Trẻ em và dinh dưỡng (giai đoạn đi học) – bữa ăn nhẹ
Bệnh béo phì ở trẻ
Dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của chúng ta và gây ra nhiều vấn đề, trong số đó, vấn đề khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng chính là bệnh “béo phì” ở trẻ. Theo kết quả của cuộc “Điều tra và thống kê về sức khỏe học đường ở trẻ em 11 tuổi" của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, kể từ năm 1977 tỷ lệ trẻ em béo phì tại Nhật tăng dần theo từng năm, đạt đỉnh vào năm 2006 sau đó giảm nhẹ dần. Tuy nhiên, việc kêu gọi người dân hạn chế ra đường nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm đã và đang khiến số lượng trẻ em ít vận động ngày một tăng lên. Thêm vào đó, khi trẻ ở nhà toàn thời gian thì việc ăn vặt nhiều hơn là điều khó tránh khỏi khi những món đồ ăn vặt ở ngay trong tầm tay, trở thành nguyên nhân gây béo phì.
Để biết bé nhà mình có béo phì hay hông, chúng ta có thể tính toán “mức độ béo phì" của bé. Chỉ số này thể hiện phần trăm mà cân nặng thực tế của trẻ nhiều hơn so với “cân nặng tiêu chuẩn”, xét theo giới tính, độ tuổi và chiều cao.
Mức độ béo phì (%) = (cân nặng thực tế – cân nặng tiêu chuẩn) ÷ cân nặng tiêu chuẩn x 100
Đối với trẻ từ 6 đến 12 tuổi – giai đoạn tiểu học, mức độ béo phì từ 20% trở lên tức trẻ béo phì nhẹ, 30% trở lên là béo phì trung bình còn từ 50% trở lên là béo phì nặng.
Khi trẻ bước vào tiểu học cũng là lúc trẻ có thể bắt đầu tự do ăn các món bánh kẹo hay uống nước trái cây, nước ngọt trong nhà có sẵn. Không những vậy, trẻ còn có thể bắt đầu tự mình đi mua các món đồ ăn thức uống bên ngoài, nếu người lớn như bố mẹ ông bà không để ý thì rất có thể lượng calo trẻ nạp vào cơ thể sẽ vượt quá lượng calo tiêu thụ trong ngày, về lâu về dài sẽ dẫn đến béo phì.
Cách kiểm soát bữa ăn nhẹ
Đối với trẻ ở giai đoạn từ 6 đến 12 tuổi, tỷ lệ calo mà bữa ăn nhẹ chiếm trong tổng năng lượng của một ngày ở mức lý tưởng là khoảng 10%, tức khoảng 200 kcal. Chúng ta có thể hình dung đơn giản rằng lượng calo này tương đương với nửa chiếc bánh su kem, hoặc ít hơn chai nước cam bình thường một chút. Nghe qua thì hẳn sẽ có nhiều người ngạc nhiên “Chỉ ít vậy thôi sao, mỗi lần bé nhà mình ăn cũng phải hơn cỡ đó”. Nhưng đừng ngạc nhiên vội, khi đọc bảng thành phần của các loại bánh kẹo và nước trái cây bày bán trên thị trường, mọi người sẽ còn “ngỡ ngàng” hơn về việc chúng chứa nhiều đường, muối, chất béo với hàm lượng calo cao hơn chúng ta nghĩ nhiều. Cùng với đó, các công ty sản xuất bánh kẹo và nước trái cây đã và đang nghĩ ra nhiều phương thức hơn để mang đến cho trẻ hương vị và cảm giác ăn mà chúng thích, khiến trẻ ăn các thực phẩm này nhiều hơn.
Thành phần bữa ăn nhẹ và thời gian ăn thích hợp
Bản thân mình cũng từng trải qua tình cảnh này, khi ăn quá nhiều đồ ăn vặt thì đến bữa ăn chính sẽ không ăn nổi nữa, lúc ấy bố mẹ mình thường la rầy kiểu “đúng là con nít mà”. Nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở việc cười cho qua chuyện thì chẳng sao, nhưng lỡ chẳng may việc ăn vặt trở thành thói quen thì nó sẽ có khả năng phá vỡ nhịp cân bằng cả trong thói quen ăn uống lẫn dinh dưỡng trong cơ thể chúng ta. Đặc biệt là, bữa trưa và bữa tối thường cách nhau khoảng 6~7 tiếng, vậy nên đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn thì việc ăn nhẹ ngay khi từ trường về nhà là một niềm vui thú cũng không có gì lấy làm lạ. Như mình đã đề cập, một lượng khoảng 200 kcal chỉ cần ăn trước bữa tối 2 tiếng thì cũng không có vấn đề gì.
Bên cạnh đó, cho trẻ ăn nhẹ món gì ắt hẳn cũng khiến các bậc phụ huynh băn khoăn không kém. Các ông bố bà mẹ thường có xu hướng an tâm hơn khi cho con ăn các loại thực phẩm có vị ngọt tự nhiên như khoai lang hay các loại trái cây như chuối, táo, nhưng các món như snack khoai tây chiên hay bánh ngọt kiểu Tây thì đối với trẻ mới thường là “chân ái”. Cùng với đó, chúng ta thường muốn trẻ uống sữa hay trà hơn là các loại nước đóng hộp, nhưng trẻ lại đặc biệt thích đồ uống có ga. Những món đồ uống này đến người lớn còn khó kiềm lòng, huống hồ gì trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc khi được ăn những món ngon, món khoái khẩu là không gì có thể thay thế được phải không nào. Không chỉ đơn thuần là thức ăn, những món ăn vặt mà bố mẹ cùng con, hay các anh chị em vừa ăn vừa trò chuyện sôi nổi ấy còn chứa đựng thứ “dinh dưỡng cho tâm hồn”. Chỉ cần chú ý một chút đến số lượng và thời gian ăn là chúng ta sẽ có bữa ăn nhẹ cực kỳ “chất lượng”.