Sự kiện truyền thống Nhật Bản – Lễ thành nhân
Trên thế giới có rất nhiều quốc gia, vùng dân tộc có truyền thống tổ chức nghi lễ đặc biệt để chúc mừng trong ngày “Lễ thành nhân", và Nhật Bản cũng vậy.
Một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày “Lễ thành nhân" từ ngày xưa đó là mặc trang phục truyền thống “Nguyên phục" (元服, trang phục của nam trong ngày lễ thành thân) và “Thường phục" (裳着, trang phục của nữ trong ngày lễ thành nhân) như một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên Nhật Bản.
Tiền thân của ngày “Lễ thành nhân" ngày nay chính là “Lễ hội thanh niên" để chúc mừng những người trẻ mới bước vào tuổi trưởng thành của tỉnh Saitama được tổ chức từ sau Thế chiến thứ 2. Ngày hội này đã tạo được hiệu ứng lan toả rất tích cực, chính phủ Nhật rất ấn tượng với sự kiện này và sau đó đã quyết định chọn ngày 15/1 hằng năm làm ngày “Lễ thành nhân" trên toàn quốc với mục đích nhân văn đó là “Đánh dấu bước ngoặt trưởng thành của đời người và mang trong mình tinh thần trách nhiệm với xã hội, sẵn sàng để đón nhận những thử thách mới".
Đến năm 2000, ngày tổ chức “Lễ thành nhân" đã được đổi thành ngày thứ Hai của tuần thứ 2 trong tháng 1 hằng năm.
Độ tuổi tham gia ngày “Lễ thành nhân"
Ngày “Lễ thành nhân" được tổ chức ở tất cả tỉnh thành ở Nhật, theo hình thức chính quyền địa phương sẽ gửi thư mời cho những người tham gia.
Hiện tại, pháp luật Nhật Bản quy định từ 20 tuổi sẽ được công nhận là người trưởng thành. Tuy nhiên, không phải cứ đủ 20 tuổi là sẽ được mời, độ tuổi sẽ được mời tham dự trong ngày “Lễ thành nhân" đó là những người bước qua độ tuổi 20 trong mốc thời gian từ ngày 02/04 năm trước đến ngày 01/04 của năm tổ chức.
Điều kiện về độ tuổi tham dự ngày “Lễ thành nhân" này cũng xuất phát từ quy định của hệ thống các trường học ở Nhật Bản: Những người sinh từ ngày 02/4 đến 01/4 sẽ học cùng niên khoá. Do đó, người ta cũng cân nhắc ít nhiều về việc nếu áp dụng độ cho độ tuổi tham gia ngày lễ “Thành nhân", ít nhiều cũng sẽ tạo cơ hội để các những người bạn cùng trang lứa có dịp để gặp lại nhau.
Ngoài ra, cũng có thông tin từ tháng 4/2022 chính phủ Nhật sẽ hạ độ tuổi trưởng thành là 18 tuổi. Nếu như thông tin mới này được áp dụng chính thức, cũng chưa thể biết được ngày “Lễ thành nhân" ở các địa phương sẽ có thay đổi như thế nào, nhưng hiện tại đa số các địa phương đều tổ chức ngày “Lễ thành nhân" cho độ tuổi 20.
Các hoạt động trong ngày “Lễ thành nhân"
Mặc dù không có một quy định cụ thể nào về trang phục trong ngày “Lễ thành nhân", tuy nhiên đúng như tinh thần của buổi lễ đó là “Một người trưởng thành với ý thức trách nhiệm cao" nên hầu như những người tham gia đều ăn mặc rất chỉn chu cho ngày này. Vest và kimono là những trang phục được chọn để mặc trong ngày lễ trọng đại này.
Đặc biệt, đối với trang phụ kimono của nữ nhiều người còn đặt may riêng để chuẩn bị cho ngày này hoặc mặc trang phục kimono gia truyền của gia đình mình.
Trong buổi “Lễ thành nhân", người đứng đầu địa phương và ban tổ chức chương trình sẽ có bài phát biểu chào hỏi, ngoài ra còn có bài phát biểu của các nghệ sĩ của địa phương đó cũng như là những màn biểu diễn hấp dẫn.
Mặc dù trên tinh thần chỉ là một buổi lễ với nghi thức đơn giản nhưng thật ra đây cũng chính là cơ hội để những người bạn cũ cùng trang lứa có thể gặp lại nhau và không ít những buổi họp mặt, họp lớp thời Tiểu học hay Trung học cũng được tổ chức nhân dịp này.
Địa điểm tổ chức ngày “Lễ thành nhân"
Tuỳ thuộc vào mỗi địa phương mà quy mô tổ chức sẽ khác nhau. Một số nơi thì tổ chức ở các hội trường công cộng, ở các thành phố lớn thì tổ chức ở những sân vận động lớn nơi diễn ra các buổi hoà nhạc hay thi đấu thể thao.
Cũng có rất nhiều địa phương tổ chức ngày “Lễ thành nhân" theo cách rất độc đáo, điển hình như ngày “Lễ thành nhân" ở thành phố Maihama của tỉnh Chiba được tổ chức tại Công viên giải trí Tokyo Disneyland và những người được mời tham gia có thể vào cửa miễn phí trong ngày này, ngoài ra còn có các nhân vật hoạt hình chuột Micky tham gia để chúc mừng trong buổi lễ.
Điều kiện được mời tham dự buổi lễ đó là những người trưởng thành có phiếu cư dân tại địa phương đó. Với trường hợp một số người chuyển nơi ở, tất nhiên họ sẽ được địa phương mới mời tham dự ngày “Lễ thành nhân", nhưng nếu muốn họ vẫn có thể tham gia buổi lễ của quê hương thời thơ ấu.
Những trường hợp như vậy thì không cần thiết phải thông báo chi tiết về việc có đến tham dự hay không. Bởi vì không có quy định về vé mời nên dù bạn không nằm trong độ tuổi này nhưng nếu nắm thông tin về thời gian hay địa điểm tổ chức bạn cũng có thể tham dự.
Tuy nhiên cũng tuỳ vào một số địa phương, có một số nơi cũng cần phải xuất trình chứng minh thư.
Ngày bạn nhận thức được rằng “mình đã là người trưởng thành"
Mặc dù nói rằng “Lễ thành nhân" chính là ngày bạn nhận thức được rằng “mình đã là người trưởng thành", nhưng những năm gần đây lại nổi lên vấn đề là 1 bộ phận những người trẻ tham gia lễ có những cách hành xử để lại ấn tượng rất xấu.
Một số hình ảnh không tốt trong ngày “Lễ thành nhân" như gặp lại bạn bè cũ nên nói chuyện vui vẻ quá trớn làm ồn đến những người xung quanh và trong cả các bài phát biểu của khách mời, hay thoải mái nói chuyện điện thoại, rồi ra vào hội trường một cách vô tội vạ gây nên tình trạng hỗn loạn của buổi lễ, đến nỗi hàng năm đều có tin tức về những vấn đề thế này.
Có lẽ không chỉ những người tham dự, mà tất cả chúng ta cũng đều nên xem rằng đây chính là ngày mà mỗi người cần nghiêm túc tự vấn lại bản thân về ý nghĩa thật sự của “ý thức của người trưởng thành".