Dorei – chuông gốm Nhật Bản
Nhật Bản – đất nước thổi lên ước mơ và sự ngưỡng mộ cho hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới. Không chỉ nổi tiếng với nền khoa học – kỹ thuật hiện đại, Nhật Bản còn được biết đến với kho tàng văn hoá, nghệ thuật phong phú, với nhiều sản phẩm là kết tinh của trí tuệ và tính nhân văn.
Bên cạnh những cái tên đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới như kimono, origami, Nhật Bản còn rất nhiều sản phẩm nghệ thuật tinh tế còn ít người biết đến, có thể kể đến như dorei – chuông gốm Nhật Bản.
1. Chuông gốm dorei – lịch sử và ý nghĩa qua các thời đại
Chuông là một trong những vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, cũng như đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản. Trong các dụng cụ phát ra âm thanh của Nhật Bản, chuông được cho là loại có số lượng và chủng loại nhiều nhất.
Nhắc đến chuông, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các loại chuông gió (furin) hoặc những chiếc chuông làm từ thủy tinh hay kim loại. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết chuông gốm (土鈴, dorei) mới là thứ làm nên bề dày lịch sử của chuông Nhật Bản.
Thời đại Jomon – “Thần Lưu Âm”
Chuông gốm được tìm thấy trong các di tích cổ có từ thời Jomon trung kỳ (khoảng 5.000 – 4000 năm trước). Những chiếc chuông gốm thời đại này thường có hình tròn hay hình elip, được nung từ hỗn hợp đất sét, cát và xơ thực vật.
Từ thời đại này, chuông gốm đã mang một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống cho biết:
Thanh âm trong trẻo khi chuông được ngân lên gọi là Kandumaru Oto (神留まる音, “Thần Lưu Âm” hay Tiếng thần giáng lâm). Tiếng chuông trong những buổi lễ truyền thống này biểu trưng cho sự hoan hỷ của thánh thần đáp lại những lời khấn nguyện của con người.
Thời đại Edo – phước lộc từ thần phật
Đến thời Edo (1603 – 1868), chuông gốm bắt đầu thâm nhập nhiều hơn vào đời sống thường nhật qua việc các chùa, đền Thần đạo ban chuông gốm cho dân thường. Kể từ thời đại này, chuông gốm bắt đầu mang thêm nhiều nét ý nghĩa mới. Nó tượng trưng cho những ước nguyện của con người như gặp lành tránh dữ, tránh xa bệnh tật hay sự an lành. Từ đó, sự hiện diện của chuông gốm càng trở nên thân thuộc hơn với cuộc sống của người Nhật. Chuông gốm được treo trên cửa, được cài trên thắt lưng như những món bùa hộ mạng.
Hậu kỳ Edo – biểu tượng đặc trưng của vùng
Cuối thời đại Edo, khi nền kinh tế Nhật bước vào thời ổn định, người dân có cuộc sống thoải mái hơn, họ bắt đầu dùng những nguyên vật liệu gần gũi như đất để tự sáng tạo những loại đồ chơi cho mình. Từ thời đại này, cùng với búp bê gốm và nhiều sản phẩm gốm sứ khác, chuông gốm bắt đầu trở thành biểu tượng văn hoá, nghệ thuật của khu vực, phản ánh những quan niệm thẩm mỹ riêng của từng vùng miền trên đất nước Nhật Bản.
2. Một số loại chuông gốm dorei tiêu biểu ngày nay
Không đơn thuần là dụng cụ phát ra âm thanh, những chiếc chuông gốm ngày nay được thổi hồn với nhiều hình dạng đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo độc đáo và đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của con người. Các loại chuông gốm tiêu biểu:
Các loại chuông gốm hình người
Đa dạng với các loại chuông gốm mang hình dáng các nhân vật quen thuộc trong đời sống tâm linh, hay những nhân vật gắn liền với các lễ hội quan trọng của Nhật:
Các loại chuông gốm hình động vật
Một trong những hình mẫu tiêu biểu thường được đưa vào chuông gốm là những con vật quen thuộc trong cuộc sống của người Nhật như cá chép, cú mèo, rùa, thỏ.
Trong đó, đặc biệt được ưa chuộng có thể kể đến tạo hình 12 con giáp và linh thú – con vật đặc trưng cho một ngôi chùa, ngôi đền nào đó.
Các loại vật dụng sinh hoạt thường dùng
Đặc biệt không thể không kể đến những chiếc chuông gốm mang hình ảnh các vật dụng thường dùng trong các nghi thức tôn giáo như chuông, mỏ.
Ngoài ra, còn rất nhiều hình dạng chuông gốm mang những sắc màu đời sống đặc trưng của Nhật như lá phong, hoa anh đào.
3. Chuông gốm dorei – nét hấp dẫn trong cái mộc mạc
Trang trí tạo hình là một nét hấp dẫn có thể kể đến đầu tiên của chuông gốm. Những hình tượng trang trí mang đậm sắc màu Nhật Bản như búp bê hina, cá chép cùng những hoạ tiết trang trí đơn giản trên gam màu cơ bản tạo nên sự hài hòa trong sự mộc mạc của chuông gốm. Nét đẹp này làm say đắm không ít những người yêu nét đẹp truyền thống Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhắc đến chuông gốm không thể không nhắc đến âm thanh đặc trưng của nó. Tiếng rung của chuông gốm không ngân dài như của các loại chuông kim loại hay thủy tinh. Thanh âm của chuông gốm ngắn nhưng trong trẻo, mộc mạc, mang lại cảm giác bình yên, dễ gợi nhớ đến những hồi ức giản dị, thân thương. Điều đặt biệt là tiếng ngân của chuông gốm không chỉ khác biệt do hình dáng của mặt chuông hay do kích thước, số lượng viên bi gốm bên trong mà còn bởi sự khác biệt trong chất liệu đất của mỗi vùng đất. Có thể nói tiếng ngân cũng góp phần khiến chuông gốm trở thành đặc sản riêng của mỗi vùng miền.
Bạn có thể nghe thử tiếng chuông gốm trong video sau đây (từ 0:25) nhé.
Cùng với sự khác biệt trong âm thanh và tạo hình mô phỏng các sản phẩm đặc trưng của một khu vực, hay một linh vật tượng trưng cho một đền thờ, ngôi chùa nhất định, chuông gốm đang phát huy vai trò của mình như một đại sứ du lịch tại nhiều khu vực trên đất nước Nhật Bản. Không chỉ là một món quà độc đáo sau những chuyến đi, chuông gốm tựa như những chiếc chìa khoá mở cửa hồi ức giúp ta nhớ về những đặc trưng, kỷ niệm nơi ta từng đặt chân đến.
4. Có thể tìm chuông gốm dorei ở đâu?
Một điểm đến hấp dẫn cho những người muốn tìm hiểu về chuông gốm là Bảo tàng Chuông gốm Nhật Bản (日本土鈴館) tại tỉnh Gifu. Nơi đây đã được ghi nhận kỷ lục Guinness với số lượng chuông được lưu giữ nhiều nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản có rất nhiều làng gốm nổi tiếng như ở tỉnh Tochigi, tỉnh Hiroshima, v.v.. Nếu có dịp ghé qua các làng gốm này, bạn có thể chiêm ngưỡng chuông gốm và nhiều sản phẩm nghệ thuật từ đất nung đặc sắc khác.
Ngoài ra, chuông gốm cũng là món quà lưu niệm được ưu chuộng nên cũng không quá khó tìm khi bạn ghé thăm các ngôi chùa, đền Thần đạo hoặc khi dạo qua các cửa hàng lưu niệm tại các khu du lịch ở Nhật. Hãy thử thêm vào bộ sưu tập cho chuyến đi khám phá Nhật của mình với món quà mộc mạc, dễ thương này nhé.