Ghế trên (kamiza) và ghế dưới (shimoza), cùng ghi nhớ quy tắc chỗ ngồi nhé! (1) Ý nghĩa
Bạn đã bao giờ tự hỏi không biết nên ngồi đâu khi được đưa đến phòng họp hoặc nơi gặp mặt đối tác, khách hàng? Và chắc hẳn, khi được giao công việc đón đối tác, khách hàng, bạn cũng đã từng bối rối không biết nên hướng dẫn họ ngồi vào vị trí nào đúng không?
Để thể hiện lòng hiếu khách và sự tôn trọng đối với đối tác hay người bề trên thì vị trí chỗ ngồi là vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu vô tình mắc sai lầm, bạn sẽ trở nên thất lễ với đối tác và người bề trên của mình. Vì vậy mà ở chuyên mục lần này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn quy tắc chỗ ngồi của người Nhật.
Vị trí của thượng tọa (kamiza) và hạ tọa (shimoza)
Như tôi đã nói ở trên, vị trí ngồi trong kinh doanh chính là điều thể hiện lòng mến khách và sự tôn trọng đối với đối tác và người bề trên.
Trong một không gian, người ta gọi vị trí chỗ ngồi tốt nhất là thượng tọa (kamiza), để chỉ chỗ ngồi dành cho đối tác, khách hàng, người bề trên hoặc người lớn tuổi. Người bề trên (meue) là từ dùng để chỉ những người có chức vụ, vai trò cao hơn mình, hoặc những người cùng chức vụ, vai trò nhưng lớn tuổi. Về cơ bản thì chỗ ngồi xa nhất tính từ cửa ra vào chính là kamiza.
Và ngược lại, hạ tọa (shimoza) là chỗ ngồi dành cho những người có vị trí, chức vụ thấp. Shimoza là chỗ ngồi gần nhất tính từ cửa ra vào.
Ở Nhật Bản từ xưa, tại chỗ ngồi xa nhất so với cửa ra vào, người ta thường đặt kệ trang trí hoặc kệ âm tường. Tức là, nơi sâu nhất ở trong phòng được coi là nơi của thần linh. Thêm vào đó, lối ra vào là nơi mà mọi người đi lại nhiều nên nơi đó không được coi là một nơi an tĩnh. Vì vậy, người ta chọn chỗ ngồi xa nhất từ lối ra vào làm kamiza để thể hiện sự tôn kính với người ngồi ở đó.
Chỗ ngồi thể hiện sự tôn trọng đối với đối phương
Việc luôn để ý cẩn trọng cũng là một điều vô cùng quan trọng, chẳng hạn như để ý đến chỗ ngồi, không đi ngang qua trước mặt đối phương, nếu có việc cần thiết phải đi đâu đó thì bạn là người thực hiện, đừng để đối phương phải tốn công sức. Nếu đối phương nhầm lẫn, bạn hãy nói với đối phương là “oku no seki ni dozo" (奥の席にどうぞ, nghĩa là “Mời anh/chị ngồi ở phía trong ạ").
Đừng nghĩ rằng vị trí thứ tự chỗ ngồi chỉ đơn giản là thứ tự chỗ ngồi thôi. Bởi việc bạn coi trọng vị trí chỗ ngồi sẽ thể hiện sự trông trọng của bạn đối với người đi trước, cấp trên, đối tác,… Nếu bạn không tuân thủ quy tắc chỗ ngồi, đối phương có thể sẽ nghĩ rằng bạn đang không coi trọng họ đấy.
Quy tắc kamiza và shimoza không chỉ áp dụng trong phòng mà còn được áp dụng ở các phương tiện giao thông như tàu shinkansen, taxi, thang máy,… Trong phần tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với các bạn các trường hợp cụ thể, đâu là kamiza, đâu là shimoza và phải hướng dẫn đối tác ngồi ở đâu để không gây thất lễ.