Độc đáo với phong cách “pha trà tiếp khách” của người Nhật

Ở các công ty Nhật, mỗi khi có khách đến thì người ta thường pha trà để tiếp khách. Mặt khác, quan niệm “pha trà là chuyện của phụ nữ", “pha trà là trách nhiệm của nhân viên mới/nhân viên hành chính" đã bén rễ sâu trong suy nghĩ của người Nhật. Tuy nhiên gần đây, ngày càng phát sinh nhiều bối cảnh người ta phải chú trọng việc tiếp trà, bất kể nam nữ, công việc hay chức vụ.

Pha trà tiếp khách vốn là quy tắc ngầm trong giới kinh doanh. Nhân viên trong công ty ai cũng cần phải thực hiện được.

Pha được một ấm trà ngon thật ra khó hơn nhiều người nghĩ, ngoài ra còn có những quy tắc nhất định trong cung cách mời khách. Trong chuyện mục lần này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những điều cần biết về quy cách pha trà tiếp khách căn bản.

Nguyên tắc cơ bản là hãy “pha trà"!

Thời nay có không ít người mê cà phê, nhưng để nói về trà tiếp khách thì đương nhiên phải nói đến “trà Nhật" phải không nào!

Hãy bắt đầu quy trình pha trà của bạn bằng việc xác định số khách cũng như số người đại diện cho công ty mình. Từ đó sắp đặt số cốc và đĩa lót tách tương ứng lên khay.

Tiếp theo, chuẩn bị cả khăn sạch để lau nếu nước trà bị vương ra.

Đến bước này thì bạn khoan hãy đặt cốc lên đĩa nhé, vì trà có thể bị đổ vương ra đĩa đấy! Đợi đến khi trực tiếp mang ra cho khách mới xếp đĩa và đặt cốc đã rót trà lên trên đĩa.

Trước đó, hãy rót một ít nước nóng vào cốc đã chuẩn bị để làm ấm cốc. Nếu cốc bị lạnh, trà rót vào sẽ nhanh chóng nguội đi và bị mất hương vị. Vì vậy nên giữ cốc hơi ấm để trà mang ra vẫn giữ được hương thơm và vị ngon.

Sau đây là bước pha trà. Cho lượng trà lá vừa đủ với số người uống vào bình, rót nước nóng và hãm trà trong khoảng 1 phút. Lúc này nếu dùng nước mới đun sôi trong ấm có thể làm vị trà bị chát. Vì thế nên để nước nguội bớt một chút hoặc dùng nước nóng trong bình đun bằng điện (khoảng 80 độ) để pha trà.

Khi rót trà vào cốc, không nên rót quá đầy. Tốt nhất nên canh lượng trà ở mức 7/10 dung tích cốc.

Thêm vào đó, thay vì rót từng cốc một, nên rót từng chút từng chút lần lượt từ cốc này đến cốc kia cho đến khi tất cả các cốc đều được rót đủ. Như vậy độ đậm của trà trong các cốc sẽ tương đương nhau. Nếu số người quá đông có thể rót mỗi lần cho 3, 4 người để trà không bị nguội đi.

Cần chú ý gì khi mang trà ra cho khách?

Hãy bưng trà ra bằng khay, nhất định phải cầm chắc bằng hai tay và chú ý không để trà bị đổ ra. Vị trí khay nằm thấp hơn ngực một chút.

Đến phòng tiếp khách hãy gõ cửa 3 lần, lên tiếng xin phép vào phòng và khẽ cúi chào. Dĩ nhiên ta sẽ mang trà cho khách trước rồi mới đến người của công ty mình. Đặc biệt, những vị có chức cao, những vị ngồi ở vị trí thượng toạ (ghế xa cửa ra vào nhất) phải được phục vụ trước. Sau khi mời trà khách, hãy bưng trà cho người của công ty mình theo thứ tự chức vụ từ cao đến thấp.

Cốc trà bưng ra phải để trên đĩa, đĩa đặt trên khay. Bưng khay bằng hai tay, vòng ra phía sau khách và đưa trà từ phía bên phải khách. Đừng quên đánh tiếng “Mời anh/chị" hay “Tôi xin phép",… để không làm khách giật mình.

Sau cùng, cúi chào một lần nữa và xin phép ra khỏi phòng, rồi nhẹ nhàng ra ngoài.

Hãy “tuỳ cơ ứng biến" theo khách!

Nếu dùng tách để phục vụ trà hoặc cà phê thay vì cốc, hãy để ý vị trí quai tách. Quai hướng về bên trái là kiểu Âu, hướng về bên phải là kiểu Mỹ (trong hình dưới là kiểu Âu).

Quai tách thì bên nào cũng được nhưng cán muỗng nhất định phải nằm bên phải. Ngoài ra, nếu phục vụ đồ uống đóng chai thì phải kèm theo ly giấy.

Còn rất nhiều quy tắc cụ thể hơn nữa, nhưng chuyên mục lần này sẽ chỉ dừng lại ở việc pha trà mời khách nói chung. Các bước trông có vẻ đơn giản nhưng thật ra việc pha trà đòi hỏi rất nhiều khả năng xử trí ở người mời trà.

Chẳng hạn, giữa lúc đang trao đổi danh thiếp hay câu chuyện đang cao trào mà đột ngột mang trà ra thì sẽ thế nào? Hay cốc và khăn lau, khi mang ra phải còn sạch sẽ mới không gây ra sự thất lễ lúc mời trà. Trong những cuộc hẹn, thương thảo kéo dài, cần nhận định được thời gian để mang cốc trà thứ hai ra. Những sự cân nhắc như vậy bạn đã nằm lòng hết chưa?

Khi pha trà cho khách, cần mang thành ý trong tâm niệm và luôn luôn chú ý đến tình hình hiện tại để có những phán đoán phù hợp, “tuỳ cơ ứng biến". Đó là một kỹ năng khi đi làm trong môi trường công sở, chính vì vậy cũng có thể xem là một kỹ thuật. Tích cực rèn luyện việc mời trà, thông qua đó tích luỹ kinh nghiệm và mẹo vặt cho bản thân cũng là cách để nâng cao tác phong làm việc đúng không nào!