Lánh vào “cấm địa”
Nhật Bản đã vào tháng bảy rồi. Mùa mưa vẫn còn kéo dài. Mùa mưa năm nay mới đầu không mưa nhiều lắm, thế rồi sau đó lượng mưa bắt đầu tăng lên. Tuần trước, khu vực Kyushu mưa to như trút nước vậy. Gần đây, những cơn mưa lớn từ vài chục lên đến vài trăm milimet trong một giờ tương đối nhiều. Ở Nhật có rất nhiều dòng sông chảy xiết, do đó những khu dân cư nằm ngay bên sườn núi hay trong khu vực mới phá núi làm đất ở khi gặp những trận mưa lớn như vậy sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Có những ý kiến cho rằng nguyên nhân là sự nóng lên toàn cầu nhưng vẫn chưa thể chắc chắn được.
Ở Việt Nam cũng có mưa giông ấy nhỉ. Theo như tôi từng trải nghiệm thì mưa giông ở Việt Nam chưa mạnh đến mức thiệt hại gì nhưng thật ra thì sao?
Xin chào các bạn. Tôi là AY, người viết bài.
Các bạn đã bao giờ nghe đến từ “cấm địa” chưa? Những nơi này có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới; còn ở Nhật Bản, nó có nghĩa là khoảng không gian mang ý nghĩa tôn giáo như đền chùa, khoảng không gian đặc biệt do thần phật ngự trị, nên hay được dùng để chỉ những nơi không chịu sự bó buộc, can thiệp của sức mạnh thế tục. Chẳng hạn một người phạm tội ngoài đời, nếu trốn được vào đây thì có thể thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát hay quốc gia. Hay những “enkiri-dera” (“chùa dứt duyên”) nơi mà phụ nữ muốn ly hôn với chồng chạy trốn khỏi chồng và gia đình tìm đến, ở đó có thể cắt đứt mối lương duyên kia và xem như ly hôn.
Khái niệm này tồn tại ở khắp nơi trên thế giới, như trong Kinh Thánh có nói đến những “thành ẩn náu” ở Vương quốc Israel cổ đại được lập ra cho những kẻ phạm tội như là giết người đến trú ẩn để trốn tránh sự trả thù.
“Cấm địa” ở Nhật chính là những đền chùa có thế lực. Những nơi này được xem là “thánh địa”, ngày nay đương nhiên thuộc thẩm quyền của các lực lượng chức năng như cảnh sát, nhưng xưa kia thì hoàn toàn tự trị, bất khả xâm phạm, nằm ngoài mọi sự kiểm soát.
Một trong những “cấm địa” nổi tiếng ở Nhật là chùa Enryakuji (Diên Lịch Tự) ở tỉnh Shiga. Đây là chùa tổ của hệ phái Thiên Thai có phạm vi là toàn bộ núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn) cao 848m so với mực nước biển, nằm ở phía đông bắc của Kyoto, kinh đô Nhật Bản thời bấy giờ. Chùa Enryakuji từng là “cấm địa” hùng mạnh đến mức có cả lực lượng quân đội riêng, đến Thiên Hoàng cũng không dám xâm phạm. Ngay như một nhân vật từng nắm đại quyền cai trị đất nước như Pháp hoàng Shirakawa cũng đã phải thốt lên rằng “thế gian có ba thứ chẳng bao giờ theo ý ta: sông Kamogawa mùa nước lũ, số nút khi gieo súc sắc, và đám tăng binh”. “Tăng binh” ở đây chỉ lực lượng tăng lữ hùng mạnh của chùa Enryakuji, đến Thiên Hoàng cũng không thể ra lệnh cho họ được. Như vậy là đã hình thành một “cấm địa” ở chùa Enryakuji.
“Cấm địa” từng là một sự tồn tại rất đặc biệt, nhưng khi quyền lực nhà nước gia tăng, phạm vi của nó ngày càng thu hẹp, hiện nay thậm chí có thể nói rằng hầu như không còn nơi nào bất khả xâm phạm, không chịu sự ảnh hưởng của chính quyền như thế nữa.
Khái niệm này trong xã hội học và nhân học văn hoá rất được chú trọng, không biết ở các đền chùa Việt Nam có tồn tại kiểu “cấm địa” tương tự hay không? Những thắc mắc như thế khiến tôi ngày càng quan tâm đến Việt Nam hơn.
Xin kết thúc bài này tại đây.