Làm gì khi được điều chuyển nhân sự hoặc chuyển công tác? Cách chào hỏi và sự chuẩn bị cần thiết (2)
Sau khi có quyết định điều chuyển nhân sự và chuyển công tác, quá trình bàn giao công việc cho người kế nhiệm bằng cách này hay cách khác cũng đã hoàn tất. Và việc sắp xếp gọn gàng ngăn nắp nơi làm việc cũng hoàn thành, cuối cùng đã đến lúc chuyển đến nơi công tác mới. Mặc dù đang tràn ngập ý chí và động lực làm việc, nhưng chắc hẳn là vẫn sẽ có không ít người lo lắng về việc họ nên làm gì tiếp theo nhỉ? Chẳng hạn như việc làm quen với môi trường càng sớm càng tốt để đổi mới tâm trạng và có một khởi đầu mới. Trong bài viết kỳ này, tôi muốn giới thiệu một số câu chào hỏi cần thiết và những gì cần chuẩn bị cho nơi làm việc mới.
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng! Hãy chào hỏi thật đúng và đủ!
Lời chào là nền tảng của mọi thứ. Việc gửi một lời chào tử tế ngay khi bắt gặp ánh mắt đối phương là điều vô cùng quan trọng. Ngay cả đó là ánh mắt của một nhân viên cấp dưới nhìn bạn, hãy chào họ thật tử tế nhé!
Và, hãy gửi lời chào khi đảm nhiệm chức vụ mới một cách thật ngắn gọn, đơn giản. Nói về chức vụ và nội dung công việc bạn từng kinh qua cho đến hiện tại cũng là một điều quan trọng, thế nhưng, hiển nhiên điều mà người ta mong đợi là một lời chào có thể mang đến cái nhìn thoáng qua về tính cách của bạn. Hãy truyền đạt những lời nói với nội dung thân thuộc, gần gũi, thêm vào một chút sự hóm hỉnh, sự tương tác sôi động để làm dịu bầu không khí trong công sở.
Ví dụ về việc tạo bầu không khí sôi động bằng sự hóm hỉnh
- Nhìn tôi thế này thôi chứ thực ra thì tôi thích chơi cây cảnh.
- Tôi đã lo lắng về việc gửi lời chào hỏi mọi người đến nỗi mất ngủ cả đêm qua. Bây giờ thấy được mọi người đón nhận tôi thế này làm tôi thấy thật là nhẹ nhõm quá đi!
Đừng quên rằng thái độ khiêm tốn và nhiệt tình của bạn là nền tảng cho nội dung lời chào. Về cơ bản thì không cần thiết lắm nhưng bạn cũng hãy chuẩn bị một vài hộp bánh kẹo nhé! Vì bánh kẹo được gói trong những gói lẻ nên hãy cẩn thận xác nhận đủ số người.
Nhanh chóng nhớ mặt điểm tên các thành viên trong phòng ban
Cấp trên, đồng nhiệp, cấp dưới mà bạn gặp tại nơi công tác mới, hãy cố gắng nhanh chóng nhớ mặt điểm tên và tích cực giao tiếp, trò chuyện với họ nhé!
Để được chấp nhận ở nơi làm việc mới, trước tiên bạn phải nắm bắt được đối phương. Bạn cần hiểu họ đang phụ trách công việc gì và giỏi về lĩnh vực nào.
Bạn không cần phải miễn cưỡng thâm nhập vào đời sống riêng tư của họ, tuy nhiên, chẳng hạn như nếu đối phương là cấp trên của bạn, bằng cách nào đó nếu bạn biết được tiểu sử về người đó, sở thích, những thứ người đó đam mê thời đi học hoặc một vài điều về gia đình họ, thì những điều đó sẽ là “đầu mối" trong cuộc trò chuyện giữa hai người. Mặt khác, nếu bạn biết cả những điều cấm kỵ hay những điều không nên biết thì nó sẽ có ích trong việc xây dựng một mối quan hệ thuận lợi suôn sẻ.
Để được thừa nhận như một thành viên trong bộ phận, điều quan trọng là phải nhớ các quy tắc khác ngoài nội dung công việc. Một trong số đó là hiểu rõ mối quan hệ với các bộ phận khác và biết rõ các sự kiện, chẳng hạn như các buổi nhậu mà bạn tối thiểu phải tham gia.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng “tôi muốn tách công việc ra khỏi cuộc sống riêng tư của mình", thì tốt hơn hết là bạn cũng nên tham gia những sự kiện đó vào khoảng thời gian đầu khi mới bắt đầu công việc.
Hãy làm việc cẩn thận, chỉn chu hơn
Ngay cả trong công việc, giữ thái độ chân thành, nghiêm túc hơn bao giờ hết là điều rất quan trọng. Hãy đặt câu hỏi khi bạn không hiểu dù ở bất kỳ vị trí nào. Ngoài ra, không nên kể chuyện về nơi làm việc trước đó và đem ra so sánh.
Có lẽ sẽ có một vài tình huống bạn muốn sử dụng kinh nghiệm của mình để đưa ra đề xuất và ý kiến. Tuy nhiên, nếu bạn khẳng định bản thân quá nhiều ngay từ đầu, bạn sẽ bị người khác nghĩ rằng “người mới mà kiêu căng, tự phụ ghê ha…". Ở một mức độ nào đó, có lẽ tốt hơn hết là nên bắt đầu với việc làm quen với nơi làm việc mới trước.
Nếu bạn là nhân viên chuyển công tác, bạn nên thể hiện sự quan tâm đối với những câu chuyện hay được bàn tán, nhắc đến ở nơi làm việc mới. Đừng cảm thấy khó chịu khi bạn được người đến từ nơi khác quan tâm về văn hóa hay ẩm thực của vùng đất đó.
Hãy tạm gác bỏ những thường thức mà bạn có được cho đến hiện tại sang một bên và tập quen với một thế giới mới trước đã nhé! Trước nhất là phải học và học. Nếu bạn duy trì một thái độ khiêm tốn, bạn sẽ có thể trở thành một người đáng tin cậy và năng động ở bất cứ đâu đấy!