Di sản thế giới của Nhật Bản – Chùa Horyuji
Horyuji (法隆寺 – Pháp Long Tự) là một ngôi chùa Phật giáo ở tỉnh Nara.
Chùa tương truyền do một nhân vật ở thế kỷ VII là Thái tử Shōtoku xây nên. Dáng vẻ ngôi chùa lúc đương thời năm 607 CN đến nay vẫn còn đậm nét. Suốt hơn 1400 năm, ngôi chùa đã chứng kiến biết bao thăng trầm theo dòng lịch sử Nhật Bản.
Khuôn viên chùa trải dài theo hướng Đông Tây, toà tháp năm tầng và gian chính điện bên phía Tây cùng với dãy hành lang bao quanh nổi tiếng là công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất thế giới. Năm 1993 đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới của UNESCO.
Lý do được công nhận là Di sản thế giới
Đầu tiên có thể kể đến là quần thể kiến trúc trong khu vực chùa đều là kiệt tác bằng gỗ. Kết cấu vững chãi, ổn định như thể chỉ cần ngắm là thấy lòng an yên.
Những công trình này đều được xây dựng vào thời điểm ngay sau khi Phật giáo truyền vào Nhật Bản. Kiểu kiến trúc này về sau trở thành chuẩn mực cho các công trình kiến trúc Phật giáo ở Nhật. Ngôi chùa thực sự là minh hoạ tiêu biểu cho sự dung hoà của văn hoá Trung Hoa đại lục, gốc truyền bá đạo Phật đến Nhật, với kỹ thuật xây dựng Nhật Bản tạo nên lối kiến trúc độc đáo.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của đạo Phật truyền vào Nhật Bản lúc bấy giờ cũng còn lưu lại rõ nét.
Dạo quanh chùa Horyuji
Quần thể kiến trúc chùa Horyuji có tổng cộng 125 công trình trong khuôn viên rộng đến 190.000m2. Trong số đó có 17 công trình được công nhận là bảo vật quốc gia, 35 công trình là tài sản văn hoá, trong các công trình cũng trưng bày nhiều hiện vật điêu khắc, hội hoạ, thủ công phong phú.
Nếu xem kỹ từng cái một, bạn sẽ không thể nào tham quan đủ một ngày. Vậy nên tôi sẽ giới thiệu với các bạn các điểm tham quan không thể bỏ sót nhé.
Cổng Nandaimon
Nandaimon (南大門 – Nam Đại Môn) là cổng chính của chùa Horyuji. Bản thân cánh cổng là một bảo vật quốc gia, nhưng bạn hãy để ý phiến đá bên dưới bậc tam cấp. Qua bao năm tháng nó đã bị bào mòn khá nhiều nên không rõ lắm, nhưng trông hao hao hình dạng một con cá.
Phiến đá này gọi là “taiishi” (鯛石), nghe bảo dù mưa to đến cỡ nào, cá cũng không vượt qua phiến đá này được, tức là nước không bao giờ dâng cao quá mức này.
Tây Viện Già Lam
Qua cổng Nandaimon tiến vào trong, bạn sẽ đến toà kiến trúc đồ sộ nhất chùa và cũng là quần thể kiến trúc gỗ cổ nhất thế giới – Tây Viện Già Lam (西院伽藍 – Saiin-garan).
Khi đến cổng Tây Viện Già Lam, trước hết hãy quan sát hàng cột trụ ở đó. Bạn có thấy khoảng giữa các cột hơi phình ra không? Hệt như kiểu trụ entasis ở các đền thờ Hy Lạp đấy!
Nghe đâu đây là kết quả truyền bá xưa kia từ Hy Lạp qua theo Con đường Tơ lụa nổi tiếng, nhưng chính xác thế nào thì không rõ. Từng có nhà nghiên cứu tự bỏ ra ba năm trời đi từ Trung Quốc đến Hy Lạp qua Con đường Tơ lụa để kiểm chứng nhưng không tìm thấy kiểu cột entasis ở nơi nào ngoài Nhật Bản và Hy Lạp.
Kiến trúc cột phình ở giữa kiểu entasis ở Nhật vào thế kỷ VII rất phổ biến, nhưng sang thế kỷ VIII thì không được sử dụng nữa. Thật là nhiều điều bí ẩn quanh kiểu cột trụ này.
Hai bên cổng là tượng thần Kim cang (仁王像 – niō-zō) xưa nhất thế giới còn lại đến bây giờ.
Qua cổng, bạn sẽ thấy gian Chính điện (本堂 – hondō) và toà Tháp năm tầng (五重塔) cũng thuộc loại xưa nhất thế giới còn sót lại. Đây là hai công trình biểu tượng của chùa Horyuji, đặc biệt đẹp dưới ánh hoàng hôn, thường trở thành đề tài hội hoạ và nhiếp ảnh.
Nhìn kỹ phía trên toà tháp năm tầng sẽ thấy có bốn cây liềm chĩa ra, có vai trò như cột thu lôi.
Có tục bói là khi nhìn lên các lưỡi liềm, nếu thấy chĩa lên thì là mùa màng bội thu, chĩa xuống là thất thu. Bạn nhìn thử xem thấy thế nào?
Đại Bảo Vật Viện
Đại Bảo Vật Viện (大宝物院 – daihoumotsuin) là bảo tàng trưng bày tượng Phật và các bảo vật khác trong chùa Horyuji.
Nơi đây lưu giữ vô số bảo vật quốc gia nổi tiếng của Nhật Bản như tượng Bách Tế Quan Âm (百済観音– Kudara Kannon) đậm nét điêu khắc thế kỷ VII, tượng Mộng Vi Quan Âm (夢違観音 – Yumetagai Kannon) với phong cách thiết kế dung hoà Trung Hoa – Nhật Bản, tủ thờ trang trí bằng cánh bọ đá quý (玉虫厨子 – Tamamushi-no-zushi), v.v..
Bạn nào có hứng thú với mỹ thuật Phật giáo Nhật Bản đừng quên ghé qua xem nhé.
Đường qua Đông Viện Già Lam
Nếu có thời gian, bạn hãy qua xem quần thể kiến trúc Đông Viện Già Lam (東院伽藍– Tōin-garan) bên phía Đông. Trên đường đi vào mùa Xuân bạn có thể chiêm ngưỡng hoa sakura, còn mùa Thu thì là lá đỏ đấy.
Trên đường đi còn có vết tích hồ Yoruka (因可池 – yoruka-no-ike).
Có giai thoại kể rằng ngày xưa Thái tử Shōtoku sống ở đây, nghe tiếng ếch kêu ồn quá, ngài đã dùng bút chọt mắt một con ếch, về sau toàn bộ ếch trong hồ đều chỉ còn một mắt.
Hiện nay hồ không còn nữa, chỉ có tấm bảng cho biết nơi đây xưa kia từng là hồ thôi.
Nếu có bắt gặp chú ếch nào trong chùa Horyuji, bạn nhớ để ý mắt của nó nhé.
Mộng Điện
Điểm nhấn của Đông Viện Già Lam là công trình kiến trúc hình bát giác Mộng Điện (夢殿 – yumedono), xây dựng trên nền nhà Thái tử Shōtoku.
Sau khi Thái tử mất, gian nhà ngài ở trở nên hoang phế. Một nhà sư thấy cám cảnh đã cho dựng gian điện vào năm 748 để giữ hương khói cho ngài.
Trong điện có cái bệ lễ bàn (礼盤 – raiban) cho sư tăng ngồi, hằng năm đến tháng Hai nắng chiếu tới, người ta dựa vào số lượng giọt nước đọng trên mặt bệ mà bói xem năm đó nùa màng thế nào.
Xung quanh toà nhà còn đặt nhiều tượng Phật và hiện vật khác có liên quan đến Thái tử Shōtoku.
Tên gọi | Chùa Horyuji (法隆寺) |
Trang chủ | http://www.horyuji.or.jp/ |
Điện thoại | 0745-75-2555 |
Địa chỉ | 1-1 khuôn viên chùa Horyuji, thị trấn Ikaruga quận Ikoma tỉnh Nara |
Bản đồ |
|
Giờ mở cửa | 8:00 ~ 17:00 (trong thời gian 4/11 ~ 21/2 thì mở đến 16:30) |
Giá vé tham quan | Học sinh trung học trở lên: 1.500 JPY Học sinh tiểu học: 750 JPY |