Nhật Bản, thật đáng kinh ngạc! (1) Xử lý rác thải, gìn giữ môi trường xanh
“Mình đến Nhật lần đầu tiên vào độ cuối xuân, khi hoa anh đào nở rộ rực rỡ muôn nẻo đường. Không khí trong lành và thơm mát đến lạ.
Cho tới tận bây giờ, rời Nhật đã lâu nhưng hình ảnh những con đường nhỏ tinh tươm trong tiết trời se se lạnh, lất phất những cánh hoa anh đào vẫn in sâu trong ký ức của mình.”
Đó là tâm sự của một du học sinh đã từng có thời gian học tập và sinh sống tại Nhật. Và chắc hẳn, nhiều du học sinh hay người lao động từng sống ở Nhật cũng có ấn tượng như vậy.
Thật đáng kinh ngạc khi người Nhật có thể giữ gìn môi trường xanh đến thế.
Tưởng chừng như rất kỳ công để gìn giữ môi trường, ấy vậy mà bầu không khí trong lành ấy lại khởi đầu từ những việc rất nhỏ thường ngày trong nếp sống của người Nhật. Đều là những hành động rất đỗi bình dị, nhưng kết quả đem lại thật đáng kinh ngạc.
Hút thuốc ở nơi quy định
Bạn có biết? Ở Nhật, nếu hút thuốc ở những nơi không được phép, bạn có thể sẽ bị phạt đấy!
Ở sân bay cũng có phòng riêng để hút thuốc. Một số nhà hàng còn phân chia khu vực hút thuốc và không hút thuốc tách biệt với nhau.
Vừa đi đường vừa hút thuốc cũng là một hành động bị cấm, đặc biệt ở khu vực Shinjuku (Tokyo). Thuế áp lên thuốc lá cao khiến giá cả thuốc lá tăng theo. Hơn nữa, trẻ vị thành niên ở Nhật cũng không được mua thuốc lá. Nhờ đó mà số người hút thuốc cũng giảm đáng kể.
Cũng nhờ quy định cấm hút thuốc, chỉ cho phép hút thuốc ở một số nơi nhất định mà bầu không khí ở Nhật rất trong lành.
Điều mình nhớ nhất ở Nhật vẫn là những chiều thả bộ thong dong dưới hàng anh đào dọc bờ sông và hít thật đẫm làn gió mát mẻ, thanh khiết của tiết trời Nhật Bản đương xuân.
Mang rác về nhà, thiệt hả trời?
Đó là điều đầu tiên mình nghĩ khi lần đầu biết được việc ngoài đường không có các thùng rác công cộng.
Những con đường sạch sẽ không một bóng rác thì hẳn phải có nhiều thùng rác để người dân vứt rác đúng không? Nhưng thật nghịch lý là trên đường phố Nhật Bản chẳng có cái thùng rác công cộng nào cả!
Họa may có những thùng rác trong các cửa hàng tiện lợi để khách hàng có thể vứt bao bì, hộp, chai nhựa đã qua sử dụng.
Vậy thì phải xử lý rác của bản thân như thế nào khi bạn vẫn đang đi trên đường? Câu trả lời rất đơn giản: tạm bỏ vào túi xách, ba lô rồi… mang về nhà vứt.
Nghe thì có vẻ kỳ quặc nhưng hoá ra cách làm này giúp giảm thiểu một lượng rác lớn nơi công cộng, cũng giúp cho việc phân loại rác được thực hiện tốt hơn.
Lâu dần việc này tạo thành thói quen, rồi thói quen trở thành ý thức. Những việc nhỏ do mỗi người tự giác thực hiện lại có thể mang đến một kết quả bất ngờ.
Phân loại rác tại nhà
Sống ở Nhật thì cũng phải quen với việc tự phân loại rác tại nhà. Mà việc này rất đau đầu đối với những người lần đầu đến Nhật.
Những ngày thu gom rác được ghi vào lịch cố định, lại phân chia thành các ngày cụ thể sẽ gom những loại rác nào, bắt buộc chúng ta phải nhớ hết. Nếu nhầm lẫn thì sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
Ở Nhật, có rất nhiều loại rác cần phải phân chia để vứt riêng. Ví dụ như rác đốt được, rác không đốt được, rác lớn (như tủ lạnh, giường), rác độc hại (như pin), giấy và thùng carton, v.v.. Mỗi loại sẽ được thu gom vào một ngày khác nhau. Có loại được hu gom hàng tuần, có loại chỉ thu gom vào một ngày cố định trong tháng.
Với những người mới đến sống ở Nhật, việc phân loại và đổ rác theo lịch có thể gây bối rối. Chưa kể, mỗi quận lại có một lịch thu gom rác khác nhau. Mỗi lần chuyển nhà, bạn sẽ phải làm quen với lịch đổ rác mới. Để tránh việc vứt nhầm rác hay vứt rác nhầm ngày, nhiều người đã in lịch thu gom rác của quận ra dán trên cửa.
Một điểm nho nhỏ nhưng cũng lạ lẫm với những người lần đầu sống ở Nhật là cách xử lí các hộp giấy đựng sữa/nước uống. Với những hộp này, bạn cần phải súc rửa sạch và mở ra đập bẹp rồi mới được vứt.
Đối với chai nhựa, bạn cần vặn nắp rồi vứt riêng nắp và chai. Các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi ở Nhật được trang bị những thùng rác dành riêng cho nắp chai nhựa.
Đặc biệt, rác thải loại lớn như giường, nệm, tủ lạnh, lò vi sóng, v.v. cần được xử lí riêng. Bạn không được tự ý mang các loại rác lớn này đi vứt, nếu vi phạm sẽ bị phạt. Chắc không ai muốn phải lên đồn cảnh sát để giải trình hay bị phạt vì tình huống này đâu nhỉ?
Không cần tốn phí vẫn xử lý được rác cỡ đại?
Với nhiều du học sinh/người lao động làm việc ở Nhật, mỗi lần chuyển nhà/dọn nhà về nước thực sự là một cơn ác mộng vì có quá nhiều đồ đạc cần dọn dẹp. Bỏ thì thương mà vương thì tội. Có nhiều món đồ mới mua, muốn mang ra cửa hàng đồ cũ bán lại thì giá lại quá thấp.
Tuy nhiên, chỉ với một chiếc điện thoại, tải vài chiếc app là chúng ta có thể dễ dàng xử lý hết các loại rác cỡ đại trong nhà rồi, mà hầu bao lại rủng rỉnh thêm được một chút.
Ở phần này của bài viết, WAppuri sẽ giới thiệu với các bạn một số app và website thanh lý đồ cũ ở Nhật. Những app/website này rất dễ sử dụng, lại có thể thanh lý đồ đạc cực kỳ nhanh chóng. Các app nổi tiếng nhất có thể kể đến như Jmty, Mercari, hoặc trang Yahoo Auction.
Yahoo Auction
Yahoo Auction là một trang chuyên đấu giá các món đồ, người bán sẽ đăng món đồ mình muốn bán lên, người mua sẽ đấu giá để mua món đó.
Trải nghiệm đấu giá để mua hàng khá là thú vị. Người mua sẽ mua được món đồ mình quan tâm với mức giá phù hợp, còn người bán cũng cần phải bán món đồ yêu thích của mình với một cái giá quá rẻ.
Jmty
Jmty là app chuyên để mua bán những món đồ đã qua sử dụng. App này cho phép người mua và người bán chat trực tiếp để thương lượng giá tiền, thời gian, địa điểm mua bán.
Ngoài ra, app cũng cho phép người dùng tặng những món đồ đã qua sử dụng. Trên app Jmty có những món hàng với giá 0 đồng, đây là những món đồ được tặng. Bạn có thể dùng app để trao đổi và mang về những món đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn rất tốt.
Ngay cả tủ lạnh, ti vi, lò vi sóng, máy tính cũng được rất nhiều người tặng với giá 0 đồng. Nhờ Jmty, người tặng sẽ không mất phí xử lý rác cỡ đại, còn người nhận sẽ có thêm một món đồ hữu ích.
Mercari
Mercari cũng là một app thanh lý đồ dùng đã qua sử dụng phổ biến ở Nhật. Khác với Jmty, Mercari không có chức năng chat. Ở app này, người mua sẽ comment trả giá ngay dưới mỗi bài viết bán hàng.
Điểm nổi bật của app Mercari là người mua và người bán không cần trực tiếp gặp nhau để mua bán, trao đổi. Thay vào đó, sau khi thỏa thuận, người bán sẽ gửi hàng bằng dịch vụ chuyển phát cho người mua. App sẽ thu tiền trước từ người mua và tạm giữ cho đến khi người mua nhận được hàng ổn thỏa thì app mới chuyển tiền cho người bán.
Đây là một cách hay vì có thể hạn chế các tình huống mất mát, giao hàng kém chất lượng hoặc lừa đảo. App Mercari phù hợp với những người bán và người mua bận rộn, không có thời gian để giao dịch trực tiếp với nhau.
Kết
Chắc hẳn nhiều du học sinh hay người lao động đã từng trầm trồ, thậm chí lúng túng rất nhiều khi sống ở Nhật bởi việc xử lý rác thải có nhiều quy định khác biệt so với Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã thích nghi được, thì mọi người đều phải công nhận, những quy định này thật sự rất phù hợp để gìn giữ môi trường.
Như chúng ta đã thấy qua bài viết, việc bảo vệ môi trường của người Nhật xuất phát từ chính những thói quen nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Hành động nhỏ mang lại tác động lớn. Nhờ những hành động này mà môi trường ở Nhật Bản mới xanh – sạch – đẹp như vậy.
Còn các bạn thì sao, bạn đã bao giờ gặp rắc rối khi xử lý rác thải chưa? Hãy chia sẻ trải nghiệm cùng WAppuri ở phần bình luận nhé!