Truyện cổ tích Nhật Bản – Chú tiểu Ikkyu-san

Có khá nhiều những câu chuyện cổ tích Nhật Bản từng lấy hình tượng của những nhân vật có thật rất đỗi quen thuộc với người dân đương thời làm hình mẫu cho nhân vật chính của câu chuyện.

Và phim hoạt hình anime “Ikkyu-san" nổi tiếng thế giới của Nhật cũng là 1 phim anime với kịch bản dựa trên câu chuyện cổ tích từng lấy người có thật làm hình mẫu cho nhân vật chính.

Tóm tắt câu chuyện Ikkyu-san

Ngày xửa ngày xưa, vào thế kỷ 15, khi mà Nhật Bản vẫn còn đang trong thời kỳ Muromachi, đã từng có 1 chú tiểu tên là Ikkyu-san ngụ tại chùa Ankoku-ji (安国寺).

Ikkyu-san vốn là 1 đứa trẻ rất sáng dạ, đến mức đến cả người lớn cũng phải ngạc nhiên. Khi tiếng đồn vang xa, đã có nhiều người lớn tò mò đã tìm đến Ikkyu-san để thử thách trí thông minh của cậu.

Một ngày nọ, khi Ikkyu-san ra ngoài để đi mua đồ cho sư thầy, người chủ tiệm đã dựng 1 tấm bảng ghi “Cấm đi qua cầu này" (このはしをわたるな, đọc là “kono hashi wo wataruna", tấm bảng được ghi toàn bộ bằng bộ chữ mềm Hiragana) ở cây cầu ngay trước cửa tiệm. Như vậy nghĩa là, nếu không băng qua cầu thì sẽ không thể đến cửa tiệm được.

Chủ tiệm lúc đó tò mò nhìn xem Ikkyu-san sẽ làm như thế nào đây thì thấy chú tiểu này vẫn thản nhiên đi qua cầu như bình thường. Khi đó chủ tiệm đã hỏi rằng “Ta đã ghi là “cấm đi qua cầu" rồi mà, tại sao cháu vẫn qua vậy?" (trong tiếng Nhật, “cây cầu" đọc là “hashi", với chữ Hán là 橋), thì Ikkyu-san đã đáp lại rằng “Trên tấm bảng viết là “cấm đi qua mép cầu", thế nên cháu mới đi ở giữa cầu để băng qua" (“phía mép/bên cạnh mép" trong tiếng Nhật cũng đọc là “hashi", nhưng chữ Hán là 端, đây là từ đồng âm dị nghĩa).

Chủ tiệm lúc đó mới ngỡ ngàng nhận ra: “Đúng là vậy nhỉ!", rồi cũng phải ngả mũ chào thua.

Những câu chuyện tương tự như vậy về trí thông minh của Ikkyu-san cuối cùng cũng đến tai Tướng quân. Ngay lập tức, Tướng quân đã cho gọi Ikkyu-san đến trình diện để thử thách trí thông minh của cậu.

“Ta đang đau đầu vì con hổ trong bức họa bình phong này, cứ tối đến là nó lại nhảy ra khỏi bức tranh rồi quậy phá lung tung. Ngươi hãy bắt nó lại cho ta đi!"

Chú tiểu Ikkyu-san liền trả lời “Thần hiểu rồi!", sau đó đi chuẩn bị vũ khí và sợi dây thừng. Cậu nói “Thần sẽ bắt chú hổ này, nên Tướng quân hãy thả nó ra khỏi bức họa bình phong đó đi.".

Nghe vậy thì Tướng quân bèn cười thích thú rồi nhận thua rằng “Thôi được, ta thua rồi!".

Người Nhật có hẳn 1 tuyển tập gồm rất nhiều những truyện ngắn như thế này để kể về trí thông minh của Ikkyu-san luôn đấy!

Ikkyu-san ngoài đời thật

Dĩ nhiên là những câu chuyện này chỉ là những chuyện hư cấu được người dân kể sau này mà thôi. Nhưng Ikkyu-san ngoài đời thật cũng là 1 nhân vật rất xuất sắc.

Nguyên mẫu của nhân vật Ikkyu-san là 1 nhà tăng lữ có tên Ikkyu Soujun (一休宗純) từng sống vào thế kỷ 15. Vốn là người chẳng ưa gì việc nắm quyền hành, nên dù có nhận được bao nhiêu ấn khả từ sư thầy đi nữa, ông cũng vẫn một mực khước từ.

Ông cũng uống rượu, ăn thịt, và cũng từng có nhiều nữ nhân trong đời. Tuy tất cả đều là những hành động chống lại giáo lý Phật giáo, nhưng ông chấp nhận làm vậy là để phản kháng lại giới Phật giáo Uji với chế độ độc đoán, hoàn toàn mục ruỗng chỉ còn là hình thức lúc bấy giờ.

Cách sống nổi loạn, chống lại chính quyền này của ông đã thu hút được rất nhiều sự ủng hộ của người dân lúc đó. Xung quanh ông lúc nào cũng có rất nhiều người ủng hộ.

Có rất nhiều người ngưỡng mộ Ikkyu-san, kể cả sau khi ông đã mất, nên từ sau thế kỷ 17, người dân bắt đầu truyền tai nhau hàng loạt những câu chuyện kể về Ikkyu-san.

Những vùng đất liên quan đến Ikkyu-san

Ikkyu-san là người sinh ra và lớn lên ở Kyoto, nên phần lớn những nơi liên quan đến ông đều ở Kyoto.

1. Đền Jizou-in (地蔵院)

Ikkyu-san được sinh ra tại nhà riêng ở gần đền Jizou-in (地蔵院). Mẹ ông là thị nữ phục vụ cho Thiên Hoàng, và cũng rất được Thiên Hoàng để mắt đến. Thế nên cũng có lời đồn đại rằng, có khi cha của Ikkyu-san lại chính là Thiên Hoàng cũng nên.

Đền Jizou-in còn được gọi là chùa tre Takeno-tera (竹の寺), vì trong khuôn viên đền có 1 rừng tre rất đẹp, đồng thời có cả bức tượng mẹ con Ikkyu-san ở đây nữa.

Từ những ngày còn nhỏ cho đến khi 17 tuổi, Ikkyu-san được gửi cho chùa Ankoku-ji nuôi dưỡng, tuy nhiên chùa này ngày nay đã không còn nữa.

Địa chỉ 23 Kitano-cho, Yamada, Nishikyo-ku, thành phố Koyoto, Kyoto
Thời gian mở cửa 9:00~16:30
Ngày nghỉ Quanh năm không nghỉ
Phí vào cửa 500 yên
URL http://takenotera-jizoin.jp/
Cách đi Lên xe buýt từ ga JR Kyoto (JR京都駅), xuống tại trạm Koke-dera (苔寺), đi bộ thêm 3 phút

2. Đền Rokuou-in (鹿王院)

Đây là ngôi chùa nơi Ikkyu-san đến học tập vào thời niên thiếu. Vốn đây được gọi là chùa Houdou-ji (宝幢寺) – 1 ngôi chùa lớn với nhiều công trình kiến trúc trong khuôn viên, nhưng hiện nay chỉ còn sót lại duy nhất đền Rokuou-in.

Người sáng lập nên ngôi chùa này là vị tướng quân Ashikaga Yoshimitsu – người cũng đã từng xuất hiện trong những câu chuyện về Ikkyu-san. Mái vòm cung dẫn đến miếu thờ được tạo ra bởi hàng cây rợp bóng mát, tạo nên 1 cảnh chùa rất nên thơ.

Địa chỉ 24 Sagakitabori-cho, Ukyou-ku, thành phố Kyoto, Kyoto
Thời gian mở cửa 9:00~17:00
Ngày nghỉ Quanh năm không nghỉ
Phí vào cửa 400 yên
Cách đi Xuống trạm Rokuou-in (鹿王院) thuộc tuyến Keifuku Arashiyama (京福嵐山線), đi bộ thêm 3 phút

3. Chùa Kennin-ji (建仁寺)

Đây cũng là ngôi chùa mà Ikkyu-san từng theo học. Tuy Ikkyu-san nổi tiếng là 1 người không chịu giữ gìn những đạo luật trong Phật giáo, nhưng ông đã từng học tập rất chăm chỉ trước khi giác ngộ ra suy nghĩ cũng như cách sống của chính mình.

Chùa Kennin-ji đang sở hữu bức họa bình phong “Phong thần và Lôi thần" (風神雷神図) đã được công nhận là kho báu quốc gia. Ngoài bức họa này, nhưng khu vườn tược, tranh trên cửa trượt fusuma hay nhưng bức tranh trên trần của chùa cũng rất đáng chiêm ngưỡng đấy.

Địa chỉ 584 Shijoukudaru Komatsu-cho, Yamato-ooji, Higashiyama-ku, thành phố Kyoto, Kyoto
Thời gian mở cửa 10:00~17:00
Ngày nghỉ Quanh năm không nghỉ
Phí vào cửa Trong khuôn viên: miễn phí
Một số tòa nhà khác thì có thu phí
URL https://www.kenninji.jp/
Cách đi Lên xe buýt từ trạm JR Kyoto, xuống ở trạm Higashiyama Yasui (東山安井), đi bộ khoảng 5 phút

4. Am Shinju, chùa Daitoku-ji (大徳寺 真珠庵)

Phái Rinzaishuu (Lâm Tế Tông) – giáo phái mà Ikkyu-san từng theo – đã chia thành 2 phe phái nhỏ: 1 phe nắm quyền hành, còn phe kia thì lại xa rời chuyện quyền thế. Và ngôi chùa trung tâm cho phe chấp nhận xa rời quyền lực chính là chùa Daitoku-ji.

Ikkyu-san đã từng tu ở đây trong những năm ông 30 tuổi, nhưng sau đó ông cũng rời khỏi chùa và phiêu bạt khắp nơi.

Nhưng khi ông được 74 tuổi, chùa Daitoku-ji bị cuốn vào biển lửa chiến tranh khiến ngôi chùa này bị thiêu rụi. Sau cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, cuối cùng ngôi chùa này cũng được tái thiết lại, và khi Ikkyu-san được 81 tuổi, ông đã được chọn làm sư trụ trì của ngôi chùa Daitoku-ji này.

Khi ông lên làm sư trụ trì, ông đã cho xây dựng am Shinju. Khu vực này nổi tiếng với vườn tược và những bức tranh tường, nhưng bình thường sẽ không để công khai cho mọi người xem. Vào mùa Thu hàng năm mới tổ chức những dịp trưng bày đặc biệt.

Chùa Daitoku-ji không có website chính thức, nên nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về thông tin trưng bày thì hãy check trang web Xuân Thu tại Kyoto (京都春秋) nhé, website này có tổng hợp các thông tin trưng bày đặc biệt của các chùa đấy.

Địa chỉ 53 Daitokuji-cho, Murasakino, Kita-ku, thành phố Kyoto, Kyoto
Thời gian mở cửa 9:30~16:00
Ngày nghỉ Chùa Daitoku-ji thì quanh năm không nghỉ
Phí vào cửa Trong khuôn viên chùa Daitoku-ji thì miễn phí
Am Shinju: 1,200 yên
Cách đi Lên xe buýt từ trạm JR Kyoto, xuống tại trạm Daitoku-ji Mae (大徳寺前, nghĩa là “trước chùa Daitoku-ji"), đi bộ khoảng 7 phút

5. Chùa Ikkyu-ji (一休寺)

Đây là ngôi chùa nơi Ikkyu-san đã trải qua những ngày cuối đời. Ban đầu, chùa được gọi tên là Myoushou-ji (妙勝寺), và Ikkyu-san đã cho xây dựng lại những nơi bị tàn phá, sau đó sống ở đây cùng người yêu và dân làng xung quanh. Kể cả sau khi ông đã trở thành trụ trì của chùa Daitoku-ji thì ông vẫn sống ở đây, sau đó khép lại cuộc đời mình ở tuổi 88 cũng tại ngôi chùa này.

Người ta truyền tai nhau rằng câu nói cuối cùng của ông là “Mình chẳng muốn chết chút nào…". Quả đúng là câu nói đậm chất Ikkyu-san, một người được người dân yêu quý bởi chính bản thân con người ông, chứ không phải với tư cách 1 nhà tăng lữ.

Sau khi chết, Ikkyu-san đã được chôn cất tại chùa này, từ đó ngôi chùa cũng được gọi là chùa Ikkyu-ji.

Địa chỉ 102 Takigisatonouchi, thành phố Kyotabane, Kyoto
Thời gian mở cửa 9:00~17:00
Ngày nghỉ Quanh năm không nghỉ
Phí vào cửa 500 yên
URL http://www.ikkyuji.org/
Cách đi Lên xe buýt từ ga Shintanabe (新田辺駅) thuộc tuyến đường sắt Kintetsu (近鉄), xuống tại trạm Ikkyu-ji (一休寺)