Làm gì khi nghi ngờ con bị dị ứng thực phẩm?
Con trai tôi từng bị bệnh và nhập viện vào năm 3 tuổi. Cùng phòng bệnh với con có bé đến khám dị ứng thực phẩm trong ngày rồi về, cũng có bé nhập viện một ngày, vừa khóc vừa cùng người nhà chật vật trải qua một ngày dài.
“Dị ứng thực phẩm" chính là mối lo khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm vì đó là khi số loại thức ăn đa dạng mà trẻ ăn ngày càng nhiều. Nếu các triệu chứng bất thường như phát ban hoặc nôn mửa xuất hiện trong vòng khoảng 30 phút sau khi ăn, đó có thể là do dị ứng.
Tại Nhật Bản, Hiệp hội Dị ứng Nhật Bản đã công khai danh sách các chuyên gia và người hướng dẫn y tế, vì vậy mà bạn có thể tra cứu trên Internet để tìm một cơ sở y tế như khoa nội/khoa nhi gần nhất để chẩn đoán các triệu chứng dị ứng (ở tỉnh Aichi nơi tôi sống, có tới 115 bác sỹ có thể tư vấn và điều trị dị ứng).
Khi đến khám, việc kiểm tra sẽ được tiến hành sau các câu hỏi về triệu chứng. Đầu tiên, khi xét nghiệm máu, người ta sẽ kiểm tra số lượng kháng thể đối với các chất gây dị ứng (chủ yếu là protein) có trong máu. Ngoài ra, sẽ có chỉ định làm xét nghiệm da để xác định các chất gây dị ứng mà xét nghiệm máu không thể xác định (các chất có nguồn gốc từ trái cây và rau củ).
Dựa trên những giá trị này, người ta sẽ tiến hành các “thử nghiệm ăn thực phẩm" để tăng độ chắc chắn trong chẩn đoán.
Điều này là do có một số thực phẩm mà thật ra bạn vẫn có thể ăn, trong khi kết quả xét nghiệm máu lại là “dương tính". Trong trường hợp xấu nhất, dị ứng có thể dẫn đến tử vong, vì vậy các tác nhân gây dị ứng nhất định phải bị loại bỏ khỏi chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ thực phẩm mà chỉ dựa trên các kết quả xét nghiệm thì có thể xảy ra trường hợp loại bỏ nhầm các thực phẩm ăn được do các loại thực phẩm khác nhau nhưng lại có cùng một chất gây dị ứng. Việc này sẽ tạo ra các vấn đề mới như rối loạn dinh dưỡng và tổn hại sức khỏe. Kết quả của “thử nghiệm ăn thực phẩm" là chìa khóa để quyết định xem có thực sự cần phải loại bỏ loại thực phẩm đó hay không.
Thử nghiệm này xác nhận các triệu chứng bằng cách cho trẻ ăn một lượng nhỏ thực phẩm được coi là nguyên nhân gây dị ứng tại các cơ sở y tế. Nếu thức ăn gây dị ứng được xác nhận bằng thử nghiệm này, bác sỹ sẽ cho biết các mức độ (level) phải loại bỏ như loại bỏ hoàn toàn, hoặc nếu có thể ăn một chút thì giới hạn là bao nhiêu.
Ngoài ra, thử nghiệm ăn thực phẩm cũng sẽ được tiến hành để kiểm tra xem những đứa trẻ đã trải qua các xét nghiệm và vốn vẫn đang loại bỏ các chất gây dị ứng khỏi khẩu phần ăn thì khi lớn lên, có tăng được sức đề kháng để tăng được giới hạn ăn thức ăn gây dị ứng hay không. Ngoài ra, thử nghiệm này được tiến hành để xác nhận xem một người đã hoàn toàn có thể ăn được một món ăn nào đó khi họ đã có được khả năng chống dị ứng với loại thực phẩm đó hay chưa.
Mấy đứa trẻ tôi thấy cũng lặp đi lặp lại thử nghiệm chỉ ăn một vài mg (ml) các chất như trứng và sữa, rồi chờ đợi các triệu chứng xuất hiện.
Thử nghiệm ăn thực phẩm là một thử nghiệm được tiến hành trong bệnh viện, nơi được trang bị hệ thống cấp cứu dưới sự hướng dẫn của các y bác sỹ. Dẫu vậy vẫn có những trường hợp triệu chứng trở nặng và ảnh hưởng tới tính mạng. Vì vậy mà bạn đừng bao giờ làm điều này ở nhà đấy!
Một số người có thể không phát triệu chứng dị ứng ngay lập tức mà có thể xuất hiện sau 24 giờ, vì vậy rất khó để một người nghiệp dư đánh giá mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa thực phẩm và các bất thường của cơ thể. Nếu bạn thấy con mình có gì đó hơi khác so với bình thường thì hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nhé!