Sự kiện truyền thống Tanabata ngày 7 tháng 7 (2) – Trang trí

Trong bài “Tanabata (phần 1)“, tôi đã giải thích nguồn gốc của Tanabata tại Nhật Bản. Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu cụ thể cách thức Tanabata được diễn ra như thế nào.

Lí do trang trí cây tre

Vào lễ Tanabata, ở Nhật thường trang trí cây tre như những cây thông Noel. Và cách trang trí này đã bắt đầu từ sau thế kỷ 17.

Ở các đền thần, vào cuối tháng 6 sẽ tổ chức một buổi lễ được gọi là “Nagoshi no Oharai" (夏越の大祓, dịch nôm na là “Lễ thanh lọc lớn để vượt qua mùa Hè") để vượt qua cái nóng mùa Hè khắc nghiệt. Vào thời điểm đó, đền thần sẽ được trang trí bằng một chiếc vòng lớn gọi là “Chinowa" (茅の輪), có cột chống ở hai bên của chiếc vòng này, và tất cả đều được làm từ cây tre. Ngoài phố cũng sẽ trang trí mô phỏng theo, và từ đó bắt đầu lệ trang trí cây tre vào dịp lễ Tanabata.

Trang trí Tanabata

Trang trí cây tre bằng giấy thủ công. Chỉ cần có những tờ giấy đầy màu sắc, kéo và hồ là ngay lập tức có thể trang trí rồi.

① Mảnh giấy ghi điều ước (tanzaku)

Đó là một tờ giấy dài mảnh để viết chữ lên, người xưa thường dùng để ghi chú. Ở Nhật Bản vào ngày Tanabata, cũng như Ngưu Lang (Hikiboshi) có thể gặp được Chức Nữ (Orihime) thì mọi người cũng viết điều ước của mình lên mảnh giấy để điều ước có thể trở thành hiện thực.

Nói cho cùng thì đây cũng là một vật trang trí và rất dễ bị người khác nhìn thấy. Vậy nên thay vì viết những mong muốn nghiêm túc của cá nhân thì người ta thường viết những điều không gây phiền đến bất kì một ai, hay những lời ước hài hước đầy thú vị.

Nếu không có mong muốn cụ thể, người ta sẽ viết những khát vọng của mình và thể hiện quyết tâm của mình, hoặc viết những bài thơ như Waka và Haiku.

② Quần áo giấy (kamikoromo)

Một bộ quần áo làm bằng giấy origami. Cũng có khi người ta sẽ khéo léo tạo hình cả khuôn mặt nữa, để làm thành hình búp bê “Orihime" và “Hikoboshi".

③ Túi tiền (kinchaku)

Chiếc ví có kiểu dáng giống một chiếc túi xách cổ của Nhật Bản, được làm bằng origami.

④ Lưới giấy (toami)

Chiếc lưới đánh cá của ngư dân được tạo hình bằng giấy. Nếu được làm bằng giấy màu thì đẹp lắm đấy!

⑤ Giỏ rác (kuzukago)

Một giỏ rác nhỏ làm bằng giấy. Nó cũng đẹp như chiếc lưới giấy vậy.

⑥ Cờ đuôi nheo (fuki-nagashi)

Đây vốn là vật trang trí với tạo hình như một chùm sợi tua rua. Trong các lễ hội Tanabata lớn, người ta cũng làm cờ đuôi nheo lớn và để nó đứng một mình. Khi có gió thổi, phần đuôi sợi kia sẽ bay phất phơ trong gió rất nhẹ nhàng.

⑦ Dải treo Hishi (hishi-kazari)

Một dạng trang trí từ giấy thủ công được lấy cảm hứng từ dải Ngân hà.

⑧ Lồng đèn (chochin)

Một tạo hình từ giấy thủ công mô phỏng theo chiếc đèn của người Nhật xưa. Nhưng không dùng để thắp lửa được đâu nha!

Và vẫn còn nhiều cách trang trí khác được làm từ origami lắm. Cứ vào tháng 7 là các nhà dân, trường học, đến quảng trường thị trấn hay phố mua sắm cũng đều được trang trí rực rỡ. Nếu bạn có cơ hội đến Nhật vào thời gian này thì đừng quên chiêm ngưỡng thử nhé!