Asakusa giữa lòng Asakusa (3) – Chính điện chùa Sensōji

Đã đến phần thứ 3 của loạt bài Asakusa giữa lòng Asakusa rồi. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu phần chính điện của chùa Sensōji nhé.

Toà chính điện này còn có tên khác là Quan âm đường (観音堂 Kannondō), do giữa chính điện thờ tượng Quan âm bồ tát (観音菩薩 – Kannon-bosatsu). Trong khuôn viên chùa còn có những dãy nhà khác, nhưng ở vị trí trung tâm là chính điện (本堂 hondō), có thể nói là trái tim của cả ngôi chùa.

Như từng giới thiệu trong một bài khác (Asakusa trong lịch sử Nhật Bản (1)), Sensōji là ngôi chùa có lịch sử lâu đời từ năm 628 CN.

Tương truyền lúc bấy giờ có hai anh em ngư phủ đương giăng lưới trên sông Sumida thì tình cờ bắt được tượng Phật. Bức tượng sau đó được người hào trưởng trong vùng mang về lập gian thờ cúng ngay trong vườn nhà mình, về sau trở thành chính điện chùa Sensōji.

Tất nhiên, toà chính điện hiện nay chúng ta nhìn thấy không phải là gian thờ thuở ban đầu ấy đâu. Nhật Bản là một nước lắm thiên tai nào động đất nào sấm sét. Rồi nhà cửa Nhật từ xưa toàn bằng gỗ, rất dễ hư hại khi có hỏa hoạn. Vào thời cận hiện đại còn có chiến tranh, gần như thiêu rụi cả Tokyo thành bình địa. Vì thế nên xuyên suốt lịch sử, chính điện chùa Sensōji bị hư hại phải xây đi xây lại không biết bao nhiêu lần. Căn cứ theo các ghi chép thì đến nay đã xây lại gần 20 lần rồi các bạn ạ!

Toà chính điện hiện nay được xây dựng vào năm 1958. Công trình chính điện trước đó được công nhận là di sản quốc gia đã bị cháy thành tro trong trận Oanh tạc Tokyo năm 1945. Chính điện hiện nay được xây mới bằng bê tông cốt thép để tránh những thiệt hại như trong quá khứ.

Lại nói, chính điện trước đây mái lợp bằng ngói đen hongawara nặng nề, đến năm 2010 đã được thay bằng loại ngói siêu nhẹ làm từ kim loại titan, chỉ nặng khoảng một phần ba ngói cũ mà thôi. Giờ thì dăm ba cơn động đất nho nhỏ xảy đến cũng không sợ ngói rơi tường đổ nữa.

Vẻ ngoài toà chính điện vô cùng ấn tượng, nổi rõ giữa không gian tấp nập của cả ngôi chùa. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến phần mái đồ sộ với dàn ngói san sát nhau trông uy nghiêm đến lạnh người, tương phản rõ rệt với hàng cột đỏ thẫm và bờ tường trắng phau bên dưới. Từ dưới lên đến chóp mái phải đến 30m: cao bằng cả một tòa nhà 10 tầng rồi còn gì. Nói đùa chứ trông chẳng khác gì hòn đá ta hay dùng để ép rau cải làm dưa muối, mà với kích thước khổng lồ! May là ngói màu xám nhạt thay vì xám đậm, chứ không thì nhìn như tòa nhà sắp bị đè bẹp đến nơi mất thôi. Màu xám nhạt khiến phần mái ngói tỏa ra một cảm giác lành lạnh. Không phải cái lạnh khô khốc của đá đâu, mà là một cảm giác mát lạnh bềnh bồng…

Bước lên bậc cấp ở mặt tiền rồi đi qua bên dưới chiếc đèn lồng đỏ to tướng là vào đến bên trong chính điện. Ở đây có treo bức hoành của một thư pháp gia thời Edo trông rất thanh tao.

Nhìn lên trần điện, bạn sẽ thấy bức hoạ vẽ hình rồng cùng một nàng tiên nữ đang múa giữa không trung, tay cầm những cánh hoa rơi lả tả. Nghe nói khách ngày xưa đến chiêm bái đều ngước lên nhìn tiên nữ mà cầu khấn, đến nỗi nảy ra bài senryū (một thể thơ ngắn giống haiku) hài hước như sau:

Ôi những lời cầu nguyện
tiên nữ nghe
mà lòng chán ngán.

(いろいろの 願いを天人 聞き飽きる)

Bỏ giày ra và tiến sâu vào bên trong gian phòng trải chiếu tatami, bạn sẽ thấy ngay chính giữa là khu điện thờ. Giữa toà chính điện nguy nga, đồ sộ mà gian thờ trông nho nhỏ thế thôi. Thế thôi nhưng cũng cao đến 6m, từ tường đến cột chống và phần mái, v.v. tất thảy đều dát vàng sáng loá cả mắt. Nhìn qua là biết đây là nơi quan trọng hàng đầu của chính điện. Mà cũng phải thôi, tương truyền nơi đây đặt pho tượng Quan âm tìm thấy vào thuở khai sinh ngôi chùa mà lại. À mà bạn biết không, tượng Quan âm này là bảo vật rất linh thiêng nên không ai được phép nhìn. Kể cả trụ trì chùa Sensōji cũng không được nhìn cơ đấy.

Chẳng cần nói chắc các bạn cũng biết chùa Sensōji là một thánh địa của Phật giáo Nhật Bản. Trang WAppuri chúng tôi chủ trương không ưu ái một tôn giáo nhất định nào nên trong bài chỉ điểm qua đôi nét lịch sử ngôi chùa một cách khách quan nhất có thể nhằm giới thiệu thêm bối cảnh và không gian trong nhà mà thôi.

Nói vậy nhưng ta không nghi ngờ thực tế là qua quá trình hơn 1600 năm từ khi truyền vào Nhật Bản, Phật giáo đã mang theo nhiều giá trị phong phú vào thế giới tinh thần của người Nhật. Và ngôi chùa Sensōji là một di sản văn hóa kết tinh từ những giá trị tinh thần người Nhật đã tích luỹ ấy. Hy vọng khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận được phần nào thế giới tinh thần của người Nhật nhé.