Bạn biết gì về lễ mở núi ở Nhật Bản – Lịch mở núi Phú Sĩ 2022

Theo thống kê, chiếm hơn 70% diện tích Nhật Bản là đồi núi, trong đó có đến 532 ngọn núi cao hơn 2.000m. Từ ngàn đời xưa núi non đã có vị thế quan trọng trong đời sống sản xuất cũng như đời sống tâm linh của con người nơi đây. Càng quan trọng hơn khi người dân xứ sở hoa anh đào đặc biệt xem trọng Thần đạo, mà gần hơn hết là tín ngưỡng thờ núi Shugendo.

Trong bài này, WAppuri sẽ cùng bạn ghé thăm ngọn núi được mệnh danh là biểu tượng của Nhật Bản và tìm hiểu thông tin về lễ mở núi Phú Sĩ năm 2022.

Núi Phú Sĩ

Là cái tên quen thuộc với bất kì ai trên thế giới mỗi khi đề cập đến xứ sở Phù Tang, núi Phú Sĩ (富士山 fujisan) cao 3776m, là ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

Núi Phú Sĩ nằm sừng sững trên địa bàn tỉnh Shizuoka trải dài đến Yamanashi, cách Tokyo 100km về phía Tây Nam. Núi cũng nằm trên vùng giao nhau của các mảng kiến tạo lục địa Á Âu, Philippines và Okhotsk.

Núi Phú Sĩ cùng với núi Tateyama, Hakusan được xem là ba ngọn núi thánh (三霊山 sanreizan) nổi bật cả về độ cao lẫn tính linh thiêng

Núi Phú Sĩ hiện vẫn được xếp vào nhóm núi lửa đang hoạt động. Những vùng xung quanh núi có nhiều địa điểm suối nước nóng nổi tiếng. Trải qua hơn 100.000 năm hoạt động địa chất và nhiều lần phun trào, núi đạt đến hình nón tuyệt đẹp hiện nay với đỉnh hầu như phủ tuyết trắng quanh năm. Điểm đặc biệt là dù nhìn từ góc độ nào, núi vẫn hiên ngang một hình dáng.

Núi Phú Sĩ được công nhận là di sản văn hoá thế giới vào 22 tháng 6 năm 2013. Chính sự công nhận này càng làm cho nơi đây thêm phần thu hút hàng trăm ngàn lượt người đổ về chiêm ngưỡng kỳ quan thắng cảnh có một không hai.

Ý nghĩa lễ mở núi

Lễ mở núi (山開き) là thời khắc đánh dấu người dân được phép lên núi lần đầu tiên trong năm. Từ thời xa xưa, núi non đều là vùng đất tâm linh, nơi trú ngụ của các vị thần tổ. Chỉ có những bậc danh sĩ, nhà sư mới được phép lên núi…

Vào khoảng giữa thời Edo (1603 – 1868), người dân mới được phép vào núi để chiêm bái Thần Phật. Song chỉ được giới hạn trong mùa hè. Cũng từ lúc này, lễ mở núi được tổ chức để kỷ niệm ngày đầu tiên người dân được lên núi. Đồng thời cầu chúc một năm thuận lợi, an toàn trong mọi sự nhất là leo núi.

Hiện nay, lễ mở núi vẫn được tổ chức ở nhiều nơi với cách tổ chức khác nhau và mang thông điệp khác nhau. Có những nơi tiến hành như một nghi lễ tôn giáo. Nhưng có nơi với mục đích đơn thuần như một sự kiện thể thao, thu hút du lịch.

Lễ mở núi Phú Sĩ

Núi Phú Sĩ khắp bốn mùa xuân hạ thu đông đều mang nét đẹp riêng hiếm có. Tuy nhiên, mùa hè vẫn là thời điểm thuận lợi nhất cho những ai muốn ghé thăm. Vào thời gian này, tuyết trên núi tan đi ít nhiều, trời mát mẻ thuận lợi và dưới chân núi là những cánh đồng hoa đủ loại sắc màu đua nhau khoe sắc.

Thêm một lý do mà bạn nên đi du lịch núi Phú Sĩ vào hè vì đây là lúc diễn ra lễ mở núi.

https://youtu.be/OFGsIk4jY1A

Lễ hội mở núi Phú Sĩ hằng năm được tổ chức hàng năm tại đền Fuji Asama (富士浅間神社) từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7. Nhiều quầy hàng xếp xung quanh điện thờ, thu hút hàng nghìn người tấp nập qua lại.

Vào ngày 30 tháng 6 tức ngày đầu tiên diễn ra sự kiện, ngay từ sáng sớm tinh mơ là “Lễ hội Manto”. Một thành viên trong hội Fujiko (hội người dân bản xứ tôn sùng núi Phú Sĩ) có nhiệm vụ cầm đèn, dẫn đoàn diễu hành quanh khu vực.

Vào ngày 2 tháng 7, bên bờ hồ Kawaguchi diễn ra lễ bắn pháo hoa. Hồ Kawaguchi vẫn thường tổ chức bắn pháo hoa vào các dịp lễ hội lớn, song ngắm những chòm pháo rực rỡ tỏa sáng trên nền trời Phú Sĩ vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời và không kém phần độc đáo trong lịch trình tham quan.

Để biết thêm thông tin chi tiết về lịch trình, các sự kiện hay tin liên quan đến núi Phú Sĩ, các bạn có thể truy cập vào đường dẫn bên dưới.

https://www.fujisan223.com/

Mặc dù là mùa hè, các du khách cần lưu ý sẽ có những cánh cửa và con đường lên núi bị đóng, không được phép lưu thông do tuyết lở hay vẫn còn trơn trượt thiếu an toàn. Ngoài ra cũng cần chú ý mang theo các dụng cụ bảo hộ phòng ngừa phun trào và áo ấm, đèn pin, găng tay, v.v..

Có bốn tuyến đường lên đỉnh núi Phú Sĩ, và mỗi tuyến có một điểm xuất phát khác nhau.

Cách 1 Tuyến Yoshida: ga số 5 tuyến Fuji Subaru
Đi bằng đường mòn
Có nhiều xe buýt từ ga Kawaguchiko và ga núi Phú Sĩ (qua tuyến Fuji Subaru)
Ngoài ra còn có xe buýt đi từ Tokyo và Yokohama
Xe ô tô cá nhân bị hạn chế
*Trong thời gian này có xe trung chuyển từ bãi đậu xe phía bắc núi Phú Sĩ của tỉnh Yamanashi
Cách 2 Ga số 5 tuyến Subashiriguchi
Đi bằng đường mòn
Xe buýt leo núi từ ga Gotemba (qua tuyến Fuji Azami)
Xe ô tô cá nhân bị hạn chế
*Trong thời gian này có một tuyến buýt trung chuyển từ bãi đậu xe tạm thời ở Quảng trường Subashiri)
Cách 3 Trạm Gotemba
Đi bằng đường mòn
Xe buýt leo núi từ ga Gotemba (qua đường cái)
Xe ô tô được phép đi
Cách 4 Ga số 5, trạm Fujinomiyaguchi
Đi bằng đường mòn
Xe buýt leo núi từ ga Gotemba, ga Shin-Fuji, ga Mishima
Xe ô tô cá nhân bị hạn chế
*Trong thời gian này có xe trung chuyển từ bãi đậu xe công viên Mizugatsuka

Với người dân Nhật Bản, núi Phú Sĩ là niềm tự hào thiêng liêng, biểu trưng cho sự may mắn tốt lành. Nếu có đủ điều kiện, núi Phú Sĩ xứng đáng nằm vị trí đầu tiên trong danh sách tham quan của bạn khi ghé thăm đất nước xinh đẹp này. Đừng bỏ lỡ lễ mở núi độc đáo nhé.