nhiều lúc giáo viên phụ đạo chỉ im lặng ở bên cạnh cho đến khi các em bình tĩnh lại.
Trong năm 2011, có 36.512 giáo viên phụ đạo cấp tiểu học và trung học được bổ nhiệm. Chỉ con số đó cũng đủ nói lên số trẻ cần đến sự hỗ trợ đặc biệt là không hề nhỏ. Điều kiện để trở thành giáo viên phụ đạo là tốt nghiệp đại học hệ 4 năm hoặc đại học ngắn hạn. Tuy nhiên, công việc không yêu cầu chứng chỉ sư phạm nên các bà mẹ có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ cũng như những phụ nữ có quan tâm sâu sắc đến giáo dục, dù không có bằng giảng dạy vẫn đang làm công việc giáo viên phụ đạo ở nhiều địa phương.
Tôi cũng xin chia sẻ với bạn đọc một kỷ niệm còn in sâu nhất trong lòng tôi. Năm đầu tiên làm giáo viên phụ đạo, tôi đã phụ trách một học sinh nam lớp 5 bỏ học. Em ấy rất hiếm khi đến lớp nên cực kỳ ghét những cái nhìn mang hàm ý “thằng ấy lúc nào cũng cúp học", “trường lớp còn không tới, thật tệ hại"… của bạn bè. Vì có nhiều việc không thể thực hiện trong phòng học, chúng tôi đã mượn bàn của phòng y tế để học cùng nhau. Tôi thảo luận cùng em, cùng em luyện viết, làm bài tập toán, thực hành thủ công hay tập nhảy dây… Tất cả đều cho em luyện tập theo sức mình. Thế là những ngày cúp học của em giảm dần, tuy chậm nhưng thực sự có giảm đi. Tháng 3 năm ấy – chỉ ít ngày trước khi trở thành học sinh lớp 6 cấp tiểu học, em đến trường được tận ba ngày liên tiếp. Trước ngày diễn ra lễ tổng kết năm học tôi nhận được thư của em, trong thư em viết: “Cảm ơn cô rất nhiều vì đã cùng học với em".
Xung quanh chúng ta có không ít những đứa trẻ “muốn đi học mà không được", “muốn học nhưng không thể". Học sinh có nhiều khi không thể diễn đạt thành lời nỗi khổ mà tự chúng không thể giải quyết được bằng sức mình. Nếu chính bạn đang muốn cho con em đi học ở một ngôi trường của Nhật mà gặp phải vấn đề nan giải như những đứa trẻ nói trên, đừng quên sự hiện diện của các giáo viên phụ đạo theo hệ thống giáo dục đặc biệt nhé!