Trẻ em Nhật Bản học lập trình không dùng máy tính như thế nào?
Trước giấc mơ lớn về cuộc sống công nghệ trong tương lai, nhiệm vụ nuôi dưỡng và đào tạo những lập trình viên ngay từ lúc nhỏ đã trở thành chủ đề nổi bật ở nhiều quốc gia. Là một trong những nước đi đầu về phát triển và ứng dụng công nghệ của thế giới, Nhật Bản đã chính thức đưa lập trình máy tính trở thành môn học bắt buộc từ bậc tiểu học từ tháng 4 năm nay.
Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (文部科学省 – Monbukagakushō – MEXT), chương trình lập trình máy tính ở cấp tiểu học không chú trọng vào việc sử dụng thành thạo các ngôn ngữ lập trình mà hướng đến hình thành và rèn luyện tư duy lập trình.
Việc sớm cho trẻ tiếp cận với môn học này cũng giúp khơi gợi niềm yêu thích đối với lập trình; giúp phát hiện những bạn trẻ tài năng, từ đó tập trung đào tạo để trở thành những lập trình viên chuyên nghiệp trong tương lai.
Đặc biệt, thay cho phương pháp giảng dạy gắn liền với máy tính như cách làm truyền thống, học sinh tiểu học tại Nhật Bản sẽ được tham gia vào những giờ học thú vị theo phương pháp lập trình không dùng máy tính (Unplugged Progamming).
Ưu, nhược điểm khi dạy học lập trình không dùng máy tính
Lập trình không dùng máy tính là phương pháp giảng dạy giúp trẻ hiểu được khái niệm, hình thành tư duy lập trình và rèn luyện những những kỹ năng cơ bản thông qua các hoạt động cùng giáo cụ quen thuộc như truyện tranh, sách và đồ chơi.
Liệu phương pháp học mang tính khác biệt này có thật sự giúp ích trong việc đào tạo những kỹ sư công nghệ tương lai?
Ưu điểm
- Thực hiện với hình thức vừa chơi vừa học, lồng ghép khái niệm và ý thức về tư duy lập trình vào những trò chơi mới lạ, thu hút.
- Hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, phòng ngừa các căn bệnh về mắt và những tác hại xấu do lạm dụng sản phẩm công nghệ.
- Giáo viên hướng dẫn không bắt buộc phải có chuyên môn sâu về lập trình nên có thể tiến hành đơn giản tại mọi lớp học thông thường.
- Ít tốn chi phí so với phương pháp giảng dạy sử dụng máy tính và các sản phẩm công nghệ khác.
- Thích hợp áp dụng với nhiều độ tuổi khác nhau.
Nhược điểm
- Chưa phù hợp với việc giảng dạy chuyên sâu về kỹ thuật vì trẻ không được thực hành cùng máy tính.
- Dễ tạo sự chán ghét đối với lập trình nếu trẻ không thật sự thích thú môn học.
Sở thích của mỗi trẻ đều khác nhau nên sẽ không tránh khỏi trường hợp có bạn không muốn tham gia vào giờ học lập trình. Sẽ rất đáng tiếc nếu tình trạng ép học kéo dài, làm xuất hiện suy nghĩ chán ghét môn lập trình ở con trẻ sau này.
Tuy vẫn còn những nhược điểm trong việc đào tạo chuyên sâu về kĩ thuật, lập trình không dùng máy tính vẫn được lựa chọn để vừa tạo sự hào hứng trong các giờ học, vừa cung cấp những kiến thức nền tảng không chỉ cho lập trình mà còn hỗ trợ các bậc học cao hơn cũng như trong đời sống thường nhật của trẻ.
Có lẽ, bạn cũng sẽ đồng ý với người viết về việc sớm cho trẻ tiếp cận với thế giới lập trình sẽ mang đến cho các trẻ những siêu năng lực phù hợp với thời đại bùng nổ công nghệ ngày nay và mai sau:
Hoạt động giảng dạy cụ thể
Bài viết này sẽ mang đến cho bạn những gợi ý thú vị về hoạt động giảng dạy lập trình không dùng máy tính có thể được tổ chức ngay tại nhà. Bạn tham khảo nhé!
Học lập trình với Origami
Nghệ thuật xếp giấy truyền thống Nhật Bản – Origami không chỉ mang đến những tác phẩm sáng tạo đầy mê hoặc mà còn thích hợp để rèn luyện nhiều kĩ năng khác nhau cho trẻ, một trong số đó chính là nhận thức về lập trình máy tính.
Hãy cùng xem hoạt động truyền thống này sẽ giúp ích gì cho việc đào tạo những kỹ sư công nghệ tương lai thông qua hai trò chơi sau:
Trò chơi 1
Nhiệm vụ của trẻ là miêu tả lần lượt các bước xếp giấy dựa trên thông tin được cung cấp để bố/mẹ có thể làm ra một sản phẩm Origami giống mẫu. Trong trò chơi này, trẻ và bố/mẹ bắt buộc ngồi đối lưng với nhau nên sẽ làm tăng độ khó cho việc diễn đạt các bước để hoàn thành nhiệm vụ.
1. Dụng cụ, vật liệu cần có:
- Giấy màu hình vuông (khoảng 15cm × 15cm)
- Mẫu hướng dẫn gấp Origami
*Bạn có thể tự do lựa chọn chủ đề phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Ví dụ hướng dẫn gấp con rắn dưới đây:
Hoặc tham khảo các hướng dẫn khác tại bài viết về Origami của WAppuri.
2. Chuẩn bị:
- Hai bộ bàn ghế để trẻ và bố/mẹ sẽ ngồi đối lưng với nhau
- Đặt sẵn trên bàn những món đồ sau:
- Bàn của trẻ: hướng dẫn gấp, sản phẩm mẫu
- Bàn bố/mẹ: giấy xếp Origami
3. Cách chơi:
Bước 1: Trẻ và bố/mẹ ngồi vào vị trí của mình, đối lưng nhau.
Bước 2: Trẻ quan sát mẫu và các bước xếp giấy đã được chuẩn bị sẵn tại bàn, sau đó đưa ra những chỉ dẫn chi tiết bằng lời cho bố/mẹ.
Bước 3: Sau khi kết thúc các bước xếp giấy, hãy cùng so sánh hai sản phẩm để xem liệu gia đình có chiến thắng trò chơi này không bạn nhé!
4. Những điều trẻ học được từ trò chơi:
Trong trò chơi, trẻ có vai trò như một lập trình viên và bố/mẹ chính là một chiếc máy tính.
- Quá trình suy nghĩ và miêu tả các bước xếp giấy giúp trẻ hình thành khả năng đưa ra các hướng dẫn và sắp xếp chúng theo trình tự thích hợp để hoàn thành nhiệm vụ (tương tự kĩ năng viết thuật toán trong lập trình)
- Nếu sản phẩm Origami không giống mẫu, bạn cũng đừng vội lo lắng. Lỗi vẫn thường xuất hiện trong quá trình lập trình và việc sửa lỗi vốn là một trong những nhiệm vụ của lập trình viên đấy. Hãy cùng trẻ tìm ra lỗi trong nội dung chỉ dẫn và trao cho các con cơ hội sửa lỗi bạn nhé!
Trò chơi 2
Nhiệm vụ của trẻ là sắp xếp thứ tự các bước hướng dẫn đã bị xáo trộn và kiểm tra kết quả bằng cách thử làm theo trình tự mình vừa quyết định. Nếu sản phẩm của trẻ chưa giống mẫu thì nhiệm vụ tiếp theo chính là sửa lỗi (debug) – một công việc không thể thiếu của các lập trình viên.
1. Dụng cụ, vật liệu cần có:
- Giấy màu hình vuông (khoảng 15cm × 15cm)
- Mẫu hướng dẫn gấp Origami
*Bạn có thể tự do lựa chọn chủ đề phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Ví dụ mẫu gấp chim cánh cụt dưới đây:
- In và cắt rời các bước hướng dẫn gấp giấy
- Đặt sẵn giấy Origami và một chú chim cánh cụt Origami đã được gấp mẫu trên bàn của trẻ
3. Cách chơi:
Bước 1: Xáo trộn các bước hướng dẫn gấp giấy.
Bước 2: Cho trẻ quan sát chú chim cánh cụt mẫu, đặt câu hỏi để khuyến khích trẻ khám phá các chi tiết trên mẫu.
Bước 3: Trẻ bắt tay vào sắp xếp thứ tự các bước hướng dẫn; sau đó gấp thử và so sánh sản phẩm được gấp theo trình tự của mình với sản phẩm mẫu.
4. Những điều trẻ học được từ trò chơi:
- Khi bạn cho trẻ thấy một sản phẩm hoàn chỉnh lúc bắt đầu và khuyến khích trẻ tìm hiểu các bước tạo ra sản phẩm, trẻ sẽ được rèn luyện kỹ năng phân tích và chia tách vấn đề lớn thành những phần nhỏ hơn.
- Việc lặp đi lặp lại 2 thao tác sắp xếp thứ tự bước hướng dẫn + kiểm tra kết quả giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc có một trình tự đúng trong lập trình, làm quen với phương pháp thử nghiệm từng bước và kiểm tra kết quả, không ngại sửa lỗi để hoàn thành nhiệm vụ.
Học lập trình từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày
Trong trò chơi lần này, hãy trò chuyện cùng trẻ về những việc bước làm khi chải răng mỗi sáng, tối và sắp xếp thứ tự các bước sao cho phù hợp. Sau đó cùng tham gia trò chơi nhập vai thành lập trình viên và robot để kiểm tra thứ tự mà trẻ đã đặt ra!
Bạn cũng có thể lựa chọn những chủ đề khác như cách dọn dẹp tủ đồ chơi, cách gài nút áo để thực hiện. Các khái niệm khó nhằn về lập trình sẽ được giải thích thông qua những hành động quen thuộc hằng ngày, giúp việc học lập trình trở nên gần gũi hơn với các bạn nhỏ.
1. Dụng cụ, vật liệu cần có:
- Giấy, bút để ghi thứ tự các hành động
- Bàn chải, kem đánh răng và ly nước
2. Cách chơi:
Bước 1: Thảo luận và ghi vào giấy thứ tự các bước để chải răng.
Bước 2: Trẻ sẽ đóng vai lập trình viên và bố/mẹ sẽ làm robot thực hiện các yêu cầu của trẻ.
Bước 3: Lập trình viên điểu khiển robot bằng cách hô to các bước chải răng theo thứ tự đã ghi trong giấy
Nếu thứ tự trẻ viết chưa đúng hãy cùng thảo luận để tìm ra đáp án chính xác!
3. Những điều trẻ học được từ trò chơi:
Trò chơi giúp bé trải nghiệm các công việc cơ bản của một lập trình viên: tiếp nhận nhiệm vụ (điều khiển robot chải răng), phân tích và đưa ra câu lệnh thực hiện (các thao tác cần có để chải răng: lấy kem, lấy nước, chải răng, v.v.), sắp xếp chính xác trình tự các câu lệnh và sửa lỗi (thay đổi vị trí thao tác).
Tổng kết
Có thể thấy, môn học lập trình tại Nhật Bản ở bậc tiểu học chú trọng đến việc trang bị cho trẻ những kĩ năng cần thiết để làm chủ vấn đề, thích ứng nhanh với sự thay đổi liên tục của xã hội. Từ đó tạo niềm yêu thích với công nghệ, chắp cánh để các em trở thành những nhà lập trình chuyên nghiệp trong tương lai.
Nhìn lại giáo dục Việt Nam thời gian qua, chúng ta cũng đã có được nhiều tín hiệu mới, bắt kịp với xu thế chung của toàn cầu, trong đó có việc Tin học đã trở thành môn học bắt buộc ở bậc tiểu học từ lớp 3-5.
Tuy nhiên, nội dung giảng dạy vẫn còn nặng về kỹ năng sử dụng một vài phần mềm cụ thể (ví dụ như bộ công cụ Microsoft Office) hay hướng dẫn cách sử dụng các tính năng cơ bản của một chiếc máy tính. Những bài học được hoàn thành bằng cách ghi nhớ các quy tắc có sẵn phần nào đã hạn chế tính tò mò khám phá và sức sáng tạo của trẻ ở độ tuổi này.
Để niềm yêu thích của trẻ với công nghệ không chỉ dừng lại ở việc dành nhiều giờ ghi nhớ tên gọi và thao tác của các phần mềm có sẵn hay chỉ là say mê những trò chơi điện tử, chúng ta cần tạo cơ hội để các con đi sâu hơn vào các sản phẩm công nghệ, tìm hiểu về cách mà chúng được sinh ra.
Bạn có như tôi, đang mong đợi được nghe thấy câu con muốn trở thành người điều khiển robot khi lớn lên từ một bạn nhỏ tiểu học khi nói về giấc mơ nghề nghiệp của mình sau này không?