Khám phá 13 loại vải nhuộm truyền thống Okinawa (1)
Tiếp nối chuỗi bài giới thiệu về Okinawa, hôm nay WAppuri sẽ đưa bạn đến với hành trình khám phá 13 loại vải nhuộm truyền thống của vùng đảo.
Không chỉ đơn thuần là chất liệu thời trang bản địa, vải nhuộm Okinawa còn là sự kết nối giữa con người và thiên nhiên qua hàng trăm năm, tạo nên các giá trị văn hoá độc đáo.
Trước khi được sát nhập vào Nhật Bản vào năm 1879, Okinawa vốn là một vùng đất độc lập gọi là Vương quốc Ryukyu (琉球王国). Do vị trí địa lý gần với các nước Đông Nam Á và Trung Hoa đại lục, văn hoá và kiến trúc của đảo phần nào chịu ảnh hưởng từ các quốc gia này. Kiến thức bên lề về lịch sử Nhật Bản – Vương quốc Ryukyu | WAppuri
1. Ryukyu Bingata (琉球びんがた)
Đặc trưng của dòng vải nhuộm Bingata là thể hiện những mảng màu và hoạ tiết đậm chất nhiệt đới.
Kỹ thuật chế tác Ryukyu Bingata cũng rất đặc biệt, chẳng hạn pha màu với nước đậu, tạo hiệu ứng 3D cho hoạ tiết hay phủ hồ hoạ tiết khi nhuộm nền vải, v.v.
Tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết:
Bingata – Nghệ thuật nhuộm truyền thống Okinawa
2. Yaeyama Jofu (八重山上布)
上布 (jōfu) là tên gọi chung của những loại vải dệt từ cây gai dầu, một trong các chất liệu may kimono mùa hè được yêu thích nhất tại Nhật.
Thật thiếu sót khi nói về jofu mà không đề cập đến Yaeyama Jofu – loại vải nhuộm được sản xuất tại chính vùng Yaeyama và cũng là di sản văn hoá phi vật thể của Okinawa.
Điểm đặc biệt của loại vải này là những hoạ tiết kasuri màu nâu sẫm nổi bật trên nền vải trắng.
Kasuri là một sáng tạo của nghệ thuật thủ công Nhật Bản. Nghệ nhân sẽ sử dụng sợi vải được nhuộm màu trước và khéo léo kết hợp chúng trong quá trình dệt để tạo ra các mẫu thiết kế.
Thêm một đặc điểm nữa chỉ có ở Yaeyama Jofu là vào công đoạn cuối cùng vải sẽ được ngâm trong nước biển khoảng 4 giờ đồng hồ. Cư dân địa phương cho biết đây là bí quyết giúp nền vải trắng hơn, đồng thời hoạ tiết cũng trở nên sắc nét.
3. Miyako Jofu (宮古上布)
Năm 1978, vải nhuộm Miyako Jofu trở thành Di sản văn hoá phi vật thể quan trọng của Nhật Bản.
Tiếp đến vào năm 2003, kỹ thuật kéo sợi gai dầu bằng tay cũng được đưa vào danh sách Những kỹ thuật cần được bảo tồn của quốc gia.
Thời gian để hoàn thiện một cuộn vải nhuộm Miyako Jofu thường được tính bằng năm vì toàn bộ quy trình đều được thực hiện thủ công. Thêm một lý do khác là phần lớn các nghệ nhân hiện nay đều đã lớn tuổi.
Để hình dung rõ hơn sợi gai dầu được làm ra như thế nào, mời bạn cùng tham gia vào hoạt động trải nghiệm của các em nhỏ tại vùng Miyako nhé!
Riêng ở bước nhuộm màu sợi, các đoạn kết hợp tạo thành hoa văn sau khi dệt sẽ được buộc sợi bông bên ngoài để tránh bị thấm màu nhuộm (kiểu nhuộm này còn được biết đến là Indigo)
Sau khi luộc và xả nước làm sạch, những tấm vải Miyako Joufu được bôi một lớp hồ. Tiếp đến, người thợ cần hơn 10 giờ đồng hồ dùng búa gỗ gõ thật mạnh lên bề mặt vải để giúp sản phẩm trở nên bóng loáng.
4. Kijoka Bashofu (喜如嘉芭蕉布)
Nói về chất liệu thời trang bản địa của Okinawa, không thể bỏ qua vải sợi chuối Bashoufu (芭蕉布), được cho là ra đời tại đảo từ thế kỷ XIII.
Để chạm thấu chất liệu độc đáo này ta nhất định phải tìm về với quê hương của nghề là vùng Kijoka nằm phía Bắc Okinawa.
Đến năm 1972, vải dệt sợi chuối cùng kỹ thuật sản xuất Bashofuđã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quan trọng của Nhật Bản.
Theo thời gian, sản phẩm Kijoka Bashofu (喜如嘉芭蕉布) với đặc tính hút ẩm cực mạnh và độ bền cao đã khẳng định được vị thế của mình trong thế giới của các nguyên liệu tự nhiên cao cấp.
So với các sản phẩm sợi khác, quá trình sản xuất sợi chuối phức tạp và cầu kỳ hơn rất nhiều. Tại Kijoka, tất cả đều được thực hiện thủ công với những quy định nghiêm ngặt từ chất lượng thân chuối đến tay nghề thợ dệt.
Về cơ bản, thân chuối sau khi thu hoạch được tước thành các lớp mỏng và đưa vào nấu sôi với dung dịch kiềm, bước này gọi là ūdaki (苧炊き).
Khi những lớp vỏ từ thân cây đã mềm và rã, người thợ bắt đầu se sợi. Sau đó là nhuộm màu cho sợi hoặc dệt thành vải.
5. Shuri Ori (首里織)
Dưới thời vương triều Ryukyu xưa, sản phẩm nhuộm Shuri Ori là một trong các chất liệu cao cấp nhất được dùng cho tầng lớp vua chúa và quý tộc.
Tương tự những loại vải truyền thống Okinawa khác, vải Shuri Ori cũng được thực hiện hoàn toàn thủ công.
Đặc biệt về hoa văn, vải Shuri Ori để lại dấu ấn với kiểu hanakuraori (花倉織) và rōtonori (道屯織).
Ở hoa văn hanakuraori, tông màu chủ đạo sẽ là vàng, xanh biển hoặc lam.
Còn rōtonori thì nghiêng về màu chàm hay nâu đất.
6. Yonaguni Ori (与那国織)
Khác với những loại vải trước, tất cả các bước sản xuất Yonaguni Ori đều do một người thợ đảm nhận.
Những sản phẩm dệt kiểu này được chia thành bồn loại:
Hoạ tiết hoa (与那国花織)
Hoạ tiết kẻ (与那国ドゥタティ)
Kiểu khăn tay (与那国シダディ)
Hoạ tiết hình vuông lệch (与那国カガンヌブー)
Chất liệu sợi được sử dụng cũng rất đa dạng, có thể là sợi chuối, sợi gai dầu hay sợi bông. Được biết, đến nay nghề làm vải Yonaguni Ori tại Okinawa đã hơn 500 năm tuổi.
7. Ryukyu Kasuri (琉球絣)
Ryukyu Kasuri sở hữu kho tàng hoa văn kasuri lên đến hơn 600 kiểu. Làng Haebaru, Okinawa được coi là quê hương của sản phẩm này.
Toàn bộ quá trình sản xuất Ryukyu Kasuri vẫn được thực hiện theo phương pháp thủ công nên một ngày thợ dệt chỉ có thể làm được từ 1 đến 2m vải.
Cùng quan sát toàn bộ quá trình thực hiện của các nghệ nhân Ryukyu Kasuri ở bên dưới, bạn nhé!
Vậy là một phần hành trình khám phá các loại vải nhuộm truyền thống Okinawa đã được hé mở. Quả thật, nguyên liệu có thể bình dị nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trên đảo, nhiều sản phẩm nhuộm cao cấp đã được ra đời một cách đầy bất ngờ.
Những thông tin thú vị xung quanh vải nhuộm địa phương tại Okinawa sẽ được tiếp tục gửi đến bạn ở kỳ sau, đừng bỏ lỡ nhé!