Không gian nuôi dạy trẻ an toàn
Những tình huống ngàn cân treo sợi tóc khi nuôi con
Từ lúc nuôi con, tôi mới đối mặt với không biết bao nhiêu lần phải thốt lên “Nguy hiểm quá”, “Trời, hết cả hồn!”. Trong đó, lần “hết hồn” nhất là khi lôi ra cả một cái lốp xe hơi đồ chơi từ lỗ mũi con trai tôi.
Không biết làm cách nào thằng bé nhét được cái lốp có đường kính khoảng 1 cm vào mũi. Bữa đó, tự nhiên thấy lỗ mũi con có gì đó là lạ nên tôi nhìn thử thì thấy có gì đó màu đen trong mũi bé. Tôi hết cả hồn khi lấy nhíp gắp ra được cái lốp xe. Chỉ cần tưởng tượng nếu lỡ cái lốp thụt vào sâu hơn hay lỡ con cho vật gì nguy hiểm hơn vào mũi thì sao là tôi thấy sợ rồi.
Ví dụ trên cho thấy có rất nhiều thứ xung quanh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây nguy hiểm và dẫn đến tai nạn. Tai nạn chính là những việc sẽ xảy ra dù cha mẹ có cẩn thận đến đâu đi nữa.
Tai nạn cận kề
Theo số liệu năm 2016, trong số các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em từ 0 đến 14 tuổi, những “tai nạn bất ngờ” mà không bao gồm tai nạn giao thông và thiên tai được xếp ở vị trí cao: thứ 4 ở lứa 0 tuổi, thứ 2 ở độ tuổi từ 1-9 và thứ 3 ở độ tuổi từ 10-14. Nhờ vậy mà bạn mới biết rằng người lớn cần phải hết sức cẩn thận và xây dựng một môi trường ít rủi ro cho trẻ.
Tai nạn ngạt thở rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Như tôi đã đề cập trước đây, có rất nhiều trường hợp trẻ ngủ trên giường và nệm ngủ của người lớn bị mắc kẹt vào giữa hai nệm hay bị chăn che mặt dẫn đến ngạt thở.
Ngoài ra, bố mẹ cũng hãy cẩn thận với những tai nạn té ngã. Trong tháng 6 năm 2020, có 4 vụ tai nạn té ngã đã xảy ra ở Nhật Bản. Đây là các vụ ngã khỏi ban công của căn hộ. Những đứa trẻ tuy thấp bé nhưng cũng có thể dễ dàng leo qua rào chắn bằng cách lấy những chậu cây làm bàn đạp.
Đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, người ta thường mở cửa sổ cho thoải mái. Thế là chỉ cần không để ý chút thôi là những đứa trẻ sẽ tò mò ra đến ban công ngay. Để đề phòng tai nạn đau lòng, hãy gắn thêm khóa bảo vệ ở vị trí cao ngoài tầm với của trẻ em, và nhớ bỏ chậu cây, hành lý và các vật dụng khác mà có thể dùng làm bàn đạp cho trẻ.
Hãy xem xét từng ngóc ngách trong nhà
Trẻ nhỏ vốn hiếu kỳ, mọi thứ xung quanh chúng đều là “đồ chơi”. Nhất là khi trẻ đang trong giai đoạn xác nhận, học hỏi qua xúc giác, các bé sẽ thường xuyên sờ đồ vật rồi cho vào miệng liếm.
Thế là có một kiểu tai nạn do nuốt nhầm.
Tôi cũng đã cuống cả lên khi con trai tôi ăn phải khăn giấy. Nhưng đáng lo nhất chính là cái tư tưởng chủ quan của bố mẹ cứ cho rằng “Con sẽ không cho thứ đó vào miệng đâu”. Những thứ như thuốc lá, thuốc tây, viên bi, kẹp tóc, chìa khóa, pin, v.v… có đang nằm trong tầm với của con bạn không? Hãy rà soát căn nhà của bạn với tư tưởng “Thế nào con cũng sẽ cho vào miệng ngay cho xem!”.
Thế nhưng, thật khó để loại bỏ hết những thứ vụn vặt quanh bạn phải không nào? Vậy thì hãy nghĩ ngược lại, chúng ta hãy cách ly bé khỏi những nguồn gây nguy hiểm. Và tôi đã mua một cái vây cũi khi con bắt đầu biết bò trườn.
Có nhiều khi bố mẹ bắt buột phải rời con như những lúc phải đi vệ sinh hay tiếp khách đột xuất. KNhững lúc như vậy thì vây cũi sẽ trở nên rất đắc lực.
Ngoài ra, cũng nên lắp cổng chắn trẻ em trước không gian làm việc xung quanh máy tính, nơi có rất nhiều hệ thống dây điện để chặn trẻ đi vào.
Các lỗ trên ổ cắm điện có vẻ rất hấp dẫn trẻ em và đồng thời rất nguy hiểm vì chúng khiến trẻ muốn nhét các vật sắc nhọn như dây kim loại hay chìa khóa vào.
Thế nên bạn cũng hãy bố trí một môi trường trong nhà mà cả trẻ em và người lớn đều có thể yên tâm sinh hoạt nhé!