Các loại lồng đèn thủ công địa phương nổi tiếng Nhật Bản
Phố thị lóa đèn lồng
Muôn màu hoa rực rỡ
Da tỏa hương ngách ngõ
Có lúc nào quên không?
Những câu thơ trong bài Hỏi người của tác giả Nguyễn Văn Thái có đang vẽ nên trước mắt bạn khung cảnh rực rỡ tại những buổi lễ hội đè`n lồng lung linh ánh sáng hay chăng? Chìm trong vùng trời ánh sáng lộng lẫy như vậy, thế mà những chiếc đèn lồng dường như vẫn đem đến cho con người ta một chút bâng khuâng, da diết. Cớ sao điều ấy có thể?
Nếu có dịp được đứng trong khung cảnh một đêm hội đèn lồng đầy màu sắc tại Nhật Bản, chắc hẳn những xúc cảm ấy sẽ hiện rõ mồn một trong tâm hồn bạn. Vậy phải chăng chúng thật sự ẩn chứa điều gì đặc biệt bên trong? Để giải mã, chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu về các loại lồng đèn thủ công truyền thống nổi tiếng ở xứ hoa anh đào xem sao nhé!
1. Lồng đèn Yame (tỉnh Fukuoka)
Lồng đèn Yame có lịch sử khoảng 200 năm. Vào khoảng năm 1813 (năm Bunka thứ 10), lồng đèn Yame ra đời ở thị trấn Fukushima, thành phố Yame, tỉnh Fukuoka, vì vậy, nó cũng từng được gọi là lồng đèn Fukushima.
Những chiếc đèn lồng Fukushima nguyên thủy được vẽ bằng một màu duy nhất với các hoa văn đơn giản của hoa trà núi (sazanka) và hoa mẫu đơn (botan) và thường được treo ở các nghĩa địa. Hiện nay, lồng đèn Yame thường được bày trước bàn thờ Phật, trong các dịp lễ, đặc biệt là vào lễ Obon như một nghi thức tưởng nhớ tổ tiên. Ngoài ra chúng cũng được sử dụng để quảng cáo. Có khoảng 3.000 loại đèn lồng cho các nghi lễ và quảng cáo, bao gồm lồng đèn sumiyoshi có hình trụ, dài, mỏng và lồng đèn gotenmaru dạng hình tròn được treo lên trong các lễ hội hay trước các nhà hàng.
Đặc điểm nổi bật của đèn lồng Yame là khung xương tre xoắn ốc ichijo rasenshiki và phần thân hibukuro. Xương tre xoắn ốc ichijo bao gồm một thanh tre mỏng dài được nối với nhau bởi các thanh tre ngắn và quấn một vòng theo hình xoắn ốc dọc theo hình dạng của đèn lồng. Đây cũng được cho là nguồn gốc khung lồng đèn của các loại lồng đèn sau này ở Nhật Bản.
Hibukuro là bộ phận phát sáng, làm bằng giấy Nhật yametesuki dán lên khung xương tre và được trang trí với những bức tranh màu sắc đẹp mắt về hoa lá, chim chóc, cây cỏ. Ngoài tre và giấy washi, sơn mài, gỗ cũng là nguyên liệu được sử dụng để làm đèn lồng Yame. Vào ngày 3 tháng 7 năm 2001, lồng đèn Yame đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công nhận là nghệ thuật thủ công truyền thống Nhật Bản.
2. Lồng đèn Odawara (tỉnh Fukuoka)
Đèn lồng Odawara ra đời và rất phổ biến vào khoảng giữa thời Edo, được sử dụng để những người đi du lịch trên con đường Tōkaidō có thể dễ dàng mang nó băng qua vùng Hakone bằng cách gấp phần thân lại và cất gọn khi không sử dụng. Lồng đèn Odawara có thể nói là nguyên mẫu của một chiếc đèn pin đấy các bạn.
Chúng có dạng ống với phần khung xương tre là các vòng tròn có cùng đường kính, dễ dàng gấp lại và mang theo. Không giống như đèn lồng thông thường, lồng đèn Odawara có các thanh tre ở phần khung được đẽo gọt kĩ lưỡng, bo tròn các góc nên bề mặt gắn với giấy washi rộng, chắc chắn, khó bong tróc, độ bền cao và có khả năng chống mưa, sương mù.
Ngoài ra, do sử dụng cây thiêng của chùa Daioyama Saijoji làm nguyên liệu, nó được xem là một loại bùa chú để bảo vệ người mang tránh khỏi yêu quái. Vào thời điểm đó, lồng đèn Odawara có rất nhiều loại khác nhau như làm bằng đồng thau hay đan bằng tre, chúng không chỉ được sử dụng để soi sáng đi đường mà còn làm đèn bàn hoặc đồ trang trí độc đáo. Hiện nay, chúng không còn được sử dụng trong đời sống thực tế nhưng có rất nhiều hoạt động bảo tồn chiếc đèn lồng Odawara lan rộng khắp đất nước như một nét văn hóa.
Phía trên cửa soát vé tuyến JR East tại ga Odawara treo một chiếc đèn lồng Odawara khổng lồ với đường kính 2,5m và tổng chiều dài 5m để chào đón du khách. Khi tuyến JR Tōkaidō đến và đi, giai điệu Osaru no Kagoya được cất lên từ chiếc lồng đèn. Tuy nhiên, chiếc lồng đèn đã bị hư hại do cơn bão Đông Nhật Bản số 19 vào năm 2019 nên tạm thời đã được tháo xuống. Chúng ta cùng lắng nghe giai điệu thú vị và vui nhộn của bài hát này nhé!
Ngoài ra, cảng cá Odawara còn có hai ngọn hải đăng độc đáo hình đèn lồng Odawara màu đỏ và trắng, khiến nơi đây trở thành một địa điểm chụp ảnh nổi tiếng. Hàng năm vào thứ Bảy và Chủ Nhật cuối cùng của tháng bảy, nếu có dịp đến thăm quan Odawara, bạn hãy thử hòa mình vào lễ hội đèn lồng mùa hè Odawara hay còn gọi là lễ hội ánh sáng được tổ chức tại thành phố này, đừng quên check-in nhé!😉
3. Lồng đèn Gifu (tỉnh Gifu)
Đèn lồng Gifu là loại đèn lồng được làm ở thành phố Gifu, tỉnh Gifu. Có giả thuyết cho rằng đèn lồng Gifu đầu tiên được làm vào năm Keian thứ 3 (1650) treo trên mái hiên của một ngôi nhà ở Kawaramachi. Tự hào với lịch sử lâu đời hơn 300 năm, vào năm 1995 lồng đèn Gifu được công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống quốc gia vì kỹ thuật chế tác tinh xảo.
Điểm đặc trưng của đèn lồng Gifu là các hoa văn tinh xảo như hoa lá, chim muông, phong cảnh mùa thu vẽ trên giấy Mino và khung tre chất lượng cao sản xuất tại vùng Mino. Giấy Mino là vật liệu từ lâu đã nổi tiếng mỏng và bền cùng với những thanh tre chuốt mỏng, kết hợp những họa tiết, hoa văn tinh xảo, duyên dáng vẽ trên giấy tạo cho người nhìn một ấn tượng trang nhã, gọn gàng khi bắt gặp chiếc lồng đèn Gifu này.
Trong mùa lễ Obon, chúng được sử dụng phổ biến như một chiếc đèn lồng obon trong nhà, làm đèn chiếu sáng và trang trí nội thất. Loại đèn lồng Gifu điển hình là đèn lồng hình quả trứng được treo từ trên cao xuống, còn có tên gọi khác là đèn lồng Gosho. Ngoài ra còn có lồng đèn Gotenmaru tròn và đèn lồng Ouchi cố định với ba chân cũng được nhiều người biết đến.
Ngày 15 tháng 6 âm lịch hằng năm có lễ hội đèn lồng ở đền Mizoban thuộc thành phố Gifu. Nếu có dịp trải nghiệm lễ hội này thì thật thú vị các bạn nhỉ? Để làm nên được một chiếc đèn lồng Gifu duyên dáng phải trải qua rất nhiều công đoạn cũng như sử dụng rất nhiều kĩ thuật đặc biệt. Các bạn hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn quá trình làm lồng đèn Gifu qua video sau nhé:
4. Lồng đèn Kyoto (thành phố Kyoto)
Vào cuối thế kỉ 18, trước sự trở mình của lịch sử thế giới, đã có một xưởng chế tác lồng đèn lâu đời của gia tộc Kojima đáng kính ở Kyoto. Trải qua hơn 220 năm, những chiếc đèn lồng do Kojima Shōten chế tác từ bấy lâu nay đã chiếu sáng khắp các đền, chùa cũng như dinh thự các samurai và thương nhân trên khắp Nhật Bản.
Sự khác biệt của những chiếc đèn lồng của Kojima Shōten là trong khi các loại lồng đèn khác sử dụng kĩ thuật khung xương quấn xoắn ốc (makibone shiki) với tre mỏng và giấy mỏng, lồng đèn Kyoto sử dụng một phương pháp chế tác đặc biệt gọi là jibari shiki.
Kiểu khung jibari shiki được làm bằng cách tạo hình các dải tre đơn lẻ thành từng vòng, sau đó cố định lại bằng dây. Cả tre và giấy dán đều tương đối dày. Chính vì vậy phải mất một lượng lớn thời gian và công sức để hoàn thành một chiếc đèn lồng Kyoto. Kết quả là một chiếc đèn lồng bền chắc bởi cấu trúc gỗ, giấy dày, từ bên trong phát ra ánh hào quang rực rỡ ngay lập tức tạo nên ấn tượng nổi bật không gì sánh được.
Có thể bắt gặp những chiếc đèn lồng do Kojima Shōten trên khắp mọi nẻo đường cố đô Kyoto với các ký tự, hình ảnh như logo cửa hàng, tên chùa hoặc các hoa văn khác, hoàn toàn vẽ bằng tay.
Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp ở phía trước nhà hát nổi tiếng Minamiza, bên ngoài nhà trọ Kyōya, nhà khách Compass hay ở nhà hàng ramen Isshindo và quán bar Takamado, những chiếc đèn lồng của Kojima Shōten với các họa tiết đặc trưng cho mỗi địa điểm. Vừa tham quan vừa để mắt nhìn những chiếc đèn lồng Kyoto quanh thành phố chắc chắn sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho bạn đấy!
Tổng kết
Sau khi tìm hiểu các loại đèn lồng Yame, đèn lồng Odawara ở Fukuoka, đèn lồng truyền thống ở Gifu và Kyoto, có thể thấy các loại đèn lồng thủ công địa phương nổi tiếng của Nhật Bản thường làm từ giấy washi truyền thống dán lên khung tre. Tùy kĩ thuật chế tác, tạo hình đặc trưng mà mỗi loại có độ dày mỏng của nguyên liệu và hoa văn trang trí khác nhau.
Hàng năm, tại các địa phương trên khắp nước Nhật đều có những lễ hội đèn lồng đầy màu sắc với mong muốn xua đuổi điềm xấu và mang lại may mắn. Vì vậy nếu có dịp đến xứ sở hoa anh đào vào thời gian này, hãy cho bản thân được hòa mình vào không khí vừa rực rỡ, vừa có chút bâng khuâng da diết mà những chiếc đèn lồng này mang lại, bạn nhé! <3