Giai đoạn cuối của việc ăn dặm – Giai đoạn nhai thành thạo
Đây là sinh nhật 1 tuổi của con tôi! Thật sự rất xúc động luôn đấy!
Cơ thể mũm mỉm của em bé cũng đã trở nên thon dài ra và con đã có thể đứng và đi lại.
Từ trẻ sơ sinh đến trẻ nhỏ – “Giai đoạn nhai thành thạo"
Từ góc nhìn về việc ăn uống thì giai đoạn 12~18 tháng tuổi được gọi là “thời kỳ hoàn thiện việc ăn dặm" (hay còn được gọi là “thời kỳ nhai thành thạo"), đây cũng chính là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ sơ sinh sang trẻ nhỏ.
Lúc này, con trai tôi đã có thể truyền đạt cảm giác “Con đói", “Con muốn ăn cơm và đồ ăn nhẹ" bằng những từ như “Măm măm". Các ngón tay của con cũng dần trở nên khéo léo hơn để con có thể nhón và xé những thứ có kích thước nhỏ.
Nhịp điệu ăn 3 bữa 1 ngày cũng được điều chỉnh. Năng lượng và chất dinh dưỡng vốn lấy từ sữa mẹ hay sữa công thức giờ đã có thể được lấy từ các bữa ăn.
Kỹ năng trong giai đoạn nhai thành thạo
Lúc này con bắt đầu mọc răng hàm nên đã có thể nhai nuốt được thức ăn “có độ cứng mà cắt được bằng thìa nếu dùng sức một chút". Tuy nhiên lại rất khó quan sát từ bên ngoài. Có vẻ như dù cho thức ăn vào miệng rồi nhưng đôi khi em bé đang tập nhai cũng sẽ nuốt trọng luôn mà không nhai thức ăn quá cứng. Vì thế, bạn hãy quan sát kỹ cử động miệng và phân của bé để điều chỉnh độ cứng của thức ăn để con có thể cắn đứt được nhé!
Đây cũng là lúc con thể hiện hứng thú với các công cụ và muốn sử dụng muỗng nĩa. Cũng trong giai đoạn nhai thành thạo này, con tôi cũng bắt đầu muốn uống từ cốc giống với cốc của người lớn thay vì cốc trẻ em có ống hút và tay cầm hai bên.
Chú ý đến tư thế khi ăn của con
Và khi mà cơ thể con lớn lên cũng là lúc bạn phải chú ý đế tư thế lúc con ăn. Khi con ngồi, bàn chân con có chạm sàn hay mặt phẳng hỗ trợ không? Con có ngồi thẳng lưng không? Bàn phải đủ cao để khớp khuỷu tay kê lên được khi cánh tay con hơi đưa ra khỏi thân người.
Nêm gia vị nhạt. Coi chừng quá nhiều muối!
Con sẽ muốn ăn bất kì thứ gì ba mẹ đang ăn nhưng các loại thực phẩm giống y như của người lớn sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ tiêu hóa vẫn còn chưa phát triển của con.
Đặc biệt trong những năm gần đây, khi các căn bệnh gây ra do ăn quá nhiều muối đã được coi là một vấn đề thì WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã đặt mục tiêu 5g muối cho mỗi người lớn mỗi ngày. Trong khi đó, lượng muối trung bình mỗi người dân Nhật Bản sử dụng mỗi ngày lên đến 10,1g (Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội – Báo cáo Khảo sát dinh dưỡng và dức khỏe quốc gia 2018). Nói cách khác, chúng ta đang ăn quá nhiều muối trong chế độ ăn thường ngày và được cảnh báo “nên ý thức về việc giảm lượng muối". Chính vì thế, nếu bạn cho bé ăn theo cảm giác (khẩu vị) của người lớn thì sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lượng muối mà bé hấp thu quá nhiều.
Tại Nhật Bản, lượng muối tiêu chuẩn cho bé trai từ 1 đến 2 tuổi là dưới 3.0 mg mỗi ngày. Thế nên, tốt hơn hết là nên cẩn thận với việc nêm nếm bằng gia vị ngay cả vào giai đoạn cuối của việc ăn dặm, bạn nhé!
Các chất dinh dưỡng dễ bị thiếu hụt
Với những gia đình nuôi con bằng sữa mẹ, bé rất dễ bị thiếu sắt, canxi và vitamin D. Để bổ sung các chất dinh dưỡng, hãy lưu ý cho cá, thịt, gan, đậu nành, các sản phẩm từ sữa và nấm vào thực đơn ăn dặm của bé. Ngay cả những nhà nuôi con bằng sữa công thức thì nếu lượng sữa con uống bị giảm xuống thì cũng nên dùng thực phẩm cho trẻ em có kết hợp nhiều thành phần có chứa canxi và vitamin D.
“Ăn chính là sống". Hy vọng những em bé nhai thành thạo sẽ luôn lớn lên nhanh và khỏe mạnh nhé!