Cần thay đổi đối tượng “so sánh”. Hãy dừng “so sánh” con bạn với bất kỳ ai khác!
Có những học sinh cấp ba làm cho người ta cảm thấy “Sao mà tối tăm", “Cứ thấy u tối kiểu gì… “. “Tối tăm", “u tối", hay nói rõ hơn là “Chằng mấy khi cười và thường trực một khuôn mặt không cảm xúc", “Có vô tình gặp ở hành lang thì đừng nói là chủ động chào mình, mà nếu mình chào thì cũng không chào lại”.
Khi hỏi những học sinh như vậy về môi trường gia đình và lịch sử phát triển thì có những trường hợp trả lời rằng: “Có anh hoặc chị ruột xuất sắc hơn", hay “Được nuôi lớn bởi bố mẹ xuất sắc hơn".
Thực tế, ngay cả ở trường cấp ba nơi tôi làm việc cũng có những em học sinh có những mối lo lắng như “Anh trai của em đã đậu trường TOP đầu còn em thì không", hay “Bố em xuất thân từ trường đại học nổi tiếng nên em cũng bị kêu là phải học trường đại học ngang bằng trường của bố". Lý do các em luôn đeo khuôn mặt ảm đạm và ít cười là vì việc “bản thân thua kém khi so sánh (hay bị so sánh) với người khác" luôn chiếm hết tâm trí của các em. Không phải là các em thích ảm đạm mà vì có nguyên do khiến các em không thể tươi sáng.
Chuyện là thế này. Tôi là chị lớn nhất trong ba chị em gái và tôi thì rất dở thể thao. Cứ cho là chỉ so với hai đứa em thì không đến mức bị nói là “tệ", nhưng trong số bạn bè cũng chẳng có ai dở thể thao như tôi. Trong lúc tôi cũng đang thấy mình thua kém thì lại nghe bố tôi ngao ngán rằng “Con đúng là chẳng giỏi thể thao gì hết ha?!" (Bố tôi chơi bóng chày suốt thời đi học và rất giỏi thể thao), thế là tôi lại tự lún sâu vào suy nghĩ “Ha… , mình là một đứa vô tích sự!".
Tuy nhiên, dù tôi không vận động tốt nhưng lại được đánh giá cao trong học tập. Thế là tôi đã quyết tâm học hành để bù đắp cho sự kém cỏi về vận động của mình.
Tương tự như vậy, các em học sinh mang cảm giác thua kém khi so sánh với người khác được đề cập ở trên cũng có một tài năng trong lĩnh vực nào đó ngoài học tập vượt trội hơn các bạn khác, như là “học lực thì chỉ xếp hàng giữa trong tất cả học sinh cùng năm nhưng lại vẽ tranh rất giỏi", “không có triển vọng gì là sẽ lọt vào một trường đại học nổi tiếng nhưng lại rất nhiệt tình trong việc dọn dẹp hàng ngày và các hoạt động tình nguyện".
Nếu các em thay đổi cách nhìn của mình một chút như thế thì sẽ cảm thấy tự tin hơn, và không phải dành thời gian của mình trong bóng tối ảm đạm như bây giờ. Dẫu thế thì tôi cũng thấy rất đáng tiếc cho những em không thể sống tươi sáng hơn vì những nguyên nhân như “quãng thời gian đắm chìm trong cảm giác thua kém khi so sánh bản thân với anh chị em và bạn bè đã quá dài", hay “chẳng biết từ lúc nào mà thói quen so sánh mình với người khác đã ăn sâu vào cơ thể rồi".
Vậy thì hãy tưởng tượng về con của bạn trong mười năm nữa xem. Bạn có muốn nó lớn lên trở thành một đứa trẻ tươi sáng, cười nhiều, thành thật và biết chào hỏi người khác trước không? Hay bạn muốn nó trở thành đứa con mà người gặp lần đầu sẽ có ấn tượng “Đứa trẻ này sao mà trông tăm tối và chẳng khỏe mạnh gì cả"?
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn so sánh mọi thứ với nhau để chọn ra cái tốt hơn. Vì vậy, bản thân việc từ bỏ so sánh đã là một chuyện rất khó khăn rồi. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi “đối tượng" được so sánh một cách có ý thức. Khi bước ra xã hội, người ta không quá coi trọng việc “có thể hay không thể" trong học tập hay vận động đâu. Thay vào đó, hãy để mắt tới những điều kiện mà trẻ sẽ được mọi người xung quanh yêu thích, như là trung thực, nhiệt tình hay khoan dung với người khác và nhìn ra những giá trị không thể cân đo đong đếm rồi khen ngợi trẻ. Hãy làm điều đó với suy tưởng là con cái chúng ta sẽ trải qua mỗi ngày đầy sức sống và tràn đầy nụ cười trong một “tương lai gần", bạn nhé!