Đặc trưng mùa đông Nhật Bản – Nét đẹp chỉ có trong mùa chuyển năm!
Đặc trưng mùa là những điều thể hiện rõ tính chất của mùa đó. Khi ta nghe đến một từ mà từ đó khiến ta liên tưởng đến mùa Đông thì từ ngữ đó, hay việc đó sẽ được gọi là đặc trưng mùa Đông.
Như tôi đã giải thích từ trước, Nhật Bản là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên bốn mùa phân chia rất rõ rệt. Theo sự chuyển mình của bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, phong cảnh thành phố, đồ ăn, thời gian ngày đêm hay nhiệt độ và độ ẩm cũng có sự thay đổi lớn, cùng với đó là tâm trạng của con người cũng thay đổi. Chính vì vậy, người Nhật Bản từ xưa đã hiểu rõ và sống cùng sự biến chuyển đó. Với ý thức thay đổi mùa đã tạo ra những điều đặc biệt của mùa Đông.
Để giới thiệu về đặc trưng mùa Đông Nhật Bản, tôi xin phép được chia ra làm hai phần. Phần một này chính là “Những sự kiện trong mùa chuyển năm".
Tổng vệ sinh
Gần đến cuối năm, việc mà hầu hết người Nhật đều làm chính là tổng vệ sinh nhà cửa. Đúng với tên gọi của nó, khác với vệ sinh nhà cửa bình thường, người Nhật trong ngày này sẽ xử lí hết những đồ dùng không cần thiết, làm sạch những nơi ít dọn dẹp, và dán lại các cánh cửa ngăn cách.
Tổng vệ sinh có lịch sử khá lâu đời, có lẽ đã bắt đầu từ thời Bình An (Heian) khoảng 1200 năm trước với tên gọi Susubarai (煤払い). Susubarai là phong tục với ý nghĩa đón vị thần năm mới mang đến mùa gặt thuận lợi và cuộc sống đầy niềm hạnh phúc một cách sạch sẽ nhất, mà đến tận bây giờ vẫn được duy trì ở nhiều miếu chùa.
Nhìn chung hầu như người Nhật Bản hiện nay không còn nhớ đến nguồn gốc của việc tổng vệ sinh nữa, nhưng luôn có cùng một ý nghĩ dọn dẹp sạch sẽ để đón một năm mới may mắn. Nếu đón năm mới mà chưa dọn dẹp sạch sẽ, phải chăng là sẽ còn điều gì đó luyến tiếc chăng?
Kì nghỉ Đông
Kì nghỉ Đông là kì nghỉ dài trong mùa Đông mà học sinh hay nhân viên đều được nghỉ. Các trường công lập sẽ được nghỉ hai tuần, còn các doanh nghiệp được nghỉ đông 1 tuần. Ở châu Âu tuy có nghỉ ngày lễ Giáng sinh nhưng lại không có kì nghỉ Đông, năm mới cũng chỉ được nghỉ ngày 1/1 và ngày 2 lại phải đi học lại rồi, còn ở Việt Nam cũng có kì nghỉ dài vào ngày Tết, nên có thể nói kì nghỉ Đông là điều khá đặc trưng của Nhật Bản.
Đối với học sinh hay người đã đi làm thì kì nghỉ Đông thực sự rất vui, nhưng nó không dài bằng kì nghỉ Hè và do là thời điểm chuyển giao năm mới nên cảm giác trôi đi rất nhanh. Với học sinh năm cuối cấp 2, cấp 3 thì phải lo cho kì thi chuyển cấp nên kì nghỉ Đông như thời điểm để các sỹ tử có thể ôn luyện cho kỳ thi sắp tới.
Món quà cuối năm
Món quà cuối năm là món quà mang ý nghĩa cảm ơn những người đã giúp đỡ suốt một năm vừa qua và mong cũng nhận được sự chiếu cố trong năm mới. Thời xưa, đối tượng gửi quà sẽ là những người đã giúp đỡ mình, cấp trên, hay đối tác, nhưng thời nay, không còn phân cấp xã hội trên dưới nên những món quà gửi đến người thân, bạn bè cũng ngày càng phổ biến.
Quà cuối năm không nhất thiết phải được định sẵn. Có thể là bánh kẹo phương Tây hay bánh kẹo Nhật Bản, là cà phê hay rượu, là thịt hay cá đều được. Và tất nhiên, sự lựa chọn lí tưởng nhất vẫn là những món quà được suy nghĩ thấu đáo cho đối phương như đồ chơi trẻ em cho gia đình có em bé, hay những thực phẩm ít muối cho người cần chú ý đến sức khoẻ. Nói như vậy nhưng nếu tặng món quà đắt tiền sẽ khiến đối phương cảm thấy ngần ngại, khách sáo đấy. Vì thế, thay vì tặng những món quà đắt tiền thì món quà có thể dễ dàng sử dụng sẽ khiến đối phương thấy vui hơn. Giá trị món quà có thể giao động ở mức 3000 đến 5000 yên.
Khi tặng quà cũng cần phải để ý một số điều. Ngày trước, từ ngày 13/12 (được gọi là ngày bắt đầu chuẩn bị cho năm mới) đến ngày 20/12 là thời gian thích hợp để tặng quà. Nhưng ngày nay, thời gian đó không còn giới hạn nữa, có rất nhiều người gửi quà từ cuối tháng 11 hay quá ngày 20/12. Thế nhưng, ta nên tránh tặng quà sau ngày 25 bởi công việc chuẩn bị cho năm mới lúc đó sẽ trở nên bận rộn.
Tiệc tất niên
Tiệc tất niên là bữa tiệc cùng vui vẻ với bạn bè đồng nghiệp vào thời điểm cuối năm. Đúng với tên gọi, đây là dịp để bạn cùng mọi người uống rượu, ăn những thức ăn ngon và quên đi một năm làm việc vất vả. Đó là buổi tiệc có thể “thả ga" mà không có bất kì rào cản nào.
Thường thì trong buổi tiệc, sau khi giám đốc nâng cốc bia, đứng lên và hô to “một năm vừa qua mọi người đã vất vả nhiều rồi!" thì mọi người sẽ cụng ly, ăn uống vui vẻ cùng nhau. Không chỉ là quên đi những vất vả của một năm mà còn là buổi tiệc “quên lễ nghĩa", bỏ qua tất cả vị trí cao thấp và thoải mái với nhau. Tuy nói như vậy nhưng nếu bạn cư xử quá vô ý tứ thì sau này sẽ không hay nên chúng ta cần chú ý nhé ^^.
Illumination (ánh đèn trang trí)
“Illumination" chính là việc trang trí quang cảnh đường phố với bóng đèn, đèn LED, cáp quang trên các biển hiệu, cây đường phố, vv … để tạo ra cảnh đêm bằng ánh sáng tuyệt đẹp như hình trên. Ở Nhật Bản, ánh đèn đường thường được trang trí cùng thời điểm với kỳ Giáng sinh, người dân xung quanh cũng tự trang trí bằng hàng trăm ánh đèn LED, các thành phố lớn của Nhật Bản như rực lên với nhiều màu sắc đỏ, xanh, vàng, trắng.
Bức ảnh ở trên là cảnh đèn đường được chụp tại trung tâm Tokyo – Omotesando (表参道). Có khoảng 150 cây xếp hàng dài hai bên đường, được trang trí khoảng 900 ngàn bóng đèn LED màu vàng champange suốt quãng đường hơn 1km khiến Omotesando như trở nên ấm áp và rực rỡ hơn bao giờ hết. Bạn có thể xem thêm ảnh tại website chính thức nữa đấy!
Những sự kiện trong ngày cuối năm là gì?
Ngày 31/12 cuối năm được gọi là ngày cuối năm (omisoka). Thời xưa, vào ngày cuối năm này thường được tổ chức những nghi lễ mang đậm tín ngưỡng liên quan đến vị thần tuổi tác. Phong tục này hiện tại đã dần bị lãng quên đi nhưng vẫn còn một số phong tục tồn tại trong cuộc sống của người dân Nhật Bản.
Ví dụ như phong tục ăn mì soba Toshikoshisoba trong đêm giao thừa. So với các loại mì soba khác, mì soba này dễ đứt nên có ý nghĩa là cắt đứt, quên đi những điều không may mắn trong một năm nay, chính vì vậy nên người Nhật Bản thường ăn mì soba này trong đêm giao thừa. Theo điều tra của năm 2018, có khoảng 50% người dân Nhật Bản ăn mì soba trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Chắc hẳn bạn đã hiểu lí do vì sao phong tục này lại được khắc sâu trong đời sống người Nhật rồi đúng không!
Ngoài ra, vào đúng 0h đêm 31/12 sẽ có sự kiện đánh 108 tiếng chuông. Vì đêm cuối cùng của năm là đêm giao thừa nên sự kiện này được gọi là tiếng chuông đêm giao thừa. 108 tiếng chuông được giải thích là trong mỗi người có tổng cộng 108 sự muộn phiền nên đánh lên 108 tiếng chuông có thể làm tan biến đi tất cả những sự muộn phiền đó. Nói như vậy nhưng cũng có những ngôi chùa đánh hơn 200 tiếng chuông. Rốt cuộc con người có tổng cộng bao nhiêu điều trăn trở nhỉ ^^.
Thêm vào đó, vì không ảnh hưởng đến các sự kiện tôn giáo nên người Nhật Bản thường xem cuộc thi hát Kohaku Utagassen (紅白歌合戦) trên tivi vào ngày cuối năm. Đây là chương trình âm nhạc lớn với hình thức thi đấu nam nữ, được phát sóng từ năm 1951 trên đài NHK vào 20:00 đến 23:45 đêm giao thừa mỗi năm. Vì gần như tất cả các ca sĩ nổi tiếng đều xuất hiện nên chương trình này được biết đến với lượng người xem rất cao. Cao nhất là lần thứ 14 (năm 1963) với 81.4% và thấp nhất là lần 66 (năm 2015) với 39.2%. Chính vì chiếm gần một nửa dân số nước Nhật theo dõi nên cũng từng được gọi là “chương trình quái vật" nữa đấy! Đây là thông tin chi tiết về chương trình Kohaku Utagassen lần thứ 69 vào năm 2018 này.
Bánh mochi và những món ăn trong ngày tết!
Ngày xưa, tháng đầu tiên của một năm, tức là tháng một, được gọi là năm mới. Nhưng hiện nay, khi nhắc đến năm mới thì chỉ có 3 ngày từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 1, 3 ngày này được gọi là 3 ngày tết. Ngày 1 tháng 1 là ngày đầu năm, được phân biệt rõ với hai ngày còn lại.
Vào ngày tết thường có các sự kiện để cảm ơn một năm cũ trôi qua bình an vô sự và chào đón một năm mới nhiều điều mới mẻ. Ví dụ, trong đó có phong tục làm đồ ăn đầu năm Osechi.
Từ “sechi" mang ý nghĩa là cột mốc quan trọng, là món ăn không thể thiếu trong cột mốc của ngày đầu năm. Chính vì vậy, dù có là những món ăn xa hoa đến đâu nhưng lại ăn vào dịp không phải ngày tết thì cũng sẽ không được gọi là Osechi đâu nhé! Bức ảnh ở trên là ví dụ điển hình cho món ăn Osechi, không phải nấu gì cũng được mà các món này sẽ được nấu theo nguyên tắc chế biến những món ăn mang lại điềm tốt lành cho năm mới. Thêm vào đó, cũng không phải cứ bày ra đĩa là được, mà phải xếp cẩn thận vào chiếc hộp hình vuông xếp khít vào nhau có tên Jubako. Nó mang nhiều ý nghĩa tôn giáo và nếu ăn Osechi theo cách như vậy có thể tin rằng một năm mới sẽ bình an.
Vào ngày tết, Osechi thường được ăn với Ozoni – món canh đầu năm. Đây là món canh được hầm từ nhiều loại rau củ cùng thịt như thịt gà, sau đó cho bánh gạo Nhật (mochi) vào và nêm nếm cùng gia vị xì dầu hoặc miso. Ozoni có lịch sử khá lâu đời, từ khoảng 800 năm trước thời Muromachi. Từ thời xưa, người Nhật Bản ăn Ozoni với mong muốn một năm mới mùa màng sẽ bội thu.
Hatsumode là phọng tục đi lễ chùa vào năm mới. Phong tục này như một lời cảm tạ trong suốt một năm vừa qua và cầu mong một năm mới vô sự bình an. Vì miếu là đạo Shinto, chùa là đạo Phật nên mỗi công trình lại mang mỗi tôn giáo khác nhau, nhưng người Nhật Bản không hề nghĩ như vậy. Đi lễ đầu năm dù có là miếu thờ hay chùa chiền đều được.
Món quà là tiền được dùng để chúc mừng năm mới gọi là tiền mừng tuổi – Otoshidama. Phong tục này cũng đã có từ rất xưa, bắt nguồn từ việc tặng cho trẻ em phần bánh gạo được chuẩn bị để đón thần tuổi tác nên mới có tên gọi là Otoshidama. Hiện nay, tiền tiêu vặt mà người lớn thường cho trẻ em vào ngày tết là tiền mừng tuổi.
Thiệp chúc Tết
Thiệp chúc tết là bưu thiếp được dùng như thư chào đầu năm. Thường thì thiệp chúc tết được bỏ vào hòm thư vào cuối năm, đến ngày 1 tháng 1 sẽ được thu thập lại và gửi đi. Tất nhiên, bạn cũng có thể tự mình chọn bưu thiếp và gửi đi, nhưng như trên bức ảnh thì hoàn toàn có thể sử dụng con tem bưu điện có kèm tiền mừng tuổi do bưu điện phát hành. Trong tấm bưu thiếp này có kèm theo cả lá phiếu bốc thăm, nếu trúng thưởng có thể nhận được những phần quà giá trị. Gần đây, số người gửi lời chào đầu năm bằng mail hay mạng xã hội ngày càng nhiều nên việc gửi thiệp chúc tết đang giảm đi.
Cuộc thi chạy tiếp sức Hakone
Và cuối cùng, điều tôi xin giới thiệu đến các bạn chính là cuộc thi chạy tiếp sức Hakone. Chạy tiếp sức là một loại hình điền kinh mà vận động viên chia ra thành các đội tranh tài với hình thức tiếp sức nhau. Ở Nhật Bản có rất nhiều cuộc thi chạy tiếp sức đường dài nhưng chắc hẳn nổi tiếng nhất vẫn là cuộc thi Hakone này.
Quãng đường chạy từ trước trụ sở chính của toà soạn Yomiuri tại phố Otemachi, Chiyoda-ku ở Tokyo, đến hồ Ashinoko tại Hakone tỉnh Kanagawa, sau đó chạy vòng lại, tổng quãng đường dài 217.1km với 10 vận động viên cùng tiếp sức và hướng về đích. Cuộc thi chạy Hakone là đại hội chạy tiếp sức của các trường đại học. Nghĩa là chỉ có sinh viên mới được tham gia. Tất cả các đội của các trường đại học trên toàn quốc sẽ tranh tài tại đại hội khu vực, 26 đội có kết quả tốt nhất sẽ được xuất hiện tại cuộc thi chạy tiếp sức Hakone.
Mỗi năm, đại hội này được tổ chức làm 2 đợt vào ngày 2/1 và ngày 3/1 nên gần như với người dân Nhật Bản việc xem cuộc thi chạy Hakone đã trở thành thói quen năm mới. Thêm vào đó, quãng đường chạy mỗi năm đều không thay đổi và được tổ chức trên con đường quốc lộ số 1 nên hai bên đường người xem rất đông và cổ vũ nhiệt tình cho các vận động viên.
Người Nhật Bản rất thích các cuộc thi chạy tiếp sức hay marathon đường dài như vậy. Trong chặng đường dài mà 10 vận động viên tranh tài, đội đang dẫn đầu sẽ bỏ xa các đội ở sau với khoảng cách xa, sau đó tiếp tục đổi người và nghỉ ngơi, mọi thứ như tạo nên một bộ phim kịch tính. Có lẽ nếu hoà mình vào hình ảnh những vận động viên đang chạy kia, ta cũng sẽ cảm nhận được nhiều thú vị chăng!
Vậy là tôi đã gửi đến các bạn “Đặc trưng mùa đông Nhật Bản – Những sự kiện trong mùa chuyển năm". Tất cả những sự kiện trên, chỉ cần nghe tên là đã liên tưởng ngay đến mùa Đông rồi! Lần tới, tôi sẽ lại giới thiệu đến các bạn những sự kiện khác khiến người ta cũng liên tưởng đến mùa Đông, nên các bạn nhớ đón xem nhé!