Kazaguruma – chong chóng Nhật Bản
Thuở còn nhỏ bạn có từng mê mẩn ngắm nhìn những chiếc chong chóng xoay tròn trong gió không?
Nếu có dịp ghé thăm xứ sở hoa anh đào bạn sẽ bắt gặp những chiếc chong chóng ở nhiều nơi. Hôm nay, hãy cùng WAppuri khám phá vẻ đẹp của những chiếc chong chóng Nhật Bản kazaguruma muôn màu muôn vẻ và tìm hiểu một lễ hội đặc sắc có liên quan đến những chiếc chong chóng này bạn nhé!
Chong chóng kazaguruma
Kazaguruma (風車) nghĩa là cánh quạt xoay trong gió.
Những chiếc chong chóng xuất hiện từ rất lâu đời, ngoài mục đích vui chơi, kazaguruma còn được cắm ngoài đồng để xua đuổi chim chóc phá hại mùa màng và chỉ báo hướng gió.
Cách làm chong chóng khá đơn giản: bạn chỉ cần lấy một tờ giấy vuông, từ bốn đỉnh cắt vào giữa khoảng hơn nửa đường rồi uốn các góc lại, cố định tất cả các đỉnh vào chính giữa, kế tiếp bạn gắn thêm trục quay và tay cầm, thế là xong.
Ngoài ra có một số cách làm khác như xếp chồng hai cánh chong chóng lên nhau để tạo thành chong chóng có tám cánh. Vật liệu để làm chong chóng khá đơn giản và dễ kiếm: giấy, nhựa mỏng, ống hút, kéo, keo dán, v.v..
Cách chơi chong chóng là để ở những nơi có gió, chong chóng sẽ quay, tốc độ quay của chong chóng nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào hướng và tốc độ gió. Nếu điều kiện gió không thuận lợi lắm bạn có thể làm chong chóng quay bằng cách thổi nhẹ hoặc đặt trước quạt gió.
Các loại kazaguruma
Có rất nhiều loại kazaguruma đa dạng về kiểu dáng và màu sắc. Dưới đây là một số loại chong chóng kazaguruma tiêu biểu ở Nhật:
Chong chóng bốn cánh
Đây là loại chong chóng truyền thống được làm từ giấy origami. Bằng cách cắt giấy và tạo cánh chong chóng từ bốn đỉnh dán lại ở trung tâm bạn đã có ngay một chiếc chong chóng với những nguyên liệu có thể tìm thấy ở shop 100 yên, nhà sách.
Chong chóng tám cánh (yae no kazaguruma)
Loại chong chóng này thường xuất hiện ở hội trường vui chơi của các buổi vui chơi tình nguyện. Khu vực hội trường náo nhiệt được trang trí đẹp mắt với những chiếc chong chóng tám cánh. Nếu như chong chóng bốn cánh có cách làm khá đơn giản thì chong chóng tám cánh đòi hỏi bạn phải khéo léo hơn một chút. Chong chóng tám cánh được tạo nên từ hai tờ giấy origami chồng lên nhau.
Chong chóng hoa (hana no kazaguruma)
Loại chong chóng này được cải tiến từ chong chóng tám cánh. Tuỳ vào sự khéo léo, người làm chong chóng sẽ tạo ra chong chóng với những kiểu dáng đẹp mắt khác nhau. Ngày nay chong chóng hoa ít xuất hiện trong các sự kiện.
Chong chóng hoa anh đào (sakura no kazaguruma)
Chong chóng hoa anh đào cũng là một trong những loại chong chóng tiêu biểu Nhật Bản. Vào kỳ nghỉ xuân bạn có thể cảm nhận những đêm đẹp trời, hoa anh đào nở rộ ở khắp nơi thật đẹp. Còn gì tuyệt hơn nếu bạn có thể vừa đi bộ với chiếc chong chóng này vừa cầm trên tay những bông hoa anh đào và chụp những bức hình lưu niệm nhỉ?!
Nếu để ý kỹ, trên cờ cá chép (koinobori) cũng có lắp chong chóng buộc vào sợi dây, khi gặp gió chong chóng xoay tít, các chú cá cũng tung bay phấp phới tạo nên một khung cảnh ngoạn mục.
Chùa Bodaiji ở núi Osorezan
Đây là một điểm tham quan đặc biệt mà bạn có thể bắt gặp chong chóng. Cái tên osorezan được nghĩa là núi sợ hãi, lấy từ cảnh quan đặc biệt của ngọn núi. Khu vực có hoạt động của núi lửa và mùi lưu huỳnh luôn thoảng trong không khí. Cùng ngắm nhìn những bức hình chụp chong chóng ở ngôi chùa nổi tiếng này nhé!
Ở đền Kawagoe Hikawa, tháng 7 hằng năm là thời điểm du khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của con đường chong chóng. Bước đi dưới vòm cổng chong chóng, lắng nghe tiếng gió thổi hẳn sẽ làm bạn cảm thấy thư thái.
Lễ hội Kajimaya (Okinawa)
Bạn có biết ở Okinawa những chiếc chong chóng được gọi thế nào không? Kajimaya. Kajimaya cũng là một món đồ chơi trẻ em và có một bài đồng dao nổi tiếng dành cho trẻ nhỏ ở Okinawa có tên gọi Hana no kajimaya.
Lễ hội Kajimaya là một lễ hội nổi tiếng ở Okinawa. Ở đây vốn có phong tục tổ chức toshibi (lễ kỷ niệm năm sinh) 12 năm một lần cùng năm con giáp với năm sinh. Kajimaya là sự kiện kỷ niệm tuổi thọ của những người tròn 97 tuổi vào ngày 7 tháng 9 âm lịch, với biểu tượng chong chóng (kajimaya) quay biểu tượng cho sự trở lại thuở thiếu thời của người cao tuổi. Quả là một lễ hội mang nhiều ý nghĩa và đậm sắc màu truyền thống. Vào ngày diễn ra lễ hội, những người cao tuổi tham gia lễ hội sẽ tập trung lại bên những chiếc xe lễ hội trang trí đầy chong chóng. Trong không khí vui tươi, náo nức của lễ hội, mọi người sẽ đi và múa hát theo chiếc xe chong chóng trên lộ trình diễu hành của nó.
Tổng kết
Hành trình khám phá nét đặc sắc của những chiếc chong chóng của Nhật Bản đã chính thức khép lại. Còn nhiều chuyến đi khám phá khắp các miền đất ở Nhật Bản cùng những nét đặc sắc ở nơi đây chờ đón bạn ở chuyên mục Nhật Bản đó đây trên trang WAppuri. Hãy đồng hành cùng WAppuri trong những bài viết tiếp theo nhé!