Bạn biết gì về Yakuza (2) – Những sự thật có thể bạn chưa biết
Ở phần 1, chúng ta đã được biết đôi nét về yakuza – tổ chức tội phạm đầy quyền lực tại Nhật Bản. Trong kỳ này, mời các bạn cùng khám phá thêm một loạt sự thật thú vị về yakuza.
1. Thi tuyển đầu vào
Khi muốn trở thành một yakuza chính hiệu, bạn phải trải qua một kỳ thi kiểm tra năng lực đầu vào. Các ông trùm muốn đảm bảo các thành viên yakuza tương lai đều là những người có hiểu biết. Trong thời đại mới, Nhật Bản ngày càng khắt khe siết chặt các tổ chức tội phạm. Để việc làm ăn có thể xảy ra một cách suôn sẻ, tránh sự dòm ngó của cảnh sát và chính phủ, các tân binh phải thi đầu vào trước khi được thu nạp.
2. Nghi lễ kết nạp thành viên
Nghi lễ kết nạp thành viên hay còn gọi là lễ nhập môn yakuza là một nghi thức thiêng liêng đối vocác thành viên mới.
Đầu tiên, các tân binh sẽ chích máu từ ngón tay trỏ của mình rồi nhỏ vào bức hình của các bậc tôn thờ.
Tiếp đến, bức hình được đốt trong lòng bàn tay khi người đó tuyên thệ lời thề trung thành với tổ chức.
Sau đó họ sẽ bắt đầu uống rượu sake trộn chung với muối và vảy cá. Người cầm đầu được đổ đầy ly còn tân binh thì được đổ ít hơn. Họ uống một chút rồi đổi ly và uống cạn phần còn lại của người kia. Việc đổi ly và uống cạn như vậy thể hiện thành viên thậm chí cả gia đình của thành viên sẽ hết lòng tận tụy với ông chủ.
Và một việc chắc chắn phải làm khi gia nhập tổ chức chính là xăm kín cơ thể!
3. Hạn chế sử dụng súng
Ở Nhật, việc tàng trữ và sử dụng súng trái phép là một trong những tội nặng nhất. Một cựu điều tra viên 25 năm kinh nghiệm cho biết: “Súng không giết người mà con người tự sát hại lẫn nhau. Tuy nhiên, súng giúp những kẻ sát nhân dễ thực hiện tội ác hơn rất nhiều. Đây là lý do Nhật cấm sử dụng súng và áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm.”
Điều tra viên nói trên cũng khẳng định ở Nhật Bản ngoài lực lượng quốc phòng, an ninh sở hữu súng hợp pháp thì chỉ có yakuza sở hữu súng. Tuy vậy ngay cả yakuza cũng rất ít động đến súng đạn vì hình phạt cho tội này rất đắt. Luật pháp Nhật hiện hành quy định rõ nếu một thành viên yakuza bị bắt khi đang mang súng đạn, y sẽ bị kết tội sở hữu vũ khí trái phép ở mức nghiêm trọng.
Vào ngày 26/12/1997, cảnh sát Nhật đã bắt Kaneyoshi Kuwata, ông trùm của băng đảng Yamaguchi-gumi khét tiếng, vì sở hữu vũ khí trái phép. Từ sự việc này, yakuza hầu như nói không với súng vì cho rằng súng là một quả bom nổ chậm, không biết sẽ phát nổ vào lúc nào.
4. Tạp chí của thế giới ngầm
Vào năm 2013, tạp chí Yamaguchi-Shinpo ra đời, ấn bản có 8 trang nhằm mục đích củng cố tình đoàn kết giữa các thành viên trong yakuza. Tạp chí được phát hành nội bộ và nội dung có một chuyên mục giải trí kể lại những chuyến đi câu cá của các ông trùm trong băng đảng, cùng thơ haiku và cờ shogi. Bên cạnh đó cũng có bài của ông trùm kể về thời kỳ khó khăn của tổ chức.
Do số lượng yakuza ở Nhật ngày càng giảm, phát hành tạp chí là một cách để nâng cao tinh thần cho những người đi theo con đường yakuza. Theo một chuyên gia về yakuza, mặc dù không được truyền bá rộng rãi, tờ tạp chí có khả năng lọt ra bên ngoài và điều đó có thể thay đổi ít nhiều cái nhìn của xã hội Nhật về yakuza.
5. Tự cắt ngón tay
Một điểm đặc biệt của đa số yakuza chính hiệu là ngón tay út ngắn hơn so với các ngón tay khác hoặc mất hẳn.
Đó là nghi thức cắt ngón tay (指詰め yubitsume) – một loại hình phạt đặc biệt trong giới yakuza.
Việc cắt ngón tay sẽ bắt đầu từ ngón tay út bàn tay trái và cứ thế tiếp tục với các ngón tay khác mỗi khi phạm lỗi. Không chỉ đơn thuần đau đớn, việc mất ngón tay còn khiến cầm kiếm yếu đi, hạn chế khả năng phòng thủ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về thế giới ngầm của Yakuza thì có hai loại yubitsume.
Đầu tiên là shinu yubi nghĩa là ngón tay chết. Shinu yubi được thực hiện khi một thành viên yakuza phạm sai lầm. Thành viên yakuza tự lấy vải quấn ngón tay mình lại rồi dùng kiếm ngắn tanto chặt đứt ngón tay, dâng lên cho ông trùm như một cách tạ tội, tự trừng phạt chính mình.
Loại thứ hai là iki yubi, hay ngón tay sống. Ngược lại với hình thức trên, iki yubi nhằm mục đích hoà hiếu, giảm xung đột. Ngón tay bị chặt từ hình thức này không phải để chịu tội mà là để thoả hiệp, giải quyết một vấn đề nào đó. Iki yubi được cho là hình thức trung thành tột độ đối với tổ chức.
6. Không đơn thuần là tổ chức tội phạm
Có thể bạn chưa biết… yakuza cũng làm từ thiện. Bởi vì giúp đỡ kẻ yếu là một trong những tôn chỉ hoạt động của yakuza. Bên cạnh những hoạt động phi pháp không nhận được nhiều thiện cảm từ xã hội, sự thực là yakuza đã luôn đồng hành cùng người dân Nhật Bản đi qua các thiên tai, thảm họa.
Sau thảm hoạ kép động đất sóng thần 2011, nảy sinh tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm do người dân đổ xô mua hàng tích trữ, yakuza đã toả ra gom hàng, phân phát cứu trợ mọi người, đặc biệt họ còn mua cả đồ dùng cá nhân phụ nữ cho các chị em phụ nữ trong vùng động đất.
Đồng thời, khi có thông tin một số khu vực sơ tán xảy ra tình trạng hôi của, yakuza đã thành lập các nhóm bảo vệ tài sản và nhà cửa cho người dân. Dẫu vậy cũng có luồng dư luận cho rằng các băng đảng chỉ muốn đánh bóng tên tuổi của mình và kiếm chác trên các nghĩa cử đó.
7. Thi cử nội bộ – yakuza cũng cần nâng cao hiểu biết
Yakuza mà cũng có đi học với thi cử ư? Câu trả lời đáng ngạc nhiên là có.
Mọi người thường quan niệm rằng xã hội đen thì cần sức khỏe, độ lỳ lợm. Nhưng các ông trùm yakuza khẳng định rằng muốn trở thành một yakuza, các thành viên trong tổ chức phải hơn nhau ở cái đầu vì không phải bất cứ phi vụ làm ăn nào cũng sẽ đổ máu, đụng dao đụng kiếm.
Theo lệnh của các ông trùm, thành viên yakuza cũng phải học hành gian khổ và tham gia các kì thi quan trọng để đối phó với luật pháp ngày càng nghiêm ngặt. Điển hình như vào năm 2009, tổ chức đã đưa ra một bài thi sát hạch gồm 12 trang giúp cho các yakuza nắm rõ được các bộ luật liên quan nhằm tránh những sai sót gây bất lợi cho tổ chức.
Bài thi khá toàn diện với nhiều bộ luật khác nhau từ quy định về ăn trộm xe cho đến chất thải công nghiệp. Ngoài đánh giá năng lực thành viên, các ông trùm cũng muốn các thành viên yakuza có cái nhìn tổng quan về xã hội.