Làm gì để em bé ngừng khóc?
Người Nhật có câu tục ngữ: “Trẻ con lớn lên cùng tiếng khóc".
Cần hiểu rõ vì sao con khóc?
Khóc là một phương tiện giao tiếp quan trọng đối với em bé chưa biết nói. Con thể hiện mong muốn của mình bằng tiếng khóc, chẳng hạn như “Con đói bụng", “Thay tã cho con đi" hoặc “Con buồn ngủ".
Đối với một em bé chưa thể đi hoặc chạy, khóc là một cơ hội quý báu để vận động. Khóc lớn lên và khua khoắng tay chân sẽ khiến con đói bụng.
Nếu uống nhiều sữa đến no bụng sẽ khiến con buồn ngủ thì sự mệt mỏi sau khi khóc to cũng sẽ khiến con ngủ say. Khi thức giấc con lại khóc… Cứ lặp đi lặp lại như vậy, con sẽ nhanh chóng lớn lên. Vì vậy, việc em bé khóc là điều tự nhiên và con phải khóc thật nhiều để phát triển khỏe mạnh.
Tuy nhiên, kể cả khi biết như vậy, chẳng bố mẹ nào lại có thể bỏ cho con khóc. Tôi cũng tìm đủ mọi cách làm cho con ngừng khóc nhưng đây quả là một cuộc chiến gian khổ. Đặc biệt là vào ban đêm, tôi chỉ biết lặng yên khi đoán được rằng con “không ngủ được dù muốn ngủ" thông qua cách con khóc. Ai mà chưa quen nuôi con thì sẽ gặp rắc rối vì không biết xử lý như thế nào. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ những cách tôi làm cho con ngừng khóc và kinh nghiệm của các bà mẹ khác.
Các bước cần làm để giúp con
Trước hết, cách chính thống nhất để dỗ con là ẵm con rồi vừa lắc nhè nhẹ vừa vỗ lưng con đều đều. Bạn vừa vỗ nhẹ nhàng theo nhịp không đổi vừa đợi cho đến khi con ngừng khóc. Sự kiên nhẫn chính là chìa khóa trong phương pháp này.
Tiếp theo, cũng sẽ rất hiệu quả khi bạn vừa đi chầm chậm vừa hát ru đến khi con ngừng khóc. Trong cách này, ý thức của người mẹ hướng về bài hát nhiều hơn nên nó làm tôi mất tập trung hơn so với phương pháp “ôm ấp đơn thuần" ở trên.
Ngoài ra, tôi đã thử cho con ngậm vú dù con không đói. Con mà chịu ngậm vú thì sẽ ngưng khóc ngay. Lỡ mà không được thì tôi sẽ thu hút sự chú ý của con bằng cách bật đèn pin nhấp nháy. Bạn cũng có thể cho con soi gương hay nhìn cảnh bên ngoài cửa sổ.
Nếu con vẫn không thể ngừng khóc, tôi nhẹ nhàng đặt tay lên miệng con và khe khẽ đưa ra đưa vào, làm cho tiếng khóc của con lúc nhỏ, lúc to. Tôi cũng hòa với tiếng con “A wa wa wa wa”, đánh lạc hướng cảm giác của con để con hết khóc.
Thu hút sự chú ý của bé bằng âm thanh cũng là một cách hữu hiệu. Không chỉ đồ chơi, mà những vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng hữu ích đến không ngờ. Âm thanh cọ sát vào nhau của một chiếc túi nylon giống với âm thanh em bé nghe được lúc còn ở trong bụng mẹ. Bé nhà tôi đã nín khóc mỗi khi nghe tiếng rột roạt bên tai.
Khi con lớn hơn một chút, con mà khóc thì tôi cho con nằm ngửa rồi vừa nhẹ nhàng xoa bụng và chân con vừa nói “Ngoan nào, ngoan nào” và dùng quạt giấy quạt vào mặt con. Khi bạn xoa bóp hay quạt đều tay và có nhịp điệu thì con sẽ tỏ ra hứng thú “Ủa? Gì vậy ta?" và quên khóc.
Tôi có một người bạn sống trong chung cư. Người này vì lo ngại tiếng con khóc sẽ làm phiền hàng xóm nên đã lái xe hơi chở con đi lòng vòng xung quanh nhà.
Lỡ thử hết những phương pháp này mà con vẫn không ngừng khóc thì bạn cũng tuyệt đối đừng bế con thẳng đứng lên rồi lắc mạnh trước sau hay bịt luôn miệng con nhé. Việc đó có thể làm tổn thương não của con đấy (mời bạn xem bài viết “Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh“).
Như đã nói ở đầu bài viết, khóc là một phần “công việc" của em bé. Xin đừng cáu kỉnh và hãy cứ để cho con khóc thoải mái nhé!